Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc, Nga kêu gọi kiềm chế
QĐND - Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những phát ngôn ám chỉ khả năng áp dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên, báo chí Hàn Quốc đưa tin tàu ngầm Michigan có trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ tới Hàn Quốc vào cuối tuần này, như một lời răn đe dành cho Bình Nhưỡng...

Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc, Nga kêu gọi kiềm chế

QĐND - Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những phát ngôn ám chỉ khả năng áp dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên, báo chí Hàn Quốc đưa tin tàu ngầm Michigan có trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ tới Hàn Quốc vào cuối tuần này, như một lời răn đe dành cho Bình Nhưỡng...

Ngày 10-10, nhật báo Chosun Ilbo dẫn nguồn tin thân cận với lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, tàu ngầm Michigan sẽ ghé thăm căn cứ hải quân ở phía đông nam thành phố Busan. Việc đưa Michigan tới Hàn Quốc cùng sự hiện diện của tàu sân bay Ronald Reagan tại một căn cứ khác ở Nhật Bản cho thấy quyết tâm ngăn chặn các mối đe dọa từ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tàu ngầm Michigan có khả năng mang theo tối đa 154 tên lửa Tomahawk, từng ghé thăm Busan hồi tháng 4 khi tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang. Trong khi đó, tàu sân bay Ronald Reagan dự kiến cũng sẽ dẫn đầu một nhóm tàu chiến của Mỹ tham gia cuộc diễn tập hải quân chung với lực lượng của Hàn Quốc vào cuối tháng này. Thông tin về cuộc diễn tập được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun xác nhận, tuy nhiên ông này không cho biết kế hoạch cụ thể và quy mô của cuộc diễn tập.

Tàu ngầm hạt nhân Michigan của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Các động thái quân sự trên của Mỹ xuất hiện vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump mấy ngày qua liên tục bóng gió khả năng sử dụng biện pháp mạnh với Triều Tiên. Theo Fox News , ngày 9-10, trên Twitter , ông Donald Trump viết rằng, chính sách đối phó Triều Tiên của Washington 25 năm qua là thất bại sau khi tuyên bố “chỉ có một cách” hiệu quả, ngầm chỉ biện pháp quân sự. “Đất nước chúng ta đã thất bại trong việc ứng phó Triều Tiên suốt 25 năm; chúng ta đã cấp cho họ hàng tỷ USD nhưng không nhận lại được gì. Chính sách của chúng ta đã thất bại”, Tổng thống Donald Trump khẳng định trên Twitter. Trước đó 1 ngày, ông Donald Trump cũng đưa ra những bình luận có nội dung tương tự liên quan tới Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Donald Trump trong các phát ngôn của mình không nói rõ “cách duy nhất” mà ông ám chỉ là gì. Ông Mick Mulvaney, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng cho rằng, rõ ràng ông Donald Trump ngầm đề cập đến biện pháp quân sự với Triều Tiên.

Kể từ năm 1992, Mỹ đã chi hơn 1 tỷ USD để viện trợ cho Triều Tiên, kể cả trong những giai đoạn căng thẳng nhất, nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Mỹ cũng dùng sức ép ngoại giao và các lệnh trừng phạt để buộc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, song các giải pháp này không mang lại kết quả mà Mỹ mong muốn. Triều Tiên thời gian gần đây liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân khiến căng thẳng gia tăng dẫn tới nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột quân sự nếu tình hình không được kiểm soát.

Trước các hành động răn đe của Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẽ nhượng bộ. Ngày 9-10, quan chức quốc phòng Triều Tiên cho biết, các lực lượng đặc biệt của Lục quân Triều Tiên hồi giữa tháng 9 đã tiến hành tập trận nhảy dù xâm nhập Bộ tư lệnh Các lực lượng hỗn hợp (CFC) Mỹ-Hàn tại Seoul. Trong buổi diễn tập, các lực lượng đặc biệt Triều Tiên đã thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ tại một thao trường mô phỏng CFC, mang theo những chiếc dù gấp có trọng lượng từ 3 đến 4kg và nhảy từ một điểm cao để bắt giữ đối tượng mục tiêu. Đây là lần đầu tiên các thành viên lực lượng đặc biệt Triều Tiên tiến hành tập trận xâm nhập bằng nhảy dù nhằm vào sở chỉ huy CFC. Theo các quan chức nêu trên, cuộc tập trận này có sự tham gia của các lực lượng đặc biệt đến từ Lục quân, Hải quân và Không quân Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump được cho là Tổng thống Mỹ có thái độ gay gắt nhất đối với Bình Nhưỡng từ trước đến nay. Ngày 10-10, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn giấu tên cho biết, khả năng ông Donald Trump sẽ tới thăm khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào đầu tháng 11. Nhà Trắng từ cuối tháng 9 đã cử một nhóm gồm các quan chức Mỹ tới khảo sát một số địa điểm phù hợp ở biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trước khi Tổng thống Donald Trump có chuyến đi chính thức tới khu vực này. Nhóm chuyên gia Mỹ đã xem xét xung quanh khu vực làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) và đài quan sát Ouellette.

Dự kiến, Tổng thống Donald Trump sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên trong chuyến đi đầu tiên tới Hàn Quốc và Bán đảo Triều Tiên với tư cách Tổng tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ. Hàn Quốc là một chặng dừng chân trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Donald Trump.

Lập trường cứng rắn của ông Donald Trump khiến dư luận lo ngại sẽ càng làm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn. Ngày 9-10, Nga đã kêu gọi các bên kiềm chế. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Moscow kêu gọi và tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh bất cứ bước đi nào có thể khiến tình hình xấu đi”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cảnh báo người đồng cấp rằng, các động thái quân sự của Washington đã khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang. Ngoại trưởng Nga kêu gọi giải quyết bất đồng giữa các bên thông qua các biện pháp ngoại giao và xem đây là giải pháp hiệu quả duy nhất.

XUÂN PHONG