Chủ động ngăn chặn dịch lở mồm long móng
(QT) - Tính đến ngày 22/9/2009, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra trên 8 xã ở 5 huyện trên toàn tỉnh Quảng Trị với 124 con gia súc bị nhiễm bệnh, Trong đó, bò 84 con, trâu 24 con, lợn 16 con.  Mặc dù lực lượng Thú y tỉnh Quảng Trị cùng với BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm ở các huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp bao vây, khống chế và dập dịch, nhưng dịch LMLM vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh khi thời tiết đang vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và ...

Chủ động ngăn chặn dịch lở mồm long móng

(QT) - Tính đến ngày 22/9/2009, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra trên 8 xã ở 5 huyện trên toàn tỉnh Quảng Trị với 124 con gia súc bị nhiễm bệnh, Trong đó, bò 84 con, trâu 24 con, lợn 16 con. Mặc dù lực lượng Thú y tỉnh Quảng Trị cùng với BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm ở các huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp bao vây, khống chế và dập dịch, nhưng dịch LMLM vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh khi thời tiết đang vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây khó khăn cho công tác dập dịch.

Đàn gia súc cần được chăm sóc để phòng tránh dịch bệnh
Sau gần 2 tháng tập trung bao vây, dập dịch, đến nay toàn tỉnh hiện còn 8 xã của 5 huyện đang có dịch, trong đó có 5 xã của 4 huyện gồm Hướng Hoá, Đakrông, Triệu Phong và Gio Linh đã cơ bản ổn định dịch. Ở xã Gio Quang (Gio Linh) qua 18 ngày kể từ khi con gia súc cuối cùng lành triệu chứng chưa phát hiện thêm ổ dịch mới, xã Gio Sơn 8 ngày qua không phát sinh thêm gia súc bệnh, hiện còn 3 con bò sắp lành triệu chứng. Xã Triệu Thành (Triệu Phong), Tân Hợp (Hướng Hoá), Đakrông (Đakrông) đã qua 10-15 ngày kể từ khi con gia súc cuối cùng lành bệnh chưa phát hiện thêm dịch mới. Riêng ở huyện Vĩnh Linh trong các ngày 19-20/9 phát hiện thêm 3 ổ dịch mới ở xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú và Vĩnh Giang với tổng số 32 con trâu bò mắc bệnh. Ở xã Vĩnh Chấp dịch xảy ra ở thôn Tân Định với 18 con trâu bò của 5 hộ mắc bệnh. Dịch xảy ra đầu tiên tại hộ bà Trần Thị Thoảng có bò bị bệnh từ ngày 12/9 nhưng không báo cho xã, sau đó lây lan sang các hộ liền kề. Hiện nay tổng đàn trâu bò của xã Vĩnh Chấp là 1.800 con, nhưng mới chỉ tiêm phòng 800 con, hiện vẫn còn 3 thôn chưa tiêm. Xã Vĩnh Tú phát hiện ổ dịch tại HTX Huỳnh Công Tây với 4 con bò của 3 hộ bị bệnh. Xã Vĩnh Giang dịch xảy ra ở đội 1 thôn Di Loan với 10 con trâu bò của 10 hộ mắc bệnh…Ngay sau khi phát hiện thêm 3 ổ dịch mới ở Vĩnh Linh, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các xã có dịch và có nguy cơ cao. Cấp hỗ trợ hoá chất và thuốc Xanh Methylen cho các hộ có gia súc bị bệnh để kịp thời chữa trị và xử lý môi trường. Cán bộ thú y đã được tăng cường về các địa phương để nắm bắt tình hình dịch bệnh, hướng dẫn, hỗ trợ chữa trị và cùng với địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, LMLM là một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm và diễn biến phức tạp nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời thì rất dễ phát triển thành dịch trên diện rộng gây khó khăn đối công tác phòng chống dịch, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Vì vậy, các cấp chính quyền cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch LMLM. Bệnh LMLM ở gia súc được phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vắc xin nhằm mục đích gây miễn dịch giúp gia súc không mắc bệnh. Để đem lại hiệu quả trong tiêm phòng, yêu cầu vắc xin phải có hiệu lực, an toàn, phải tiêm vắc xin đúng type của vi rút gây bệnh, tiêm đúng kỹ thuật để cho miễn dịch tối ưu, kết quả tiêm phòng phải đạt 80% so với tổng đàn trong vùng tiêm. Thực tế cho thấy nguyên nhân xảy ra 3 ổ dịch mới là do tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc ở các địa phương đạt thấp. Đến tháng 8/2009 xã Vĩnh Chấp chỉ mới tiêm phòng được 800/1800 con, Vĩnh Tú tỷ lệ tiêm phòng đạt 1.000 con/1.200 con, riêng ở Vĩnh Giang tổng đàn gia súc là 900 con nhưng chưa được tiêm phòng đợt II và theo kế hoạch của xã là đến ngày 22/9 mới triển khai nên dịch đã bùng phát. Theo chỉ đạo của Chi cục Thú y tỉnh quy định trong vùng vành đai quanh ổ dịch tiêm từ ngoài vào trong, phạm vi 5-10 km tính từ đường kính ổ dịch, tùy theo tình hình dịch ở mỗi địa phương. Vùng dịch địa phương phải tổ chức tiêm phòng bắt buộc 2 lần/năm, mỗi lần cách nhau 6 tháng đối với đàn gia súc dễ mắc bệnh. Vùng dịch rải rác tiêm phòng bao vây ổ dịch. Ưu tiên việc tiêm phòng cho vùng giáp ranh biên giới với các nước, nơi có nguy cơ phát dịch mạnh, nơi thường xuyên buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc từ nơi khác về, vùng chăn nuôi gia súc giống, xung quanh vùng chăn nuôi gia súc. Các trạm kiểm dịch động vật ở cửa khẩu thực hiện khử trùng phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu. Chi cục Thú y, Trạm kiểm dịch cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường để kiểm soát và xử lý việc nhập lậu gia súc và sản phẩm gia súc dọc theo đường biên giới. Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các đầu mối giao thông quan trọng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để nhân dân biết, chủ động phòng chống dịch và sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn. Đồng thời, bằng nhiều hình thức tuyên truyền hướng dẫn cho nông dân cách phòng dịch để vẫn phát triển tốt chăn nuôi trong điều kiện có dịch. Đối với Quảng Trị hiện nay, công tác tiêm phòng và phòng ngừa dịch bệnh vẫn đang gặp phải những trở ngại không nhỏ. Hầu hết các địa phương đều chủ quan, không tổ chức triển khai quyết liệt và dứt điểm công tác tiêm phòng. Việc tiêm phòng không dứt điểm, thiếu kịp thời nhiều nơi còn bỏ sót ở một vài thôn hoặc hộ gia đình không tạo được sự đồng bộ về tiêm phòng là nguyên nhân xảy ra dịch bệnh. Về khách quan, do điều kiện thời tiết và mùa vụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ tiêm phòng. Một số địa phương có lịch trình sản xuất nhanh gọn như Triệu Phong, Hải Lăng thì tiến độ tiêm phòng luôn đạt cao. Còn đối với các huyện cơ cấu mùa vụ chậm thì hạn chế đến tiến độ tiêm phòng. Đặc biệt là trong mùa mưa bão đã cận kề thì dịch bệnh rất dễ bùng phát và lây lan nhanh. Theo bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, đối với Quảng Trị từ tháng 8 đến tháng 12 là thời điểm dịch bệnh phát rộ. Thời tiết ẩm ướt, mầm bệnh dễ phát sinh và lây lan mạnh, trong khi đó mùa mưa bão làm hạn chế đến khả năng và tiến độ tiêm phòng cũng như dập dịch. Trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào thì hộ chăn nuôi và ngành Thú y cũng phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chủ động đối phó với dịch bệnh và nỗ lực toàn cộng đồng nhanh chóng triển khai dập dịch với quyết tâm khống chế nhanh dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Bài, ảnh: Tân Nguyên