Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm
QTO - Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện. Ngoài kế hoạch đã ban hành, thường từ đầu quý 3 hằng năm, từ trung ương đến các địa phương phải ban hành văn bản nhắc nhở, đốc thúc, đưa ra chế tài như xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cắt hoặc chuyển nguồn vốn cho công trình, dự án khác nếu giải ngân chậm tiến độ... Tuy nhiên, thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm so với yêu ...

Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện. Ngoài kế hoạch đã ban hành, thường từ đầu quý 3 hằng năm, từ trung ương đến các địa phương phải ban hành văn bản nhắc nhở, đốc thúc, đưa ra chế tài như xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cắt hoặc chuyển nguồn vốn cho công trình, dự án khác nếu giải ngân chậm tiến độ... Tuy nhiên, thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm so với yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Sau nhiều hội nghị, văn bản chỉ đạo, đốc thúc, kết thúc năm ngân sách 2021(tính đến ngày 31/1/2022), vốn đầu tư công cả nước giải ngân được hơn 431.188 tỉ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy không hoàn thành 100% kế hoạch nhưng kết quả này được đánh giá là rất tích cực. Năm 2022, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án đúng tiến độ, ngay từ đầu năm Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tại Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022, đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng chỉ đạo: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022 - 2023 của từng bộ, ngành, địa phương.

Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với Quảng Trị, theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, năm 2021 vốn đầu tư công đã thanh toán được 2.646,61 tỉ đồng trong tổng số dự toán 3.540,709 tỉ đồng, chỉ đạt tỉ lệ 74,75%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài gây thiếu hụt nhân công; giá vật liệu xây dựng biến động mạnh do khan hiếm nguồn cung đã ảnh hưởng đến việc cung cấp vật liệu cho công trình; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý, cơ chế giải ngân; tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, chủ yếu tập trung thanh toán vào thời điểm cuối năm; năng lực quản lý dự án của nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn hạn chế…đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn.

Năm 2022, kế hoạch tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh là 3.458,92 tỉ đồng (nguồn vốn địa phương 1.718,91 tỉ đồng; kế hoạch nguồn vốn trung ương 1.740,02 tỉ đồng). Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý năm 2022 đưa ra các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy và HĐND tỉnh nếu không thực hiện và giải ngân hết số vốn bố trí hay bị cắt giảm, thu hồi.

Đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; chịu trách nhiệm tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện phần khối lượng tương ứng với phần vốn bị cắt giảm. Quyết liệt thực hiện điều chỉnh vốn kế hoạch thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với các dự án chưa giải ngân, dự án giải ngân không đạt kế hoạch để bổ sung cho công trình, dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 126/CĐ-TTg, UBND tỉnh ban hành văn bản số 522/UBND-TH ngày 14/2/2022, yêu cầu các sở, ngành, địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý và thực hiện nguồn vốn đầu tư công lập kế hoạch tiến độ thực hiện và giải ngân hằng tháng đối với các nguồn vốn được giao kế hoạch năm 2022. Ưu tiên tập trung các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”, các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, đột phá, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Định kỳ ngày 25 hằng tháng, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh và cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo tình hình tiến độ thực hiện và giải ngân vốn được giao về Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh. Việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhằm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ làm cho các công trình, dự án thi công kéo dài, tác động tiêu cực đến tăng trưởng GRDP, thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xã hội. Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, việc triển khai có hiệu quả kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế.

Năm 2022 còn là năm đầu tiên của tiến trình phục hồi, vậy nên đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt ở tất cả các lĩnh vực, trong đó giải ngân vốn đầu tư công được đôn đốc ngay từ đầu năm.

Tùng Lâm