(QT) - Nhằm triển khai sản xuất hè thu 2019 đảm bảo thời vụ, đạt kết quả cao, ngành Nông nghiệp đang khẩn trương chỉ đạo, phối hợp các địa phương động viên người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung các phương tiện máy móc, nhân lực ra đồng làm đất, xuống giống. Với phương châm làm nhanh và chắc, phấn đấu toàn tỉnh hoàn thành thu hoạch lúa hè thu trước 30/8/2019 để tránh ngập úng do thường xuyên có lũ sớm bất ngờ. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) VÕ VĂN HƯNG về vấn đề này.
- Thưa ông! Bước vào vụ hè thu năm nay, vấn đề nước tưới có ảnh hưởng như thế nào đối với kế hoạch sản xuất lúa?
- Hiện nay bà con nông dân ở các địa phương đã bước vào sản xuất hè thu theo lịch thời vụ của tỉnh. Vụ hè thu 2019 diễn ra trong điều kiện dự báo có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nắng nóng, khô hạn cũng như tình hình sâu bệnh hại có khả năng bùng phát và gây hại mạnh. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình (QLKTCT) Thủy lợi Quảng Trị, hiện tại mực nước đầu vụ hè thu 2019 ở các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn đang ở mức 33-67% dung tích thiết kế (Nghĩa Hy 58,8%, Đá Mài 60,6%, Tân Kim 33,71%, Trúc Kinh 52,57%, Kinh Môn 54,9%, La Ngà 44,7%, Bảo Đài 67,47) và nguy cơ tiếp tục giảm nhanh do nắng nóng và gió mùa Tây Nam xuất hiện mạnh trong vụ hè thu 2019.
Qua rà soát, cân đối nguồn nước tưới cho thấy, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 23.382 ha ruộng sản xuất lúa, trong đó có 13.190 ha chủ động nước tưới, 8.633 ha đủ nước tưới nhưng cần các biện pháp bơm, tưới hỗ trợ và dự báo có gần 1.600 ha lúa bị thiếu nước sản xuất, sản xuất kém hiệu quả hoặc không thể sản xuất do không có nước tưới và cần phải chuyển đổi.
Ngoài ra, với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm cùng kì, nhiều đối tượng dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng như: bệnh lùn sọc đen hại lúa, khảm lá sắn, sâu keo mùa thu hại ngô... Như vậy, khô hạn, dịch bệnh sẽ là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu 2019 nếu không có những giải pháp chủ động ứng phó kịp thời ngay từ đầu vụ.
- Do đặc điểm của thời tiết nên vụ hè thu thường được cơ cấu lịch sản xuất có thời gian ngắn ngày hơn vụ đông xuân. Vì vậy ông có thể cho biết các giống lúa phù hợp và ưu điểm của các giống đã được cơ cấu vào bộ giống lúa sản xuất vụ hè thu nhằm đạt năng suất, sản lượng cao nhất?
- Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây ngành NN&PTNT đã khuyến khích đẩy mạnh việc sử dụng bộ giống chủ lực ngắn ngày, chất lượng cao vào sản xuất. Hằng năm, liên tục cho thực hiện khảo nghiệm, thử nghiệm các bộ giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu nhằm tìm chọn, thay thế bộ giống lúa cũ đã thoái hóa, nhiễm nhiều sâu bệnh. Đến nay, cơ cấu giống lúa mới, ngắn ngày chất lượng cao hàng vụ đã đạt trên 80% diện tích, chủ lực là các giống như: HN6, Thiên ưu 8, TBR279, HT1, Khang dân 18, PC6, Bắc Thơm 7, RVT, LDA1 ...; mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa mới có triển vọng như: Đông A1, Lộc Trời 1, DT100, NA2... Bộ các giống lúa mới này là các giống lúa ngắn ngày (vụ hè thu có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày) nhưng có năng suất cao và chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Ưu điểm nổi trội là rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa trên đồng, hạn chế tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; giảm tiêu hao lượng nước tưới; giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngành NN&PTNT đồng thời cũng khuyến cáo người sản xuất chỉ gieo trồng những giống đảm bảo phẩm cấp, không sử dụng thóc thịt làm giống, đồng thời tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để lựa chọn bộ giống phù hợp, mỗi giống cơ cấu không quá 30% diện tích sản xuất để tránh rủi ro do dịch bệnh.
![]() |
Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi Quảng Trị cung cấp nhiều giống lúa tốt cho vụ hè thu 2019 . Ảnh: T.T.L |
Đối với vụ hè thu 2019, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống sang sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn, chất lượng cao thì việc bố trí thời vụ cũng đảm bảo theo phương châm “Gặt trước, cày sau, làm mau, kịp vụ”, phấn đấu toàn tỉnh Quảng Trị thu hoạch cơ bản trước 25/8, chậm nhất 30/8 để hạn chế thiệt hại do lũ sớm.
- Vụ hè thu 2019, vấn đề liên kết với các địa phương mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ theo mô hình cánh đồng lớn được ngành tiếp tục triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Trong những năm gần đây, để khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng miền, biến các điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế cạnh tranh, từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Trị như: Lúa chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu... theo hướng hữu cơ, sạch, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận trong nước và quốc tế (VietGAP, GlobalGAP, 4C...), nhằm đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Ngành NN&PTNT cùng với các địa phương đã thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đến liên kết, đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao liên kết sản xuất Dứa Queen, Công ty CP Nafood Tây Bắc liên kết trồng chanh leo, Công ty TNHH sản xuất Thương mại Đại Nam liên kết sản xuất lúa hữu cơ, Công ty Organic More liên kết trồng tiêu hữu cơ... Trong đó, nổi bật là liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Qua 4 vụ sản xuất đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 500 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, với tổng sản lượng 3.000 tấn, có sự tham gia của 13 hợp tác xã/ tổ hợp tác trên địa bàn các huyện. Với quy trình canh tác chỉ sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá 6.000 đ/kg lúa tươi, trả tiền ngay trên ruộng đã mang lại thành công trên cả ba mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Người nông dân có lãi hơn so với sản xuất truyền thống từ 8-18 triệu đồng/ha, đất đai trở nên phì nhiêu, màu mỡ, hệ sinh thái đồng ruộng được duy trì bền vững, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt, thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt trên thị trường toàn quốc, hướng đến xuất khẩu.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, vụ hè thu 2019, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã đồng hành với Công ty TNHH Đại Nam-Nhà máy sản xuất phân bón Obi-Ong biển phối hợp với UBND các huyện tiếp tục cùng bà con nông dân kí kết hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ theo quy mô cánh đồng lớn với diện tích 106 ha tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Diện tích thực hiện liên kết sản xuất hai giống lúa chất lượng cao đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu là ST24 và RVT theo hai hình thức liên kết: Doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ cho nông dân 100% phân bón và bao tiêu sản phẩm lúa tươi cho nông dân với giá 6.000 đ/kg; hoặc doanh nghiệp thuê ruộng và nhân công của người nông dân để sản xuất lúa hữu cơ với mức 26 triệu đồng/ha. Với hai hình thức liên kết trên, người nông dân tiếp tục yên tâm sản xuất khi được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Bên cạnh đó, hiện nay ngành NN&PTNT cùng với UBND huyện Hải Lăng đang hoàn tất các thủ tục để hỗ trợ Công ty TNHH TM Đại Nam khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gạo hữu cơ và các nông sản hữu cơ khác tại địa bàn huyện Hải Lăng. Đây sẽ là tiền đề để tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ và các nông sản hữu cơ khác của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
- Ông có thể khái quát đôi nét phương án sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu được ngành triển khai thực hiện trong vụ sản xuất hè thu 2019 này?
- Như chúng ta đã biết, vụ hè thu 2019 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là khô hạn. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp cùng với các địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng phương án tổ chức sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, đối với diện tích đảm bảo tưới thì phải tập trung cơ cấu 100% sử dụng bộ giống lúa ngắn ngày, cực ngắn, chất lượng cao theo khuyến cáo của Ngành nông nghiệp. Tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương, mở rộng diện tích sản xuất trên cánh đồng lớn “cùng 1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình canh tác”, áp dụng đồng bộ các biện pháp IPM, ICM, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng các biện pháp tưới luân phiên, tưới tiết kiệm vào sản xuất.
Thứ hai, đối với diện tích đủ nước nhưng phải bơm tưới hỗ trợ thì phải có kế hoạch điều tiết nước hợp lí, xây dựng các phương án bơm tưới cụ thể, đảm bảo cấp nước vào các giai đoạn sinh trưởng phát triển nhạy cảm của cây lúa.
Thứ ba, đối với diện tích không đảm bảo nước tưới gần 1.600 ha thì cần có phương án chuyển đổi sản xuất hoặc bỏ hoang để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Trong đó, qua rà soát và nhu cầu của các địa phương thì có 627/1.600 ha đất lúa thiếu nước cần chuyển đổi sản xuất sang cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như: đậu xanh, ngô, lạc... Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị có chính sách hỗ trợ giá giống và kinh phí làm đất chuyển đổi để khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do khô hạn.
Thứ tư, xây dựng phương án chống hạn vụ hè thu 2019, chủ động mọi phương tiện, nhân lực để chống hạn khi cần thiết kể cả cây lúa và các cây công nghiệp dài ngày như: hồ tiêu, cà phê và các loại cây ăn quả ...
Thứ năm, tiếp tục mời gọi, thu hút doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu cho các nông sản chủ lực của tỉnh Quảng Trị;
Thứ sáu, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới hoặc đất sản xuất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng cạn nhằm tuyên truyền vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trong điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát đồng ruộng, đẩy mạnh công tác điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh hại để có những giải pháp, chỉ đạo kịp thời, sát đúng; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp chỉ đạo sản xuất, sử dụng nước tiết kiệm; tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt xây dựng và hỗ trợ thực hiện các mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
Tú Linh (thực hiện)