Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009
NGƯT- Thạc sĩ Hoàng Đức Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục& Đào tạo Quảng Trị trả lời phỏng vấn.
Phóng viên (P/V): Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008- 2009 này được xem là kỳ thi chuẩn bị cho đề án đổi mới của Bộ Giáo dục- Đào tạo với quyết tâm thực hiện cho được kỳ thi “Hai trong một” vào năm 2010. Vậy những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Đức Thắm (Đ/c HĐT): Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008- 2009 này, một quy chế mới, phù hợp với những cải cách mới vừa được ban hành. Sự thay đổi khá căn bản trong quy trình thi, đó là thi cụm và chấm chéo. Năm nay chỉ có một lần thi tốt nghiệp THPT và Bổ túcTHPT được tổ chức vào 3 ngày từ 2/6 đến 4/6/2009 thay vì những năm trước đây tổ chức 2 lần thi và là năm học đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp theo chương trình phân ban. Tổ chức thi tốt nghiệp theo các cụm trường, tức là học sinh trong mỗi cụm trường được sắp xếp chung lại với nhau theo qui định của Bộ GD&ĐT và tại mỗi cụm trường thành lập một số Hội đồng coi thi. Theo tinh thần này thì năm nay tại Quảng Trị có 9767 học sinh hệ THPT và 1211 học sinh bổ túc THPT sẽ dự thi tại 11 cụm thi chung cho cả phổ thông và bổ túc với 31 Hội đồng thi. Năm nay chỉ có thanh tra của Bộ GD& ĐT làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi. Giám thị ngoài phòng thi thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công ở khu vực bên ngoài, không nằm trong phạm vi hành lang phòng thi và hỗ trợ thanh tra khi cần thiết. Huy động thêm giám thị từ các trường đại học, cao đẳng, THCN làm nhiệm vụ coi thi trong phòng thi, nhất là những nơi không thể tổ chức thi theo cụm hoặc tổ chức cụm thi có 2 trường. Thực hiện đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh lân cận để chấm thi, còn các môn thi trắc nghiệm sẽ chấm tại tỉnh; việc phúc khảo bài thi cũng được thực hiện như việc chấm thi lần đầu. Bộ GD&ĐT thiết lập đường dây nóng để thí sinh, phụ huynh, nhân dân phản ánh kịp thời những trường hợp vi phạm quy chế thi. PV: Xin đồng chí cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008- 2009, Quảng Trị có những điểm mới gì so với những năm học trước? Đ/c HĐT: Ngoài những điểm mới chung trong toàn quốc như đã nêu trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ở Quảng Trị có một số điểm mới cơ bản, đó là sau 2 năm có các lớp nhô 10 và 11 ở Trường THCS thì đầu năm học 2008- 2009 Quảng Trị thành lập mới thêm 3 trường THPT, đó là các Trường THPT Hướng Phùng, THPT ATúc, THPT số 2 Đakrông (Tà Rụt). Việc mở thêm 3 trường THPT ở địa bàn khó khăn đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, nhất là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô được đi học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008- 2009 này là năm đầu tiên cả 3 trường ở vùng khó đều có học sinh dự thi với số lượng 172 em, trong đó có 118 em là người Vân Kiều, Pa Cô, chiếm tỷ lệ gần 70%. Tuy nhiên có những khó khăn được đặt ra ở đây là khả năng học tập của học sinh có những hạn chế nhất định, hơn nữa do các trường mới được thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn và đội ngũ cán bộ, giáo viên còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý cũng như trong giảng dạy. PV: Trước những điểm mới và khó khăn đặt ra, ngành GD&ĐT Quảng Trị đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp, nhất là cho 3 trường miền núi mới thành lập?
 |
Học sinh trường THPT Lê Lợi tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009. Ảnh: Thành Dũng |
Đ/c HĐT: Trong nhiều năm qua, cùng với sự đổi mới chung của Giáo dục- Đào tạo cả nước, ngành GD- ĐT Quảng Trị luôn giữ được chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao so với tỷ lệ chung của toàn quốc và bảo đảm các yếu tố khác của các kỳ thi. Bộ GD&ĐT đánh giá cao về công tác chuẩn bị và kết quả thi tốt nghiệpTHPT của Quảng Trị trong những năm qua. Đây là một cố gắng lớn không những của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh toàn ngành mà qua đó còn thấy nỗ lực của toàn xã hội, của các cấp, các ngành trên địa bàn. Việc chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2008-2009, Sở GD& ĐT Quảng Trị xác định công tác trang bị kiến thức văn hoá cho học sinh là yếu tố cơ bản nhất và được tổ chức thực hiện với tinh thần quyết liệt, cụ thể và sáng tạo. Ngành GD& ĐT tỉnh đã thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nội dung cuộc vận động "Hai không" trong cán bộ, giáo viên, học sinh để quyết tâm thực hiện tốt. Từ đầu năm học công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được thể hiện trong quy trình chỉ đạo năm học của Sở và trong quy trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học của các nhà trường. Sở GD& ĐT đã tổ chức các hội nghị chuyên đề để quán triệt các văn bản chỉ đạo mới của Bộ GD& ĐT, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ quản lý và người làm thi. Đồng thời ra các văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy và học, ôn thi cho học sinh lớp 12. Phổ biến cho giáo viên, học sinh và phụ huynh sự đổi mới kỳ thi tốt nghiệp của Bộ GD- ĐT để học sinh có thái độ tích cực trong học tập, chuẩn bị tốt về cả kiến thức và tâm lý để bước vào mùa thi. Về các trường, thường xuyên rà soát việc thực hiện chương trình ở tất cả các khối lớp, dạy đủ, đúng chương trình các môn học, thực hiện phân phối chương trình theo quy định. Một số trường đã tổ chức củng cố kiến thức trong dịp hè cho học sinh lớp 12, sớm lập kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp cuối cấp, dành nhiều thời gian ôn tập cho 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và sau khi có thông báo môn thi tốt nghiệp của Bộ GD & ĐT đã tiến hành tổ chức ngay việc ôn tập cho cả 6 môn. Bên cạnh đó Sở GD& ĐT Quảng Trị đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thành lập nhiều đoàn đến trực tiếp các trường để nắm tình hình, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các chủ đề của năm học nói chung và kế hoạch tổ chức dạy và học từng môn. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 bảo đảm đúng hướng, không học tủ, không học lệch. Tập trung củng cố những kiến thức cơ bản mà học sinh chưa nắm vững và kỹ năng vận dụng còn yếu. Tài liệu ôn thi tốt nghiệp được cung cấp kịp thời cho học sinh ngay sau khi Bộ phát hành. Tổ chuyên môn của các trường căn cứ vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp của Bộ GD& ĐT để rèn luyện cho học sinh kỹ năng làm bài, hướng dẫn cách làm bài thi trắc nghiệm theo từng bộ môn. Trong kiểm tra chất lượng cuối học kỳ I và học kỳ II ở khối 12, tất cả các trường THPT đều thực hiện kiểm tra theo đề chung của Sở với cấu trúc đề thi tốt nghiệp để học sinh làm quen. Các trường THPT trong toàn tỉnh đã chủ động phân loại học sinh theo trình độ để tổ chức ôn tập, có tổ chức riêng lớp cho học sinh yếu kém để phụ đạo. Tăng cường công tác quản lý thời gian, nội dung và phương pháp ôn tập đối với giáo viên. Quan tâm đến công tác chuẩn bị hồ sơ thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, đảm bảo hồ sơ dự thi của thí sinh đầy đủ, đúng quy chế, không để bất cứ một học sinh nào trong diện được hưởng chế độ ưu tiên hoặc khuyến khích mà không được cộng điểm vì lý do sai sót về hồ sơ. Phối hợp tốt với Hội cha mẹ học sinh để tạo điều kiện cho học sinh khối 12 ôn tập ở nhà và ở trường. Công tác tuyên truyền vận động cũng được chú trọng, ngành GD&ĐT đã phối hợp với với Đoàn Thanh niên phát động phong trào "Học vì một ngày mai lập nghiệp". Việc huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng ôn tập thi tốt nghiệp được tổ chức có hiệu quả, các trường THPT vùng thuận lợi đã huy động cán bộ, giáo viên và học sinh hỗ trợ tài liệu, sách, vở, áo quần và dụng cụ học tập cho các trường vùng khó, điển hình là các trường THPT Đông Hà, THPT thị xã Quảng Trị, THPT Lê Lợi, THPT chuyên Lê Quí Đôn, Trung tâm KTTH- Hướng nghiệp tỉnh, THPT Phan Châu Trinh, THPT Vĩnh Linh, THPT Triệu Phong,... nhiều cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng đã tích cực hỗ trợ để mua tài liệu, đồ dùng học tập, tăng khẩu phần ăn trưa cho học sinh nghèo ở Tà Rụt. Đối với các trường vùng khó, Sở GD& ĐT Quảng Trị đã có chủ trương điều động 17 giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong ôn thi tốt nghiệp ở những trường thuận lợi tăng cường từ ngày 15/2/2009 đến đầu tháng 6/2009 cho 5 đơn vị vùng khó để dạy ở khối 12. Cử chuyên viên Sở phụ trách các môn thi tốt nghiệp đến dự giờ, thăm lớp và trực tiếp hỗ trợ cho giáo viên các Trường THPT A Túc, Hướng Phùng và THPT số 2 Đakrông. Đối với các trường vùng khó, ngoài việc thực hiện những chủ trương chung còn có những giải pháp cụ thể, đó là phân công cho giáo viên kèm từng nhóm, từng học sinh. Đồng thời tăng số buổi ôn thi tốt nghiệp trên lớp cho các em không có điều kiện học thêm ở nhà. Bồi dưỡng những kiến thức cơ bản nhất, đơn giản nhất và những kỹ năng vận dụng, kỹ năng làm bài sơ đẳng nhất cho các em. Giáo viên được phân công phụ trách các lớp đến từng gia đình động viên phụ huynh tạo điều kiện cho các em ăn trưa, nghỉ trưa tại trường trong những ngày học 2 buổi, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho các em đến buổi cuối cùng trước khi các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những giải pháp trên đây của ngành GD&ĐT Quảng Trị thể hiện quyết tâm lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT đầy khó khăn, thách thức. Hy vọng rằng, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của thầy và trò sẽ được bù đắp xứng đáng bởi kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến. PV: Xin cảm ơn đồng chí! Ngân Hoa (thực hiện)