Những ghi nhận trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản
(QT) - Trong những năm gần đây, đời sống sức khỏe sinh sản của người dân Quảng Trị không ngừng được quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao. Với lực lượng nòng cốt là mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và hoàn thiện, Quảng Trị đã và đang từng bước giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến sức khỏe sinh sản. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận trong việc giảm tử vong bà mẹ và trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em, giải quyết tốt các ca đẻ khó, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng... góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em trên địa bàn.
 |
Một buổi sinh hoạt của CLB CSSK vị thành niên ở Gio Linh. Ảnh: K.K.S |
Kết quả CSSKSS của ngành Y tế Quảng Trị trong 9 tháng đầu năm 2009 cho thấy số phụ nữ đến các cơ sở y tế để được CSSKSS ngày một đông hơn. Trong tổng số 10.706 phụ nữ mang thai có 7.930 người được các cơ sở y tế quản lý thai sản, đạt tỷ lệ 74,07%, có 6.646 phụ nữ sinh con được khám thai từ 3 lần trở lên, đạt tỷ lệ 87,71%, 7.308 phụ nữ sinh con được tiêm từ 2 mũi vaccine phòng bệnh uốn ván, đạt 96,45%. Trong tổng số 7.577 phụ nữ sinh con có 6.832 người sinh con tại cơ sở y tế, đạt 90,16% và 7.159 người được cán bộ y tế chăm sóc, đạt 94,48%, 7.206 người được cán bộ y tế thăm khám sau khi sinh con và 87,8% trong số họ được thăm khám từ 2 lần trở lên. Như vậy, số lần khám thai trung bình của phụ nữ sinh con trong 9 tháng đầu năm ở tỉnh Quảng Trị là 3,53 và tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế thăm khám sau khi sinh con đạt trên 95%. Điều này vừa nói lên nhận thức và hành vi về CSSKSS của người dân trong tỉnh đã cao hơn trước và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn vừa khẳng định năng lực và chất lượng CSSKSS của ngành Y tế tỉnh đã có nhiều tiến bộ. Khoa sản của các bệnh viện đa khoa ở 9 huyện, thị xã, thành phố đã có tủ thuốc cấp cứu tại phòng sinh với đầy đủ các loại thuốc thiết yếu và cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế. Kiến thức và kỹ năng thực hiện các dịch vụ làm mẹ an toàn, chăm sóc sơ sinh theo chuẩn quốc gia của cán bộ y tế cơ sở đã tốt hơn trước từ khám thai, tư vấn thai nghén đến chăm sóc trước, trong, sau sinh và tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ. Đáng kể nhất là Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa đã tăng cường chăm sóc sản khoa toàn diện với nỗ lực xây dựng hoàn chỉnh khoa sản, tập trung đào tạo cán bộ và chủ động tiếp nhận kỹ thuật chuyên môn về cấp cứu sản khoa toàn diện được Bệnh viện trung ương-Huế, Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm CSSKSS tỉnh phối hợp tổ chức Cứu trợ trẻ em (Mỹ) chuyển giao. Nhờ đó, đến nay, bên cạnh việc tiến hành các ca mổ đẻ, khoa sản của Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật cấp cứu sản, phụ khoa khác như u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung, u xơ tử cung... So với năm 2008, những kết quả trong lĩnh vực CSSKSS trong 9 tháng đầu năm 2009 của ngành Y tế Quảng Trị đã đạt tốt hơn nhiều. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được quản lý thai sản, được khám thai, phụ nữ sinh con được tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván, phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế và được cán bộ y tế chăm sóc, phụ nữ thăm khám sau khi sinh con... đều tăng. Đồng thời, số trường hợp tai biến sản khoa, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chết, tử vong mẹ, tỷ lệ trẻ chết chu sinh, trẻ chết sơ sinh, trẻ chết sơ sinh sớm đều giảm. Những trường hợp tử vong mẹ và trẻ em liên quan đến sinh sản đều được ngành Y tế Quảng Trị phân tích nguyên nhân để xác định những điểm cần khắc phục trong năng lực thực hiện chương trình CSSKSS, hỗ trợ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh của ngành. Trên cơ sở đó, ngành Y tế Quảng Trị đã đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả CSSKSS trong thời gian tới. Theo đó, một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thị xã, thành phố cần có kế hoạch và tiến hành nâng cấp, sửa chữa khoa sản và phòng mổ đã xuống cấp, hư hỏng; tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn sản khoa theo quy định của Bộ Y tế nhằm đảm bảo môi trường sạch trong và ngoài các phòng kỹ thuật, người cung cấp dịch vụ sạch và khách hàng sạch; tham gia tập huấn thực hiện CSSS, đặc biệt là sử dụng lồng ấp sơ sinh và bổ sung những dụng cụ cần thiết như đèn sưởi ấm, chậu tắm bé để đảm bảo có phòng CSSS an toàn và hiệu quả; tăng cường giám sát hỗ trợ các trạm y tế thực hiện tốt các nội dung về LMAT, nhất là những kiến thức và kỹ năng cấp cứu sản khoa và CSSS; phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện tốt các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm và phòng lây truyền HIV và viêm gan B cho tất cả người dân đến nhận dịch vụ tại đơn vị. Ở tuyến tỉnh, cán bộ y tế làm công tác CSSKSS cần được tập huấn cập nhật kiến thức một số nội dung chủ chốt và cấp bách về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh như tập huấn xử lý tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ; các bệnh viện đa khoa cần thường xuyên chỉ đạo và hỗ trợ tuyến dưới trong lĩnh vực chăm sóc sản khoa toàn diện, đặc biệt là chăm sóc trẻ sơ sinh; các bệnh viện đa khoa và Trung tâm CSSKSS cần nâng cấp và hoàn thiện các trang thiết bị, dụng cụ y tế để thực hiện mô hình mẫu về vô khuẩn sản khoa và chăm sóc sản khoa toàn diện theo chức năng của từng đơn vị để làm cơ sở cho tuyến dưới học tập và triển khai; duy trì nhóm giám sát hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở các tuyến để nâng cao chất lượng các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Song song với những hoạt động này, ngành Y tế cần tăng cường truyền thông, tư vấn về SKSS, chăm sóc sơ sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại cộng đồng với nội dung phong phú, hình thức phù hợp. Phát huy những kết quả đạt được và giải quyết các vấn đề còn tồn tại để cải thiện tốt chất lượng dịch vụ CSSKSS trong thời gian tiếp theo nhằm góp phần đạt được các mục tiêu của chiến lược quốc gia về CSSKSS đến năm 2010 cho bà mẹ và trẻ em. Nguyễn Bội Nhiên