Địa chỉ cần giúp đỡ: Phận buồn của chị Thương
(QT) - Nhiều năm nay, chị Hoàng Thị Thương, sinh năm 1960 ở thôn Nại Cửu, xã Tân Thành (Hướng Hóa, Quảng Trị), nạn nhân của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vừa phải chống chọi với bệnh tật, vừa đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó, bản thân chị bị lãng tai từ nhỏ, chuỗi ngày thơ ấu đọng lại trong ký ức của chị là quanh năm, suốt tháng phải quần quật đi làm thuê, ở mướn cho người ta. Tuổi xuân trôi qua bao giờ không hay, chuyện chồng con của chị ...

Địa chỉ cần giúp đỡ: Phận buồn của chị Thương

(QT) - Nhiều năm nay, chị Hoàng Thị Thương, sinh năm 1960 ở thôn Nại Cửu, xã Tân Thành (Hướng Hóa, Quảng Trị), nạn nhân của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vừa phải chống chọi với bệnh tật, vừa đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó, bản thân chị bị lãng tai từ nhỏ, chuỗi ngày thơ ấu đọng lại trong ký ức của chị là quanh năm, suốt tháng phải quần quật đi làm thuê, ở mướn cho người ta. Tuổi xuân trôi qua bao giờ không hay, chuyện chồng con của chị cũng dỡ dang. Cách đây hơn 5 năm, trong quá trình đi làm thuê không may chị bị lây nhiễm HIV (lúc đó chưa được phát hiện). Thấy sức khỏe ngày càng giảm sút, không thể làm được việc gì, chị xin nghỉ, về ở nhờ tại nhà người em trai. Bệnh ngày càng nặng mà không hiểu nguyên nhân, cho đến khi cơn đau quằn xé toàn thân, cân nặng chỉ còn 28kg, chị được gia đình đưa đi cấp cứu và kết quả xét nghiệm cho biết chị đã dương tính với HIV.

Chị Thương đang rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm trong xã hội.

Chúng tôi đến thăm chị Thương đúng lúc chị không có nhà. Hỏi thăm làng xóm mới hay giờ này chị đang lang thang dọc các con đường trong thôn, xã để tìm nhặt ve chai bán kiếm cơm qua ngày. Căn nhà nhỏ của chị chưa đầy 30m 2 được dựng lên trong một góc vườn của vợ chồng người em trai. Bước vào nhà, cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là di ảnh của mẹ chị vừa mới mất khoảng vài tháng, trong nhà không có một vật gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kĩ đủ để chị Thương đặt lưng khi trở về nhà. Bếp núc lạnh tanh. Chờ một lúc lâu chị Thương mới trở về nhà. Căn bệnh thế kỷ đã làm đầu óc chị Thương lúc nhớ, lúc quên, đôi bàn tay run rẩy như người lớn tuổi. Không e dè, ngại tiếp xúc với người lạ như một số bệnh nhân HIV khác, chị cởi mở kể chuyện đi làm thuê trước đây, chuyện bây giờ đau yếu và khó khăn gặp phải trong cuộc sống.

Mọi sự ủng hộ chị Hoàng Thị Thương xin gửi đến Báo Quảng Trị - 26 Trần Hưng Đạo - TP Đông Hà (ĐT: 053.3857.176) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 102010001236996 tại Ngân hàng CP Công thương Quảng Trị.

Hỏi chị đi nhặt ve chai như thế bán được bao tiền, chị cười nói: “Nhiều lắm được 5-10 nghìn đồng mỗi ngày, nhưng không lúc nào chị cũng khỏe để đi tìm ve chai, phần lớn phải nhờ anh chị em giúp đỡ nhưng ai cũng khó khăn, con cái lại đông. Nhiều lúc chị chỉ ăn uống qua loa cho qua bữa. Trước đây mỗi lần đến kỳ về bệnh viện nhận thuốc chị còn khỏe, kiếm được tiền đi xe, nay sức khỏe ngày càng yếu đi nên phải nhờ ai rãnh thì đưa đi giúp”. Bỗng giọng chị Thương trầm buồn và nhìn di ảnh của mẹ, không nói nên lời. Như hiểu ý chị mình muốn nói, chị Thanh (em dâu chị Thương) cho chúng tôi biết, trước đây mẹ chồng chị và chị Thương đều ở trong nhà chị, được một thời gian mẹ chồng chị muốn ra ở riêng để cuối đời chăm sóc cho đứa con bị bệnh. Thương mẹ, thương chị nhưng hai vợ chồng chị Thanh không có điều kiện giúp mẹ cất lấy một căn nhà nhỏ để ở. Cũng may lúc đó, chính quyền xã phát động quyên góp được 9 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa cho chị Thương, vợ chồng chị Thanh liền cắt 60m 2 đất để cho chị Thương làm nhà. Từ đó, mẹ chồng chị ra ở cùng chị Thương để tiện chăm sóc người con hơn 40 tuổi quanh năm đau yếu. Mặc dù bản thân bà vẫn bị bạo bệnh (ung thư hạch ở cổ) nhưng thương con bà cắn răng chịu đựng, động viên con chữa bệnh cho đến khi bà qua đời. Hy vọng, sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái chung tay chia sẻ với người không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ như chị Thương để giúp chị vượt lên bệnh tật, sống những ngày cuối đời ý nghĩa hơn. Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG