Ban Pháp chế -HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với các đơn vị
(QT) - Trong các ngày từ 24-30/11/2009, Ban Pháp chế- HĐND tỉnh Quảng Trị do đồng chí Trần Văn Huỳnh, UVTVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có các buổi làm việc với lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Nội vụ, VKSND và TAND tỉnh để nghe báo cáo về tình hình công tác của các ngành trong năm 2009 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2010. * Tại Công an tỉnh Quảng Trị: Theo số liệu báo cáo của cơ quan Công an tỉnh, thời gian qua, hoạt động của các loại tội phạm ...

Ban Pháp chế -HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với các đơn vị

(QT) - Trong các ngày từ 24-30/11/2009, Ban Pháp chế- HĐND tỉnh Quảng Trị do đồng chí Trần Văn Huỳnh, UVTVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có các buổi làm việc với lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Nội vụ, VKSND và TAND tỉnh để nghe báo cáo về tình hình công tác của các ngành trong năm 2009 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2010. * Tại Công an tỉnh Quảng Trị: Theo số liệu báo cáo của cơ quan Công an tỉnh, thời gian qua, hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh giảm nhưng có tính chất và hậu quả khá nghiêm trọng, tính đến tháng 11/2009, toàn tỉnh phát hiện 393 vụ, làm chết 9 người và bị thương 73 người, thiệt hại tài sản ước tính 4,7 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã điều tra làm rõ 281 vụ/554 đối tượng, đạt tỷ lệ 71,5%, khởi tố 178 vụ/301 bị can. Trong đó, tội phạm xâm phạm TTXH 354 vụ, trật tự quản lý kinh tế và chức vụ 9 vụ và tội phạm ma túy 30 vụ. Công an tỉnh đã xác lập 19 chuyên án và triệt phá 18 nhóm tội phạm, bắt 84 đối tượng, vận động đầu thú 25 đối tượng truy nã và xét duyệt 38 hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dưỡng, trại giáo dục. Trong năm, Công an tỉnh đã làm tốt công tác đảm bảo ANTT phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN ở địa phương. Tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về ANTT. Phối hợp chặt chẽ với các ngành trong khối nội chính trong công tác bắt giữ, điều tra, quản lý tội phạm nên năm 2009 đã không để xảy ra sơ hở, thiếu sót và oan sai. Chất lượng hồ sơ truy tố của cơ quan điều tra đảm bảo, các vụ đưa ra xét xử đều đúng người, đúng tội danh mà cơ quan điều tra đề nghị, truy tố. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công an tỉnh đã đề xuất với Ban Pháp chế trình HĐND tỉnh về việc giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người ở khu vực nông thôn, tránh để xảy ra điểm nóng; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, giám định pháp y để phục vụ tốt cho công tác tố tụng; có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.... Các thành viên trong Ban Pháp chế -HĐND tỉnh cũng đã chất vấn một số vấn đề liên quan đến tình hình ANTT tại địa phương. Về những kiến nghị, đề xuất của ngành, Ban Pháp chế -HĐND tỉnh hứa sẽ tiếp thu để trình HĐND tỉnh xem xét trong thời gian tới. *Tại Sở Nội vụ , báo cáo được lãnh đạo Sở trình bày tại buổi làm việc cho thấy: Năm 2008, tổng số biên chế hành chính, sự nghiệp được HĐND tỉnh thông qua là 15.783 biên chế, trong đó có 30 biên chế dự phòng. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Sở Nội vụ đã thông báo chỉ tiêu biên chế cụ thể cho các sở, ban ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng thống nhất cơ cấu chức danh viên chức và tổ chức thi tuyển công chức hành chính. Hiện còn 188 biên chế đang được các đơn vị tiến hành xét tuyển và Hội đồng thi tuyển tỉnh tổ chức thi tuyển để tuyển dụng vào công chức hành chính, sự nghiệp giáo dục và y tế trên địa bàn. Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch biến chế năm 2010 với tổng biên chế là 16.283, tăng 500 biên chế so với năm 2009. Trong đó, khối hành chính có 1.944 biên chế, sự nghiệp y tế 2.036 biên chế, giáo dục 11.415 biên chế, VHTT 362 biên chế, sự nghiệp khác là 496 biên chế và dự phòng 30 biên chế. Tại buổi làm việc, sau khi nghe các thành viên Ban Pháp chế chất vấn, làm rõ một số nội dung liên quan đến kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp năm 2009 và chỉ tiêu năm 2010, đồng chí Trần Văn Huỳnh, UVTVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế- HĐND tỉnh đã đề nghị Sở Nội vụ tiến hành rà soát nhu cầu tuyển dụng biên chế sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt quy trình này. Ngoài việc phân bổ chỉ tiêu, Sở Nội vụ cần kiểm tra, giám sát và có quy định cụ thể để điều chỉnh chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong quá trình thi tuyển, cần thông báo rộng rãi về chỉ tiêu, quy chế thi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ nội dung, từ đó giảm bớt những thắc mắc, khiếu kiện. Đồng thời cần đổi mới về khâu tổ chức theo hướng công khai, minh bạch như thay đổi cách chấm thi, coi thi…Ngoài ra, Sở cũng cần chú trọng đến việc thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ để thu hút đội ngũ trí thức trẻ và những người có trình độ trên Đại học về công tác lâu dài tại tỉnh Quảng Trị. *Tại VKSND tỉnh: Tính đến 30/10/2009, VKSND tỉnh đã thụ lý kiểm sát điều tra 539 vụ/ 670 bị can, cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra 327 vụ/552 bị can, đạt tỷ lệ 96,4%. Tổng số án VKSND tỉnh đã thụ lý giải quyết là 333 vụ/583 bị can. Năm 2009, VKS hai cấp đã chú trọng và tăng cường kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan chức năng.Trong kỳ, toàn ngành đã thụ lý mới 516 tin báo, cơ quan điều tra đã xử lý khởi tố vụ án 394 tin báo. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà, phối hợp với Toà án cùng cấp tổ chức các phiên toà mẫu, phiên toà xét xử lưu động góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn. Năm 2010, ngành kiểm sát tiếp tục bám sát các chỉ tiêu đã đề ra để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, phối hợp với các ngành chức năng trong việc nắm, quản lý và xử lý các tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tập trung nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật. Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề nghị ngành Kiểm sát cần chủ động phối hợp với các cơ quan làm án đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án điểm, hạn chế việc trả hồ sơ bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và không để xảy ra việc bắt, giam, giữ, khởi tố, truy tố, xét xử oan sai. Bên cạnh đó, ngành cũng cần phối hợp với các cơ quan tố tụng để tăng cường xét xử lưu động, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. *Tại TAND tỉnh: Theo số liệu báo cáo tại buổi làm việc với Ban Pháp chế- HĐND tỉnh, năm 2009, toàn ngành Tòa án thụ lý 1.451 vụ án các loại, đã giải quyết 1.426 vụ, đạt 98,3%. TAND tỉnh đã tiến hành rà soát 1.292 bản án, quyết định của Toà án 2 cấp, kiểm tra 993 hồ sơ vụ án và 290 hồ sơ thi hành án của tòa án cấp huyện. Hoạt động giám đốc kiểm tra được tiến hành thường xuyên. Hàng quý, Tòa án tỉnh đã ra thông báo bằng văn bản nhằm giúp toà án các cấp, thẩm phán, thư ký khắc phục sai sót và kịp thời rút kinh nghiệm. Ngành Tòa án đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra đối với người bị kết án được hưởng án treo theo quy định pháp luật. Phối hợp với Công an, Viện kiểm sát xét giảm chấp hành hình phạt tù cho 30 trường hợp trong dịp lễ tết. Bên cạnh đó, toàn ngành đã làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng các trình tự, quy định của pháp luật. Năm 2010, TAND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 08/NQ-TƯ, Nghị quyết 49/NQ-TƯ của Bộ Chính trị cùng các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đề ra và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám đốc kiểm tra, thi hành án hình sự và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo… Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Huỳnh, UVTVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế- HĐND tỉnh đã đánh giá cao những kết quả mà ngành Toà án đã đạt được trong thời gian qua. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu ngành Toà án cần đẩy mạnh việc kiện toàn Tòa án hai cấp, chú trọng đến công tác củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, có tinh thần trách nhiệm cao và có phẩm chất đạo đức tốt. Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Đồng thời đưa ra xét xử nhanh chóng, kịp thời các vụ án đã được thụ lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, kỷ cương pháp luật Nhà nước, góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. P.H.H-M.Đ