Ba cô giáo cắm bản “trồng người”
(QT) - Về với Trường THCS Tà Long, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) vào một ngày đầu năm học mới, tôi nhận được thông tin đây là năm học đầu tiên nhà trường cử 3 cô giáo cấp tiểu học vào vùng khó Pa Ngay gieo chữ. Lại được thầy giáo Trần Đức Hoành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giữa đại ngàn, 3 cô giáo vẫn kiên cường bám bản, bám lớp để gieo từng con chữ cho các em học sinh dù điều kiện sống hết sức khó khăn. Nghe đến đây, tôi quyết định làm một chuyến cắt rừng vào bản xa, vào với điểm trường được xem như là “cùng cốc” của xã Tà Long. Vào bản dạy phải lái xe giỏi Trước khi lên đường, thầy Trần Đức Hoành nói với chúng tôi: “Cần phải có người dẫn đường, chứ anh vào đó một mình là bị lạc ngay. Tranh thủ đang còn nắng, anh đi gấp đi. Gần 30 km đường rừng, nếu thuận lợi thì khoảng 2 giờ đồng hồ là đến nơi”. Sau đó, thầy nhờ cô giáo Trương Thị Thúy Vy, người mà thầy gọi đùa là “thổ địa” dẫn tôi đi. Chiếc xe máy vốn không còn mới, tôi phải luôn cài số một mới leo lên được con dốc. Đứng trên đỉnh đèo, cô Vy chỉ tay về hướng rừng xa rồi nói: “Còn 1/3 quãng đường nữa anh ạ, đường khó đi, anh cố bám vào chỗ nào nhiều sỏi để xe khỏi trượt xuống vực”. Nói rồi cô lại rồ ga đổ dốc xuống bản Chai. Không may chiếc xe lao xuống vũng lầy, tôi chưa kịp xuống xe để giúp, cô đã gạt đi: “Không sao đâu anh, quen rồi. Chỗ anh đứng cũng đang nguy hiểm đó, cố giữ thắng cho chắc”.
 |
Với các 3 cô giáo trẻ cắm bản, các em học sinh luôn như đứa em của mình. (Trong ảnh: Cô Vân gấp lại cổ áo cho em Hồ Văn Minh). |
Chúng tôi lại tiếp tục hành trình bỏ lại sau lưng bao nhiêu đèo, vực sâu mà Pa Ngay vẫn ở đâu xa lắm. Đã qua bản Chai nửa giờ đồng hồ, xuống Sa Trầm hơn 5 cây số, mà vẫn chưa đến nơi. Thấy tôi hơi lo lắng, Thúy Vy trấn an: “Hết đoạn đường này, đến bản Ngược rồi sẽ vào Pa Ngay...”. Công tác ở một vùng sâu nên hình như cô giáo nào muốn bám bản đều phải tự mình rèn luyện kỹ năng lái xe máy vượt dốc thì phải. Như hiểu được sự thắc mắc của tôi, cô Vy tâm sự: “Mới đầu vào bản, nhìn thấy con đường là muốn quay về. Nhưng đến nơi rồi, thấy các em học sinh khao khát con chữ, con đường xấu thế này chứ xấu hơn nữa cũng chẳng bỏ bèn gì. Ban đầu đi sẽ ngã, ngã rồi cũng quen, luyện mãi rồi tay lái cũng chắc. Bọn em hay đùa với nhau rằng, đã vào bản dạy thì lái xe máy phải giỏi…”. Pa Ngay cuối cùng cũng đã hiện ra với những nóc nhà sàn nằm vắt vẻo trên sườn đồi. Phóng tầm mắt xuống cạnh bờ suối, tôi thấy một mái nhà lợp bằng lá nón. “Đó! Nơi tá túc của ba cô giáo đó, biết anh xuống chắc họ sẽ mừng lắm”, cô Vy nói. “Chúng em không muốn rời bản” Pa Ngay xa ngái là thế, thiếu thốn đủ thứ, vậy mà khi đã vào bản gieo chữ, mỗi cô giáo đều gắn bó với chốn “rừng thiêng nước độc” này đến kỳ lạ. Đó là câu chuyện cảm động của ba cô gái tuổi đời mới đôi mươi. Họ vào bản rồi thành người con của bản, họ xem học sinh như đứa em ruột rà của mình. Thấy chúng tôi xuống, các cô chợt reo lên như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách. Chợt mặt các cô buồn lại, rồi tỏ ra lo lắng khi thấy cô Vy chỉ tay về phía tôi: “Giới thiệu với các cô, đây là giáo viên mới vào nhận công tác, điều này đồng nghĩa với việc một trong ba cô sẽ có một người rời bản”. Vốn đã biết tên của ba cô giáo trẻ, tôi góp chuyện: “Cô Vân, cô Quyên, cô Kiều, một trong các cô đó”. Trong suy nghĩ, tôi chỉ hình dung đến cảnh, một trong ba cô giáo sẽ hồi hộp, mỗi người trong các cô sẽ hy vọng mình được về xuôi. Nhưng tôi biết mình đã nhầm khi cô Kiều nước mắt lăn dài trên má, nghẹn ngào: “Em biết, hình như là em rồi…”. Tự dưng tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Câu chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó thật lớn, không ai trong số họ muốn về xuôi, vì bản làng giờ đây đã là nhà của các cô, có ai xa nhà mà thấy vui.
 |
Cô Quyên dạy các học sinh làm tính. |
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều (sinh năm 1988), tuổi đời còn trẻ, nhưng đây đã là năm thứ 4 cô vào gieo chữ ở vùng sâu. Học xong Trung cấp giáo dục tiểu học, cô lên nhận công tác tại Trường THCS Tà Long rồi được phân công dạy tại các điểm trường nằm tại các bản sát biên giới. Đầu năm học mới này cô lại khăn gói vào bản Pa Ngay mặc dù gia đình cô đã rất lo lắng. “Nhưng em không ngại”, Nguyễn Thị Kiều cương quyết. Cùng tuổi với Kiều là cô giáo Võ Thị Kim Quyên, đây là năm thứ ba cô Quyên đi dạy học. “Ngày đầu vào bản đúng một ngày mưa, không ngại con đường nhưng em lại chết ngất với mấy con vắt rừng. Trước đây, cũng đi dạy cũng ở các bản, cũng nghe vắt rừng là khiếp, nhưng giờ tận mắt thấy nó hút máu mình, em cứ ám ảnh mãi”, Quyên nhớ lại. Đó chỉ là câu chuyện của những tháng trước, bây giờ có bữa đang dạy vắt bám vào người, cô có thể tự “xử lý” ngon lành. Còn “chị cả” Hồ Thị Thanh Vân (sinh năm 1987) lại ngại nhất khi “đụng” phải bọ chét rừng. Khi ăn cơm nó đốt, đứng lớp nó cũng đốt nhưng sợ nhất là khi đi ngủ, nó chui vào tóc, vào người. Mấy chị em cứ thế hét toáng lên. Cô Vân cho biết: “Bọ chét rừng nhiều vô kể, bọn em đã dùng thuốc để diệt nhưng không cách nào diệt hết. Cứ hôm nay dùng thuốc, ngày mai nó lại từ đâu bò về. Bọn em đã mắc màn khi ngủ nhưng vẫn không ăn thua…”. Biết bao khó khăn cứ thế vây lấy các cô giáo cắm bản nhưng trong suy nghĩ, các cô chưa một lần muốn rời bản. Nhớ lại câu chuyện khi mới tiếp xúc các cô, tôi hỏi: “Được rời Pa Ngay là được về nơi công tác tốt hơn, sao các cô lại không muốn?”. Mấy chị em nhìn nhau: “Với ai bọn em không biết, nhưng với bọn em thì giờ bản đã là nhà, phụ huynh, học sinh là người thân, chúng em xem nhau như chị em. Chúng em không muốn rời bản”, cô Vân trả lời. Khát vọng “trồng người” Chuẩn bị đến lớp thì cơn mưa rừng kéo đến, ngôi nhà của các cô trở nên nhỏ bé hơn khi mỗi người đều cố gắng tìm chỗ trú mưa. Căn nhà tạm bợ, mái thủng lỗ chỗ liêu xiêu đón cơn mưa đầu mùa. Thấy tôi hơi ái ngại, cô giáo Hồ Thị Thanh Vân phân trần: “Sắp tới mùa mưa rồi. Bọn em tính ít hôm nữa xuống mua tấm bạt đem lên che tạm”. Mỗi tháng, các cô giáo ở Pa Ngay “hạ sơn” 2 lần để mua những nhu yếu phẩm cần thiết như thức ăn, gạo, đồ hộp… “Rau ráng mọc quanh nhà, bọn em tận dụng để nấu canh. Mỗi tháng chỉ được hai lần ăn thịt tươi, cá tươi vào đầu tháng, còn lại chỉ ăn toàn đồ khô thôi”, cô Kiều cho biết. Đó chỉ là khi trời nắng, về mùa mưa khi con đường vào Pa Ngay bị cắt đứt, muốn có gạo ăn, các cô phải lội hàng chục cây số để ra ngoài. Sau đó, gùi hàng trên lưng vượt cả chục con suối mới lên đến bản. Khi tôi đề cập đến chuyện đời tư của các cô, mấy chị em ngó lơ. Cô Quyên nói: “Mấy chị em đều có người yêu cả rồi nhưng xa như thế này, không điện, không sóng điện thoại nên chẳng mấy khi được nói chuyện với nhau”. “Nhưng vẫn còn cây khế, lo gì” - cô Kiều có phần lạc quan hơn - “Đó là cây khế nằm cách đây 1 cây số. Mỗi lần cần liên lạc với người nhà, người yêu bọn em lại thay nhau trèo lên ngọn để “đón” sóng. Lo thì chỉ lo sau khi trời mưa không có sóng thôi”. Ba tiếng trống cất lên, các cô giáo vội vã băng mưa đến lớp. Dù trời đang mưa là vậy nhưng hơn 10 học sinh vẫn thi nhau đùa giỡn dưới con suối cạnh phòng học. Chỉ khi thấy các cô giáo xuất hiện, các em mới nhanh chóng mặc quần áo rồi chạy ù vào lớp. Nhìn một vòng quanh lớp, cô Quyên buồn giọng: “Hôm nay Hồ Văn Ngâm vẫn chưa đi học hả các em?”. Đó là một học sinh không chịu đến lớp, dù đã nhiều ngày qua ba cô giáo liên tục đến nhà vận động. Ở bản Pa Ngay những năm gần đây, dân bản đã quan tâm hơn nhiều đến việc đưa con em đến lớp. Tình trạng bỏ học đã giảm đi đáng kể, nhưng làm sao để các em có thể tiếp thu tốt kiến thức là một vấn đề nan giải bởi ngay việc học sinh đến lớp chuyên cần là điều không dễ. Nhìn lên bảng, cô Vân đã ghi lớp 2I, sĩ số 8 vắng 2, lớp 3I của cô Quyên cũng không hơn, sĩ số 10, vắng 4. Hỏi ra mới biết, do trời mưa, một số em ở xa không thể cắt suối đi học. Thầy giáo Trần Đức Hoành, Hiệu trưởng Trường THCS Tà Long cho biết: “Nhà trường hiện có tới 9 điểm trường nằm ở các bản xa, trong đó Pa Ngay là điểm trường nằm sâu nhất với 32 học sinh. Năm nay, chúng tôi thực hiện chính sách đưa các giáo viên trẻ vào vùng khó, luân chuyển công tác 2 năm một lần với nam và 1 năm một lần với nữ. Điều này sẽ đảm bảo công bằng đối với tất cả giáo viên nhà trường”. Theo bà Lê Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Tà Long thì năm học này, xã Tà Long đã tiến hành làm mới lại điểm trường, lợp pro xi măng và tăng số phòng học lên 3 phòng. Phần phòng học cơ bản đã ổn định, tuy nhiên phòng lưu trú cho giáo viên thì hiện xã vẫn chưa có điều kiện để xây dựng nên đời sống của các cô giáo vẫn hết sức khó khăn. Rời Pa Ngay khi cơn mưa vừa dứt, cô Vy nói: “Anh đã chuẩn bị tinh thần chưa, đường bây giờ khó đi hơn lúc nãy đó”. Đúng thật, mới vượt con đèo ngay đầu bản, tôi cùng chiếc xe đã lao vào một hố sâu, chật vật mãi mới thoát ra được. Mất 3 giờ đồng hồ với hàng chục lần như thế tôi mới ra đến đường Hồ Chí Minh. Nhớ lại những cái vẫy tay từ biệt của các cô giáo, những vất vả mà họ sẵn sàng đón nhận, mới thấy khát vọng “trồng người” của các cô lớn đến nhường nào. Bài, ảnh: HOÀNG SƠN