(TNTT>) - Thơ chưa bao giờ ngừng trăn trở, thúc hối và ám ảnh trong đời sống tinh thần của những nhà thơ. Nhưng ở thời “internet lên ngôi” này, còn ai quan tâm đến thơ nữa hay không?
Vẫn còn nhiều tình yêu với thơ
Nhà thơ Vũ Trọng Quang, một trong ba người chủ biên tập thơ Bông & Giấy đang trong quá trình hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để ra mắt độc giả cho biết: “Dự kiến ban đầu của chúng tôi chỉ làm một tập thơ nhỏ với một số anh em làm thơ vẫn hay tụ tập tại cà phê Dung, 53 Bis Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM có khoảng sân rợp bông giấy. Bông là hoa, theo cách gọi của người miền Nam, và giấy vẫn có thể cắt xếp dán thành những cuống hoa nếu như bạn muốn. Nó như tâm trạng vô cảm, chai đá của người làm thơ trước một biến thể thơ đang ít người đọc còn nhà thơ thì vẫn buồn đau, hoang mang. Nói chung vẫn phải viết, vẫn phải nỗ lực sáng tạo. Bông và giấy tự khắc nói lên độ vênh đó của tâm hồn”.
![]() |
Nhà văn Đoàn Thạch Biền, người chủ biên tập san thơ văn Áo Trắng cho biết mỗi tháng anh nhận được khoảng 200-250 bài thơ của bạn viết gửi đăng. Cuộc thi thơ Bút Mới vừa qua do Áo Trắng và báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức, chỉ trong 5 tháng, đã nhận được hơn 800 bài dự thi. Nhà văn Đoàn Thạch Biền nói: “Số lượng thơ của bạn viết gửi đến Áo Trắng nhiều hơn số lượng truyện ngắn rất nhiều. Có lẽ do thơ dễ làm hơn, và cũng dễ có cảm xúc hơn”.
![]() ![]() | |
Wisława Szymborska |
Nhà thơ Lê Minh Quốc là một MC có duyên trong rất nhiều buổi ra mắt thơ và cũng là người được mời đi đọc thơ thường xuyên ở các trường đại học. Anh nói: “Không phải công chúng xa lánh thơ, ghẻ lạnh với thơ, theo tôi, họ vẫn còn dành cho thơ một tình cảm nồng nàn, say đắm và biết lắng nghe thơ.
Để đạt được hiệu quả, theo tôi cần phải khắc phục hai biểu hiện đang phổ biến hiện nay. Thứ nhất, xem biểu diễn thơ như là một tiết mục báo cáo trên sân khấu, nhà thơ xuất hiện phải “tiết hạnh khả phong”, công chúng phải ngồi trịnh trọng, phải nghe nghiêm túc như đang dự hội nghị hoặc cứ như là đang… truyền hình trực tiếp! Nghĩa là người nghe thơ không có một không gian thơ đúng nghĩa. Như thế, làm sao nghe thơ? Cách tổ chức ấy đã giết cảm xúc của người nghe thơ. Thứ hai, các nhà thơ (vì lý do gì đó) chưa hẳn đã đọc bài thơ mà mình tâm đắc nhất, ưng ý nhất. Theo tôi biết, thông thường họ chọn những bài “vừa hồng vừa chuyên” để “an toàn” cho… ban tổ chức! Vì thế họ vẫn đọc những bài thơ dù không thích. Thử hỏi, mình không thích thì làm sao công chúng thích?”.
![]() |
Để thơ đến gần công chúng
Nhà thơ nữ danh tiếng Ba Lan, người đoạt giải Nobel năm 1993, bà Wisława Szymborska, trong bài “Đừng khóc nữa thơ ơi!” đã viết: “Trong một buổi đọc thơ của tôi chỉ có năm người / Hai người là khách trú mưa / Ba người thân trong gia đình”. Nó cho thấy cái lẻ lạc hoang vắng của thơ hôm nay. Gần như “đông cứng” toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam, công chúng thơ, người đọc thơ, nghiên cứu thơ đang thu hẹp lại. Cuộc sống hiện đại với đa vẻ tốc độ, truyền thông đại chúng với nhiều mô hình thể loại giải trí hưởng thụ cao cấp càng “lấn biên” sân thơ vốn đã nhỏ bé. Cái nghịch lý của thơ còn ở chỗ mỗi người say đắm tự yêu chính bản thân mình, những câu thơ của mình mặc tất người khác đánh giá ra sao (!?). Tựu trung cũng xoay quanh các điểm nhìn: Thơ công chúng và thơ đại chúng. Thơ của cá thể và thơ tập thể. Anh Hoàng Hải Vân trong một lần trò chuyện với người viết đã nói: nhà thơ Đặng Đình Lưu định nghĩa “thơ là điểm chết”. Nhà thơ Hoàng Hưng, một gương mặt cách tân thơ Việt đầy nội lực thì cho rằng thơ chính là độ chênh tâm trạng. Nhà thơ Nguyễn Duy lại cho thơ là tấm lòng, những gì chân thực nhất chính là thơ. Còn nhớ sinh thời, nhà thơ Trinh Đường đã chủ trương và đứng ra làm tập tuyển “Làm thế nào để có thơ hay?”. Và trong tập đó đã có đến 1.001 cách quan niệm về thơ và thơ hay, mỗi người một cách riêng không ai giống ai. Và các thi sĩ ai cũng cho phương pháp của mình, quan điểm của mình là đúng, là nhất. Định nghĩa thơ hay thế nào nếu như thơ càng ngày càng xa công chúng? Và tại sao giới nghiên cứu phê bình hay các nhà lý luận thơ đến nay vẫn chưa tổ chức một tập: Làm thế nào để thơ đến gần hơn với công chúng? Đó là một thách thức và cũng là một câu hỏi…
|