Bao giờ mới được vui
(QT) - Chị là người hội tụ khá đủ những nét đẹp và đức tính mà nhiều phụ nữ mong có được, đó là khuôn mặt trái xoan, mái tóc đen mượt, làn da trắng ngần, dáng người thanh mảnh, lại thêm bản tính hiền hậu, cần cù và chịu khó. Cứ ngỡ chị sẽ có một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc nhưng số phận dường như luôn muốn thử thách chị. Hơn 20 năm trước, chị rời quê hương để theo chồng vào Quảng Trị làm dâu. Tuổi 18 ngây thơ, lại làm dâu xứ lạ nên mọi thứ trước mắt chị đều lạ lẫm, lại không may mắn nhận được ...

Bao giờ mới được vui

(QT) - Chị là người hội tụ khá đủ những nét đẹp và đức tính mà nhiều phụ nữ mong có được, đó là khuôn mặt trái xoan, mái tóc đen mượt, làn da trắng ngần, dáng người thanh mảnh, lại thêm bản tính hiền hậu, cần cù và chịu khó. Cứ ngỡ chị sẽ có một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc nhưng số phận dường như luôn muốn thử thách chị. Hơn 20 năm trước, chị rời quê hương để theo chồng vào Quảng Trị làm dâu. Tuổi 18 ngây thơ, lại làm dâu xứ lạ nên mọi thứ trước mắt chị đều lạ lẫm, lại không may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình chồng nên chị phải chịu nhiều cơ cực. Ngày tháng trôi đi, chị sống thu mình, không được tham gia ý kiến vào bất cứ việc gì trong nhà, không được làm bạn với bất kỳ ai xung quanh xóm mà chỉ biết suốt ngày quần quật lo đi chợ, cơm nước cho 8 miệng ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cả đàn lợn trên chục con, trồng hoa màu trong vườn, lên đồi kiếm củi…

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Chị cũng phải quen dần với cảnh những lúc em chồng buồn bực chuyện gì bên ngoài thường về kiếm cớ trút lên đầu chị dâu cho hả giận. Mẹ chồng ngỡ chị làm gì phật ý em chồng nên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đối với chị. Mỗi khi chứng kiến cảnh mẹ và em hành hạ vợ, chồng chị phớt lờ, quay mặt đi nơi khác, mặc cho đôi mắt vợ nhìn mình như muốn giúp đỡ. Những lứa lợn chị bỏ tiền mua giống, bỏ công chăm sóc vất vả là thế nhưng cứ mỗi đợt chuẩn bị xuất chuồng, mẹ và em gái chồng lại kiếm cớ nhờ chị ra chợ mua cho ít đồ hay nhờ đi công này, việc nọ để gọi người đến cân bán. Khi về đến nhà thì chị thấy chuồng lợn đã trống trơn nhưng không lần nào chị nhận được số tiền do mồ hôi công sức mình làm ra. Ngày chị mang thai đứa con đầu tiên, niềm vui hiếm hoi chị ấp ủ dành tất cả cho con. Làm gì, đi đâu chị cũng lấy tay xoa bụng nói chuyện với con, theo dõi con phát triển từng ngày trong cơ thể mình, xem con như người bạn để trút bầu tâm sự. Sinh con chưa được tuần lễ, chị đã phải dậy làm việc nhà vì mẹ và em chồng suốt ngày cạnh khóe. Thời gian chị mang thai đứa con thứ 2 thì chồng đi làm ăn xa, khi trở về chồng chị cho rằng đứa trẻ trong bụng không phải là con mình, rằng chị lợi dụng chồng đi vắng để ở nhà ngoại tình…Được dịp, cả nhà xúm lại, dùng những lời lẽ xúc phạm đến nhân phẩm của chị. Chị sững sờ trước những lời vu oan của chồng và gia đình chồng. Có lúc, vì quá uất ức, chị muốn tự tử để rửa mối oan này nhưng nghĩ đến con trai chưa đầy 2 tuổi và đứa bé sắp chào đời, chị nuốt nước mắt vào trong để sống tiếp chuỗi ngày buồn còn lại. Nào ngờ, chỉ sau ít tháng, chồng chị dẫn một phụ nữ khác về nhà giới thiệu là người yêu mới và được các thành viên trong gia đình ủng hộ nhiệt tình. Cảm thấy mình sống trong nhà không còn ý nghĩa gì nữa, chị xin ra ở riêng. Cũng may, bố chồng chị là người hiền lành, ông cố đứng ra dàn xếp chuyện hai vợ chồng chị nhưng không thành do vợ và các con không đồng ý. Vì thế, ông quyết định cắt một mảnh đất gần nhà cho 3 mẹ con chị dựng tạm lều để ở. Để có tiền trang trải cho 3 mẹ con, chị xin đi phụ hồ. Từ đồng tiền ít ỏi kiếm được, chị vừa nuôi con, vừa tằn tiện để mua vật liệu, đúc bờ lô dựng nhà. Ít năm sau, bố chồng chị ốm nặng qua đời, mẹ và em chồng chị thường xuyên qua nhà gây sự, đòi chị trả lại đất. May mắn chính quyền địa phương đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mẹ con chị, trên cơ sở giấy tờ bố chồng chị để lại, chị được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Hai con ngày một lớn khôn, những tưởng cuộc đời chị đã yên ổn phần nào. Ngờ đâu càng lớn, hai đứa càng lơ là việc học hành, thằng anh thì mê chơi game, người gầy đét, xanh xao bởi luôn nhịn ăn để có tiền chơi, có lúc còn ăn cắp đồ đạc đi bán. Người em dù có thương mẹ hơn nhưng lại nhác học, không có một định hướng cụ thể nào cho tương lai. Vừa qua, con trai đầu của chị không may bị mấy tay “anh chị” gây gổ ở quán game, chúng dùng mã tấu chém đứt 3 ngón tay phải. Chị phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền lo viện phí cho con. Người con trai út trong lúc ham chơi, mượn xe máy bạn bè gây tai nạn giao thông, bị chấn thương ở chân. Vậy mà cả hai đều không tỉnh ngộ, đứa lớn tay vừa tháo băng là suốt ngày “thường trú” tại quán game; đứa em út thi đậu cao đẳng học chưa tròn tháng đã bỏ về vì kêu là học khó. Chị như không còn đủ sức để chịu đựng hay suy nghĩ gì nữa. Chỉ biết rằng, thân thể chị ngày một héo hắt, ngày đi phụ hồ, đêm về, có những lúc nhìn vào khoảng hư không nào đó, chị buột miệng nói một mình: “Bao giờ mình mới có được một niềm vui trọn vẹn?”. NGỌC TRANG