(QT) - Được sự hỗ trợ của Dự án phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Hướng Hóa thuộc Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, hơn 1 năm nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình trồng sắn xen lạc tại 2 xã Hướng Sơn và Hướng Linh. Bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp đồng bào DTTS biết cách lựa chọn giống cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
![]() |
Mô hình trồng sắn xen lạc bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân Hướng Sơn và Hướng Linh |
Bấy lâu nay, gia đình chị Hồ Thị Ân ở thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít lại bị bạc màu do độc canh cây sắn trong nhiều năm liền nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Đầu năm 2018, gia đình chị thuộc diện 1 trong những hộ đồng bào DTTS được Dự án phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS huyện Hướng Hóa và Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn hỗ trợ làm điểm trồng sắn xen lạc. Quá trình thực hiện mô hình này, gia đình chị được cán bộ của trung tâm tận tình hướng dẫn các kỹ thuật về làm đất, gieo trồng sắn, lạc, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây và thu hoạch. Do đó, chị đã triển khai trồng thử nghiệm sắn xen lạc trên diện tích 4 sào. Vừa qua, gia đình chị Ân bắt đầu thu hoạch vụ lạc xen sắn đầu tiên, năng suất lạc đạt từ 1 - 1,2 tạ/sào. Chị Ân chia sẻ: “Sau khi tiếp thu khoa học kỹ thuật từ dự án hỗ trợ, chúng tôi biết cách khai thác, tận dụng diện tích đất của gia đình để đưa vào trồng những giống cây phù hợp, năng suất, hiệu quả cao hơn. Tôi rất vui vì được dự án hỗ trợ tham gia mô hình trồng sắn xen lạc nên có nguồn thu nhập cao hơn trước đây, sau khi trừ chi phí, có thể đạt từ 10 - 12 triệu đồng/4 sào. Sau khi thu hoạch lạc, phần thân và lá còn tận dụng che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm, bón phân cho đất. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng mô hình này để có nguồn thu nhập khá hơn”.
Với mục đích hỗ trợ cho hộ nghèo đồng bào DTTS tăng thu nhập, cải tạo đất, canh tác theo hướng bền vững nhằm bảo vệ môi trường, năm 2017, Dự án phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS huyện Hướng Hóa hỗ trợ 1 hộ ở Hướng Sơn trồng sắn xen lạc trên diện tích 0,3 ha. Sau 1 năm, hộ này đã mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 0,5 ha. Kết quả ban đầu cho thấy, mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt: Năng suất, chất lượng sắn và lạc tăng hơn việc độc canh cây sắn như trước đây. Nhận thấy đây là mô hình hiệu quả, 4 hộ khác ở Hướng Sơn đã tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng mô hình trồng sắn xen lạc. Đến tháng 3/2018, dự án tiếp tục hỗ trợ 9 hộ ở xã Hướng Sơn (4 hộ) và Hướng Linh (5 hộ) xây dựng mô hình trồng sắn xen lạc với tổng diện tích đất 3 ha và 480 kg lạc giống. Phía dự án hỗ trợ về kinh phí tập huấn, mua giống lạc cho người dân; Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ về các khâu tập huấn kỹ thuật làm đất, trồng sắn xen lạc theo từng giai đoạn như làm đất, gieo trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… ; người dân chuẩn bị đất, giống sắn, công gieo trồng. Giống lạc L14 được lựa chọn trồng xem sắn KM94 theo quy cách 2 hàng sắn trồng xen 2 hàng lạc. Sau gần 5 tháng triển khai, kết quả cho thấy cả 2 loại cây trồng đều phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại, ít cỏ dại, năng suất lạc đạt từ 1 - 1,2 tấn/ha, năng suất sắn đạt 25 - 27 tấn/ha.
Sắn xen lạc không phải là mô hình mới trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa thì mô hình này còn chưa phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sản xuất, trình độ dân trí, đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Qua hơn 1 năm triển khai mô hình sắn xen lạc ở Hướng Sơn và Hướng Linh, mặc dù mô hình thực hiện ở vùng khó nhưng phát triển tốt, năng suất không thua kém so với các địa phương khác ở đồng bằng. Các hộ hưởng lợi đều có ý thức cầu tiến, tiếp thu khoa học kỹ thuật khá nhanh. Họ mong muốn sau mùa thu hoạch sắn xen lạc đầu tiên sẽ vay vốn để khai hoang, làm đất, đầu tư mua giống, mở rộng mô hình này.
Chị Lê Thị Hồng Nhung, cán bộ thúc đẩy thị trường thuộc Dự án phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS huyện Hướng Hóa cho biết: “Kế hoạch trong thời gian tới, dự án tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và chính quyền các địa phương tiến hành hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS mở rộng diện tích, nhân rộng mô hình trồng sắn xen lạc ra toàn bộ 5 xã: Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Lập và Hướng Việt; góp phần thay đổi quan điểm của người dân trong cải tạo đất, lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng sản xuất hiệu quả”.
Ngọc Trang