Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội của huyện, kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn tín dụng hằng năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hải Lăng đã triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Một mô hình kinh tế của thanh niên Hải Lăng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyệnđể mở rộng sản xuất - Ảnh: H.T
Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về công tác chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hải Lăng đã đi vào ổn định, công tác cho vay và quản lý vốn vay đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực, thực sự trở thành người bạn đồng hành, gắn bó mật thiết với người dân, nhất là người nghèo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Nhờ vậy, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 7,64%; trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,93%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 10,62%; dịch vụ tăng 6,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 59,34 triệu đồng. Các khu vực kinh tế, các ngành kinh tế đều có bước phát triển, quy mô được mở rộng, hiệu quả được nâng lên.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 10/5/2003. Trong 20 năm qua, Ngân hàng CSXH huyện đã xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành tác nghiệp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức và nghiệp vụ công tác, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác; khẳng định được vai trò, vị thế là công cụ quan trọng trong sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phương thức cho vay chủ yếu tại Ngân hàng CSXH hiện nay là cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện trên cơ sở văn bản liên tịch được ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và hợp đồng ủy nhiệm ký với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Có thể nói, phương thức cho vay này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng CSXH của Chính phủ, của tỉnh, huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Thông qua phương thức cho vay này, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức đoàn thể được mở rộng, phong phú, uy tín của các đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Bên cạnh đó, vai trò của trưởng thôn trong triển khai tín dụng CSXH tại cơ sở cũng được nâng lên, vừa góp phần chuyển tải kịp thời các thông tin về chủ trương, tín dụng CSXH đến với Nhân dân, vừa phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại tổ TK&VV, giám sát người vay sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn trong quá trình sử dụng vốn của người vay cũng như việc đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn.
Hiện nay, các điểm giao dịch được thành lập và hoạt động tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tại đây, các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi, danh sách khách hàng và các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH được niêm yết công khai tại bảng thông tin tín dụng chính sách; khách hàng giao dịch trực tiếp với Ngân hàng CSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ TK&VV và chính quyền cấp xã.
Đến nay, toàn huyện có 256 tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 77 thôn, khóm, khu dân cư với tổng số 9.744 thành viên. Kết quả rà soát, phân loại tổ TK&VV, toàn huyện có 255 tổ TK&VV xếp loại tốt (tỉ lệ 99,61%); 1 tổ TK&VV xếp loại khá (tỉ lệ 0,39%) và không có tổ TK&VV xếp loại trung bình, yếu. Trong 20 năm qua, tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, huyện Hải Lăng đã tập trung nguồn lực tín dụng cho vay được 61.022 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.348.569 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 887.383 triệu đồng. Tổng dư nợ đến nay đạt 475.862 triệu đồng, tăng 460.249 triệu đồng so với dư nợ khi thành lập, với 9.757 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân là 48,77 triệu đồng/khách hàng.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hải Lăng, góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH ở địa phương.
Hà Trang