Hiệu quả mô hình phát triển cây công nghiệp kết hợp với chăn nuôi trang trại, gia trại
(QT) - Với lợi thế nằm trên vùng đất đỏ bazan thuận lợi để phát triển cây công nghiệp dài ngày, những năm qua, xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã tập trung đẩy mạnh quy hoạch đất sản xuất, mở rộng phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực như cao su và hồ tiêu kết hợp với chăn nuôi trang trại, gia trại vườn đồi, vườn rừng, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế trang trại của chị Trần Thị Cúc ở thôn Thượng Nghĩa, anh Nguyễn Văn Thon, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa phấn khởi cho biết: “Xã Cam Nghĩa có 74 mô hình kinh tế trang trại trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, bình quân mỗi trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm”. Mô hình trang trại của chị Trần Thị Cúc trồng 2 ha cao su và 1 ha bơ; ở giữa lô cao su khép tán chị đầu tư chuồng trại thả 50 con lợn nái, bình quân mỗi năm đẻ ra 1.100 con lợn giống để chăn nuôi và cung cấp giống. Do chuồng trại nằm dưới tán cao su nên luôn thoáng mát, lợn tăng trưởng rất nhanh. Hàng năm mô hình trang trại tổng hợp này mang về cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định khoảng 800 triệu đồng, trong đó lợn thịt bán cho thu nhập trên dưới 500 triệu đồng, 1 ha bơ bán giá từ 100- 150 triệu đồng, 2 ha cao su khai thác mủ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Hiện toàn xã có khoảng 10 mô hình kinh tế trang trại tổng hợp vườn- ao- chuồng cho thu nhập cao từ 500-800 triệu đồng/ năm như gia đình chị Cúc. Những mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp này được quy hoạch nằm xa khu dân cư có tác dụng kép vừa khai thác tốt tiềm năng đất đai, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, vừa góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.
 |
Phát triển kinh tế trang trại trồng cây cao su kết hợp chăn nuôi |
Thực hiện Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ huyện Cam Lộ về phục hồi và phát triển cây hồ tiêu, xã Cam Nghĩa xây dựng quy hoạch, vận động nhân dân phục hồi, trồng mới lại cây hồ tiêu trong diện tích đất vườn hộ gia đình, gắn với chỉnh trang nông thôn mới. Được sự hỗ trợ nguồn lực của tổ chức ROP triển khai xây dựng các CLB trồng tiêu theo mô hình nhóm hộ đã tạo được vườn tiêu sinh trưởng phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh. Từ con số 65 ha tiêu năm 2009 đến nay toàn xã đã phục hồi và trồng mới được 117 ha tiêu, trong đó tiêu kinh doanh 70 ha, năng suất đạt 1 tấn/ha. Đối với những diện tích hồ tiêu trước đây ở xa khu dân cư và những diện tích đất rừng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, xã Cam Nghĩa đã quy hoạch chuyển sang trồng cây cao su tập trung theo hướng liền vùng, liền thửa, đầu tư thâm canh nâng cao giá trị kinh tế. Hiện toàn xã đã phát triển ổn định diện tích cây cao su 1.023 ha, tăng 159 ha so với đầu nhiệm kỳ, trong đó cao su đưa vào khai thác 676 ha, sản lượng mủ khô đạt 878 tấn. Cây cao su và hồ tiêu là hai loại cây trồng chủ lực phát huy thế mạnh khai thác tiềm năng đất đai, tạo ra hiệu quả sản xuất ngày càng cao ở vùng Cùa. Song song với phát triển diện tích cây công nghiệp dài ngày, lãnh đạo xã đề ra chủ trương vận động nhân dân phát triển chăn nuôi bền vững, chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, phấn đấu xây dựng khoảng 100 mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp kết hợp chăn nuôi với trồng cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, xung quanh vành đai trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp và vườn hộ sẽ vận động nhân dân trồng cây dược liệu, nguyên liệu chế biến cao chè vằng, tinh bột nghệ, làm tiền đề từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành nghề dịch vụ. Trên địa bàn xã hiện có 2 doanh nghiệp chuyên thu mua hàng nông sản và hơn 60 hộ chuyên chế biến các loại cao có thế mạnh nguyên liệu ở địa phương, mang lại nguồn thu nhập cao. Đây là hướng đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho người dân trong những năm tới. Trong khi hiện nay một số địa phương chặt phá cây cao su chuyển sang trồng các loại cây trồng khác do giá cả mủ cao su xuống thấp và nguy cơ gió bão làm gãy đổ diện tích cao su, thì ở Cam Nghĩa cây cao su và cây hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập khá cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, được người dân lựa chọn để đẩy mạnh phát triển sản xuất. Nhờ chú trọng phát triển diện tích cây cao su, hồ tiêu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại vườn đồi, vườn rừng hiệu quả cao nên đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã Cam Nghĩa đạt 21,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 4,21%. Những thành tích đó là tiền đề quan trọng để xã Cam Nghĩa phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015, đưa quê hương Cam Nghĩa phát triển nhanh và bền vững. Bài, ảnh: KHÁNH NGỌC