(PL) - Diễn viên Quốc Thái (vai Trọng Nhân) trong phim Câu chuyện pháp đình. Cách đặt vấn đề, kể câu chuyện từ bài báo đến phim không chỉ đòi hỏi người làm phim phải làm tử tế mà cả người xem cũng phải xem một cách tử tế!
Dựa theo những ký sự pháp đình trên Báo Tuổi Trẻ của nhà báo Phạm Vũ, do nhà báo Hoài Hương biên kịch, bộ phim Câu chuyện pháp đình (đang phát sóng vào lúc 18 giờ các ngày Chủ nhật, thứ Hai, thứ Ba trên HTV9) của đạo diễn Tường Phương đang tạo nên sức hút bằng một phong vị lạ từ hoạt động đặc thù của báo chí và tòa án.
Diễn viên Quốc Thái (vai Trọng Nhân) trong phim Câu chuyện pháp đình. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp |
Phần lớn phim truyền hình đang tràn ngập màn ảnh nhỏ hiện nay có tình tiết, đối thoại kéo dài, lòng vòng, lê thê, người xem có thể bỏ mất vài tập vẫn hiểu; thậm chí chỉ cần nghe thoại, chẳng cần xem hình. Vậy nên Câu chuyện pháp đình là một bộ phim khó xem. Khó bởi kịch bản và câu chuyện được xây dựng chặt chẽ phỏng theo một câu chuyện thật với nhiều uẩn khúc về số phận một tử tù. Bộ phim đòi hỏi người xem phải tập trung, xem kỹ, xem chậm. Có thể chỉ cần bỏ qua vài câu thoại, vài khoảnh khắc trên nét mặt nhân vật, người xem đã đi xa với cảm nhận đúng về sự thật.
Vâng, chỉ là cảm nhận về sự thật. Bởi chẳng có sự thật tuyệt đối ở nội dung phim kể về một thanh niên nghiện hút, có nhiều tiền án trộm cắp, bị gia đình từ bỏ, lại đang mang trong mình căn bệnh AIDS, trước sau gì cũng chết nhưng khăng khăng kêu oan, không muốn chết vì án tử hình do tội giết người mà mình không làm. Bị cáo kêu oan không phải vô lý, những bằng chứng để tòa buộc tội anh ta vẫn còn khiếm khuyết, chông chênh. Sự khẩn thiết về một cái chết trong sạch của một bị cáo không còn gì để mất đã đánh động lòng tin cái thiện, lòng trắc ẩn trước số phận một con người ở một cô nhà báo.
Cùng với những luật sư giàu lương tâm trách nhiệm, cô đấu tranh trước tòa để cho bị cáo được xét xử công bằng hơn với đầy đủ chứng cứ hơn. Cuốn theo câu chuyện, từng lúc, lý lẽ, tình tiết của các bên tòa án, bị cáo, luật sư, nhà báo đưa ra luôn thuyết phục và loại trừ nhau ngay khi tưởng như một bên đã đúng hoàn toàn. Thế nên có những lúc người xem thật hoang mang trước cái thiện, cái ác, cái đúng, cái sai trong từng nhân vật; nên lòng tin vào con người, vào sự thật, công lý nơi chốn pháp đình bị lay động dữ dội...
Sản phẩm của những người tử tế
Ở Câu chuyện pháp đình, cả khán giả bình thường lẫn dân trong nghề không còn phải phàn nàn về hình ảnh nhà báo (ở đây là nhà báo viết về pháp luật) trong phim sao mà kỳ cục quá. Hoạt động tác nghiệp của một nhà báo, một tòa soạn báo được thể hiện trên phim nghiêm túc, thực tế dù có điển hình hóa. Hoạt động nơi tòa án cũng được miêu tả khá tỉ mỉ. Đó là kết quả làm việc rất tử tế, kỹ lưỡng của những người làm nên bộ phim ngay từ khâu nhà báo đi lấy tư liệu viết bài đến khâu biên kịch, đạo diễn, diễn viên làm phim.
Có hàng tập hồ sơ, hàng trăm trang bút lục của tòa, hàng mớ điều luật mà nhà báo viết về pháp luật bằng nhiều cách phải tiếp cận để viết bài. Bởi mỗi câu chữ trên mặt báo viết về pháp luật chỉ cần sơ sẩy một chút là đã có tác động tốt hay xấu đến cả cuộc sống một con người. Còn nhà báo phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía bởi phản ứng của bạn đọc, của nhân vật trong bài, kỷ luật của cơ quan, trách nhiệm với xã hội...
Biên kịch Hoài Hương, đạo diễn Tường Phương đã làm việc kèm sát nhà báo Phạm Vũ cũng để tiếp cận hàng mớ hồ sơ, bút lục; kể cả việc đi dự tòa để lấy thực tế, tiếp xúc với các luật sư, các nhân vật thật trong bài viết trên báo... để hiểu về con người và công việc chốn pháp đình. Chính vì thế mà Câu chuyện pháp đình của đạo diễn Tường Phương thành công. Mạch phim khá chậm song thu hút được người xem. Cách đặt vấn đề, kể câu chuyện từ bài báo đến phim không chỉ đòi hỏi người làm phim phải làm tử tế mà đòi hỏi cả người xem cũng phải xem một cách tử tế!
Cái tiếc nhất ở phần một Hơi ấm bàn tay của bộ phim nhiều tập Câu chuyện pháp đình là những người làm phim đã chọn một kết thúc tròn trịa. Có lẽ nếu để một cái kết còn khá nhiều dấu hỏi gần giống câu chuyện thật trên báo thì điều gửi gắm của đạo diễn Tường Phương, nhà báo-biên kịch Hoài Hương, nhà báo Phạm Vũ qua tác phẩm của mình sẽ ấn tượng hơn.
Người xem sẽ cảm nhận mạnh mẽ thông điệp từ Câu chuyện pháp đình là: “Bài báo, bộ phim không làm thay việc xét xử bị cáo có tội hay không có tội của tòa án. Mà trước số phận một con người, dù người đó có là ai, hoàn cảnh ra sao đi nữa, những người được giao trọng trách quyết định cuộc sống, số phận người khác hãy làm hết trách nhiệm, hết lương tâm một cách khách quan. Đó là hơi ấm tình người giữa con người với con người”.
Nhà báo Phạm Vũ: “Hãy tin vào con người!” Mỗi bài báo là một câu chuyện cụ thể nhưng với tôi, bài báo không phải chỉ nhằm kể lại câu chuyện ấy mà nhằm khơi gợi thêm những cái đẹp, lòng thiện trong mỗi người. Tôi chỉ mơ độc giả sẽ thương người hơn, tôn trọng con người hơn, nhiều sự thông cảm, chia sẻ hơn, nhiều quyết tâm sống tốt hơn sau khi đọc bài của mình. Phim ảnh thì ảnh hưởng lớn hơn và chắc anh Phương còn mơ nhiều hơn. Hơi ấm bàn tay mượn câu chuyện có thật của Nguyễn Nhân Ái, một trong những bị cáo gây ấn tượng với tôi nhất trong thời gian viết ký sự pháp đình. Trong lúc viết, tất nhiên tôi đã có những lúc chao đảo, nghi ngờ, hoang mang, khi thì nghiêng về phía bị cáo, lúc thì nghiêng về phía tòa án. Nhưng bên cạnh việc nghiên cứu thật kỹ hồ sơ, chứng cứ, tôi luôn tin vào con người. Pháp luật dù có hoàn thiện đến đâu thì trong con người vẫn có những góc khuất của số phận, của tâm hồn mà nó không thể với đến. Trong luật hình sự có quy định về điểm này: nguyên tắc suy luận theo hướng có lợi cho bị cáo khi chứng cứ cho hai hướng suy luận khác nhau. Luật cũng cho phép có một khoảng trống dành cho “niềm tin nội tâm” khi các chứng cứ kết tội và gỡ tội là ngang bằng. Tôi luôn tâm niệm: Khi không đủ chứng cứ, chúng ta hãy tin vào con người. |
HÒA BÌNH