Nhà Thiếu nhi Quảng Trị, mười lăm năm ươm mầm tài năng
Trong từng ngày dựng xây và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mình, Quảng Trị luôn dành sự quan tâm chu đáo, sự chăm sóc ân cần cho thế hệ tương lai. Với mục tiêu xây dựng một địa chỉ đủ khả năng góp sức vào sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà, trong đó chú trọng việc lập thức và kiến tạo tâm hồn đẹp, hình thành nhân cách trong sáng của tuổi thơ Quảng Trị, Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị đã ra đời vào ngày 16/11/1993 trong bao hy vọng tốt đẹp. Từ đó đến nay, Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị tròn mười lăm tuổi và cũng trong chừng ấy thời gian, nhiều người con và tài năng của tỉnh được Nhà Thiếu nhi gợi mở và rèn luyện năng khiếu đã bước vào cuộc đời chung rộng lớn, đem về nhiều tiếng thơm và sinh khí mới tặng đất và người quê nhà.
 |
CLB Phóng viên nhỏ Nhà Thiếu nhi Quảng Trị thực tế vùng sâu. Ảnh: CTV |
Mục tiêu của công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong thời kỳ đổi mới đặt lên vai 6 cán bộ đầu tiên của Nhà Thiếu nhi Quảng Trị nhiệm vụ xây dựng một thiết chế văn hóa phù hợp với nhu cầu phát triển của tuổi thơ tỉnh Quảng Trị. Trong sự thiếu thốn bộn bề từ không gian làm việc, cơ sở dạy và học đến cán bộ chuyên môn, đội ngũ giáo viên lẫn đời sống xã hội còn nhiều khó khăn và phần lớn người dân vẫn nghĩ những năng khiếu bên ngoài chương trình học tập ở nhà trường là điều không cần thiết,... Nhà Thiếu nhi tỉnh đã lần lượt tổ chức các hoạt động mang tính bổ trợ trẻ em phát triển ngày càng toàn diện về thể chất và tinh thần. Từ đó, 23 bộ môn năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được Nhà Thiếu nhi chuyên tâm bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt trẻ em mỗi năm. Bằng tình thương yêu và sự tin tưởng đối với những mầm non của quê nhà, mỗi họa sĩ, nhạc sĩ, võ sư, huấn luyện viên thể dục, giáo viên ngoại ngữ... làm công tác giảng dạy tại Nhà Thiếu nhi đã tận tụy từng phút từng giờ để hiểu khả năng và khát vọng của mỗi học trò, để áp dụng các phương pháp giáo dục đạt hiệu quả. Hiểu thiếu nhi của tỉnh cần một hình thức sinh hoạt văn hóa có thể đưa các bạn nhỏ hòa chung lời ca tiếng hát với thiếu nhi cả nước, Nhà Thiếu nhi Quảng Trị thành lập đội nghệ thuật Chim Khuyên mà ngay trong lần đầu tham gia liên hoan các Nhà Thiếu nhi toàn quốc vào năm 1996 đã đạt Huy chương Vàng. Bắt đầu từ đây, đội nghệ thuật Chim Khuyên là hạt nhân của phong trào văn hóa, văn nghệ của thiếu nhi tỉnh nhà. Bằng những bài hát, điệu múa, hoạt cảnh sân khấu, Chim Khuyên còn nhận về phần mình một phần trách nhiệm tuyên truyền lịch sử vẻ vang của dân tộc, của đất nước, quê hương. Tiếp nối thành công ấy, chương trình nghệ thuật Măng non của Nhà Thiếu nhi tỉnh mang về một giải nhất, một giải ba kể chuyện; hai huy chương bạc cờ vua thiếu niên, nhi đồng; hai giải A và hai giải B vẽ tranh; huy chương đồng võ thuật và phần thưởng lớn nhất đối với những chủ nhân của các tấm huy chương, danh hiệu ấy là chuyến thăm làng Sen quê Bác kính yêu. Năm 1997, tại Liên hoan tuyên truyền Măng non khu vực phía Bắc, đội Nghi thức của Nhà Thiếu nhi tỉnh phục vụ lễ khai mạc và bế mạc đã để lại tình cảm yêu mến trong lòng bạn bè, đồng thời nhân thêm niềm vui đạt giải A1 toàn đoàn, 4 giải vẽ tranh của thiếu nhi Quảng Trị. Và, tinh thần hết sức phấn khởi ấy được nâng lên trong liên hoan Tiếng kèn Đội ta toàn quốc lần thứ nhất năm 1998, liên hoan Suối nhạc hồng năm 1999 với giải A đồng đội, giải nhất chỉ huy đội nghi thức giữa không khí sôi động kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh và tình cảm nồng ấm của Tây Nguyên hùng vĩ, bất khuất. Làm nên những kết quả tràn ngập yêu thương và vinh dự đó là anh Nguyễn Đức Dũng, "người lính già" Nguyễn Văn Trụ, ông Nguyễn Quốc Trí, họa sĩ Nguyễn Thế Hà, anh Nguyễn Công Bằng, chị Trần Thị Huệ, các bạn nhỏ Phạm Thị Thu Hiền, Trịnh Hoàng Lâm, Tuấn Vĩnh, Mai Nhi, đội trưởng Thùy Nhiên... Để đáp ứng nhu cầu học tập kiến thức, vui chơi, bồi dưỡng tài năng, giải trí của thiếu nhi và nâng cao công tác Đội, Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị chuyển mình trong bước đổi mới đặc biệt quan trọng được đánh dấu bằng việc hoàn thành và đưa vào sử dụng ngôi nhà 3 tầng khang trang bên đường Hùng Vương với 25 phòng làm việc và phòng học, hội trường 300 chỗ ngồi, thư viện, phòng truyền thống, bể tắm thiếu nhi, sân cầu lông, sân bóng chuyền, nơi luyện tập bóng bàn, tập võ vào năm 1999. Tại đây, những khóa học múa, hát, hội họa, Taewondo, vi tính, ngoại ngữ, bơi, bóng đá, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, Karatedo, cờ vua... không ngừng vun đắp cho thiếu niên, nhi đồng năng lực biểu đạt cảm hứng nghệ thuật, trình độ nâng cao thể chất, ý thức và định hướng thẩm mỹ. Câu lạc bộ cờ vua Măng non, Sân chơi cuối tuần, các trại sáng tác văn học, các cuộc thi vẽ tranh, tập san Tiếng nói trẻ thơ... là những mảnh đất nhỏ giàu phù sa mà Nhà Thiếu nhi không ngơi vun bồi để ươm mầm sáng tạo cho thế giới tuổi thơ với nhiều giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật. Từ những hoạt động sáng tác và rèn luyện năng khiếu ấy, học sinh của Nhà Thiếu nhi đã xây dựng và biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật rất phong phú về chủ đề, đa dạng về thể loại và có thể phục vụ thiếu niên, nhi đồng ở trung tâm tỉnh lỵ, bạn bè cùng trang lứa ở vùng sâu vùng xa của tỉnh cũng như các đoàn khách trong và ngoài nước. Chăm chỉ luyện tập với sự hướng dẫn, dạy bảo tận tình của thầy cô giáo, sự quan tâm ngày càng nhiều của gia đình và xã hội, những tài năng nhỏ tuổi được Nhà Thiếu nhi phát hiện, bồi dưỡng đã khẳng định từng bước trưởng thành của mình từ các liên hoan Búp sen hồng, Tiếng hát hoa phượng đỏ, liên hoan Bông mai vàng, các cuộc thi vẽ Ngôi nhà mơ ước của em, Hành tinh mãi mãi xanh đến Trại hè Thái Bình Dương qua các năm 2000, 2001, 2002. Ghi nhận những tiến bộ ấy, năm 2002, Nhà nước ta đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị vì những thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Và rồi trong hơn 30.000 lượt thiếu niên, nhi đồng từng trải qua những khóa học, những mùa hè thú vị và bổ ích ở Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị, có nhiều người nay đã là kiến trúc sư, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch, biên đạo múa, ca sĩ, kỹ sư, giáo viên thanh nhạc, bác sĩ... đang sống và làm việc ở mọi miền đất nước mà ở đâu, ai cũng đóng góp vào sự phát triển chung những giá trị mang dấu ấn chân-thiện-mỹ. Và mãi mãi trong lòng họ vẫn còn nguyên miền ký ức thuộc về những ngày tháng được nơi đây khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, làm đầy niềm vui rèn luyện năng khiếu và chỉ dạy cách sống vì những người xung quanh. Bởi trong suốt mười lăm năm qua, Nhà Thiếu nhi trao cho họ những cách tiếp cận và thể hiện tình yêu cái đẹp trong thiên nhiên, đất nước, con người và trong biết bao nhiêu tình của cây đời mãi mãi xanh tươi. VÕ THỊ XUÂN