“Bàn cách làm giàu” với người Vân Kiều, Pa Cô
Địa hình đồi núi, đất đai cằn cỗi, thuỷ lợi khó khăn cùng phương thức, tập quán canh tác lạc hậu như trồng lúa không bón phân, nuôi lợn thả rông không chăm sóc... là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Đakrông luôn đối mặt triền miên với đói nghèo.  Năm 2002, bằng sự hợp tác tích cực giữa tổ chức Oxfam Hồng Kông với Dự án IDE thực hiện hàng chục lớp tập huấn kiến thức về nuôi lợn theo hướng thâm canh, nuôi nhốt có sự chăm sóc và trồng lúa bón ...

"Bàn cách làm giàu" với người Vân Kiều, Pa Cô

Địa hình đồi núi, đất đai cằn cỗi, thuỷ lợi khó khăn cùng phương thức, tập quán canh tác lạc hậu như trồng lúa không bón phân, nuôi lợn thả rông không chăm sóc... là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Đakrông luôn đối mặt triền miên với đói nghèo. Năm 2002, bằng sự hợp tác tích cực giữa tổ chức Oxfam Hồng Kông với Dự án IDE thực hiện hàng chục lớp tập huấn kiến thức về nuôi lợn theo hướng thâm canh, nuôi nhốt có sự chăm sóc và trồng lúa bón phân viên dúi (viên phân được tổng hợp từ 3 loại phân gồm phân đạm, lân, kali)...đã thực sự làm cho bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô tại các xã hưởng lợi từ Dự án IDE bắt đầu biết “học cách làm giàu” từ chính mảnh ruộng, góc vườn của mình.

Nước sạch đến vùng cao -Ảnh: Minh Hoàn

Để lý giải cho câu hỏi của tôi là tại sao chỉ trong thời gian 6 năm (từ năm 2002 đến nay) triển khai Dự án IDE đã làm thay đổi được nhận thức trong sản xuất nông nghiệp của người Vân Kiều, Pa Cô tại các xã được hưởng lợi, anh Nguyễn Hoàng Sùng, cán bộ Dự án IDE cho biết: Dự án IDE hiện đang được triển khai trên địa bàn 4 xã gồm xã Hướng Hiệp, Mò Ó, Triệu Nguyên, Húc Nghì của huyện Đakrông với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của của Oxfam Hồng Kông. Dự án IDE hoạt động không theo phương thức hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân vì hỗ trợ tiền người dân sẽ tiêu hết số tiền hỗ trợ mà mục tiêu của dự án đặt ra sẽ khó thực hiện được trong thực tế. Phương thức hoạt động của IDE là tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức cho người dân về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường. Tại các lớp tập huấn, cán bộ Dự án IDE sẽ cùng người dân bàn bạc cách thức sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như chỉ ra lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân thấy được việc họ làm là có lợi cho chính bản thân, gia đình họ. Minh chứng rõ nét nhất như ở lĩnh vực nông nghiệp, cán bộ Dự án IDE sẽ chỉ ra cho người dân thấy nuôi lợn theo hướng thâm canh, nuôi nhốt để có điều kiện chăm sóc thì lợn sẽ tăng trọng nhanh, lợi ích kinh tế mang lại cao hơn gấp nhiều lần việc nuôi lợn thả rông mà không có sự chăm sóc; trồng lúa bón phân viên dúi làm cho năng suất lúa cao hơn nhiều lần việc trồng lúa không bón phân; bón phân viên dúi sẽ không bị rửa trôi do đặc thù lúa rẫy, lúa nương của người Vân Kiều, Pa Cô thường nằm trên sườn đồi có độ dốc cao. Đến nay, hầu hết người dân tại 4 xã hưởng lợi từ Dự án IDE đã bón phân viên dúi cho ruộng lúa của họ; nuôi lợn thâm canh, nuôi nhốt có sự chăm sóc. Khi bước vào triển khai dự án (năm 2002), khó khăn lớn nhất gây trở ngại đến tiến độ thực hiện dự án là người dân chưa thực sự tin tưởng vào phương thức canh tác nông nghiệp mà cán bộ Dự án IDE đã hướng dẫn họ. Để khắc phục, cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, cán bộ của Dự án IDE đã đến từng thôn, bản để vận động già làng, trưởng bản, sau đó cùng già làng, trưởng bản đến tận từng hộ dân vận động bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô làm theo cách làm mà cán bộ Dự án IDE đã tập huấn, hướng dẫn. Bên cạnh đó, Dự án IDE chủ động tìm nguồn phân viên dúi để cung cấp đến tận tay người dân. Anh Hồ Văn Giàng ở bản Xa Rúc (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) cho biết: Hiện tại, nguồn lương thực của gia đình anh dựa cả vào 1 ha lúa rẫy. Trước đây, người Vân Kiều, Pa Cô trong bản Xa Rúc có quan niệm rằng trồng lúa mà bón phân sẽ làm bẩn hạt ngọc của Giàng và Giàng sẽ mang đến bệnh tật cho dân bản. Ai bón phân cho lúa sẽ bị bản phạt giết trâu, bò, lợn cúng Giàng. Lúa không được bón phân và chăm sóc nên năng suất chỉ đạt khoảng 1 tạ/ha/ vụ. Năng suất lúa thấp khiến gia đình anh thường xuyên bị thiếu lương thực từ 1-2 tháng trong năm. Sau khi được cán bộ Dự án IDE hướng dẫn, anh đã áp dụng kỹ thuật bón phân viên dúi nên năng suất lúa tăng lên 3-4 tạ/ha/vụ. Nguồn lương thực thu được từ 1 ha lúa rẫy đảm bảo cho gia đình anh không còn phải chịu cảnh thiếu đói trong năm. Kỹ thuật bón phân viên dúi không khó nên hầu hết bà con trong bản Xa Rúc đều làm thành thạo sau khi được cán bộ Dự án IDE hướng dẫn thao tác bón phân trên ruộng lúa. Anh dự định trong thời gian tới sẽ khai hoang thêm diện tích đất để trồng lúa, tiếp tục áp dụng kỹ thuật bón phân viên dúi nhằm tăng sản lượng lúa để gia đình anh không còn thiếu đói mà còn có thể vươn lên làm giàu trên chính mảnh ruộng nhà mình.

Nhiều hộ dân người Vân Kiều, PaCô ở xã Hướng Hiệp bắt đầu áp dụng kỹ thuật bón phân viên dúi cho lúa rẫy, lúa nương

Chị Hồ Thị Hom ở bản Ruộng (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) cho biết: Trước đây, gia đình chị nghèo lắm. Quanh năm phải đối mặt với thiếu ăn bởi nguồn thu nhập của cả gia đình đều dựa chủ yếu vào việc chặt củi về bán ở chợ thị trấn Krông Klang. Số tiền kiếm được sau một ngày vào rừng chặt củi cũng chỉ đủ cho gia đình chị đong gạo sống qua ngày. Năm 2002, sau khi tham gia lớp tập huấn do IDE tổ chức tại xã Hướng Hiệp, chị đã mạnh dạn vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đakrông để mua 1 con bò, 2 con lợn. Lợn khi mua về chị không thả rông như trước đây mà tận dụng nguồn vật liệu tre, gỗ sẵn có quanh nhà để làm chuồng nuôi nhốt sau vườn nhà. Lợn nuôi nhốt do được chăm sóc cẩn thận nên tăng trọng nhanh. Nếu như trước đây, lợn nuôi thả rông phải mất 7-8 tháng mới có trọng lượng 50-60 kg thì nay nuôi nhốt và cho lợn ăn rau sống, cám gạo chỉ trong vòng 3-4 tháng đã có trọng lượng 70-80 kg. Thấy được hiệu quả từ việc chăn nuôi lợn thâm canh, nuôi nhốt, chị đã tăng dần số lượng đàn lợn nuôi từ 2 con/lứa xuất chuồng lên 8-9 con/lứa xuất chuồng. Mỗi năm, chị nuôi từ 2-3 lứa lợn và mỗi lứa lợn sau khi trừ chi phí tiền thức ăn, công chăm sóc cho lãi ròng từ 2-3 triệu đồng. Nguồn thu nhập từ nuôi lợn thâm canh, nuôi nhốt trong 6 năm đã giúp chị làm được căn nhà trị giá 12 triệu đồng. Sắp đến, chị sẽ đầu tư thêm 10 triệu đồng làm hệ thống chuồng trại để có thể nuôi nhốt từ 20-24 con lợn/ lứa để tăng thêm thu nhập. Hiện bản Ruộng có 12 hộ dân nuôi lợn theo hướng thâm canh, nuôi nhốt để chăm sóc từ sự hướng dẫn của cán bộ Dự án IDE. Bây giờ, chị đã thực sự tin rằng mình có thể làm giàu từ mảnh vườn sau nhà. Sau 6 năm triển khai thực hiện tại huyện miền núi Đakrông với sự hỗ trợ của Oxfam Hồng Kông, Dự án IDE đã thực sự cùng người Vân Kiều, Pa Cô “bàn cách làm giàu” từ những lớp tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp một cách thiết thực, hữu ích. Bài, ảnh: Hoàng Tiến Sỹ