Góp tiếng nói cho cuộc đấu tranh đòi công lý
Một ba lô chỉ toàn thức ăn khô, nước uống, vài ba bộ quần áo, tăng, võng, giày thể thao, mấy cuốn sổ, nắm đất thiêng xin ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh và một lá cờ Tổ quốc thắm đỏ trên vai, người cán bộ Đoàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) Nguyễn Tuấn Linh (1980) đã thực hiện chuyến bộ hành xuyên Việt, qua 21 tỉnh, thành phố với chiều dài trên 1.900 km để ký tên vì công lý, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Góp tiếng nói cho cuộc đấu tranh đòi công lý

Một ba lô chỉ toàn thức ăn khô, nước uống, vài ba bộ quần áo, tăng, võng, giày thể thao, mấy cuốn sổ, nắm đất thiêng xin ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh và một lá cờ Tổ quốc thắm đỏ trên vai, người cán bộ Đoàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) Nguyễn Tuấn Linh (1980) đã thực hiện chuyến bộ hành xuyên Việt, qua 21 tỉnh, thành phố với chiều dài trên 1.900 km để ký tên vì công lý, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Sau 31 ngày vạn lý độc hành với trên 12.000 chữ ký vận động được, dấu chân đi tìm công lý của Nguyễn Tuấn Linh đã về đến Quảng Trị (4/3), nơi có 13.042 nạn nhân đang chờ đợi anh, chờ đợi công lý được thực thi Dành tiền cưới vợ để đi đòi công lý Thuở thiếu thời nơi miền quê Thái Bình, Nguyễn Tuấn Linh đã từng tận mắt chứng kiến cuộc sống khốn khổ của nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có một người bạn của Linh. Hồi đó, người ta chưa hiểu lắm về cái gọi chất độc da cam/dioxin nên nhiều người đã không giấu được ánh mắt kỳ thị, xa lánh. Linh nhận ra điều đó. Và buồn.

Trong thẳm sâu trái tim trắc ẩn của mình, Linh nung nấu ý định sẽ làm một cái gì đó, dù nhỏ, để giúp đỡ họ. Nhưng làm gì thì chính Linh cũng chưa nghĩ ra. Mãi cho đến năm 2004, khi chuyển vào Đồng Nai làm công nhân, rồi được chuyển về làm cán bộ Thành Đoàn thành phố Biên Hòa, có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ý định làm một cái gì đó càng thôi thúc trong lòng Linh. Những ngày đó (chính xác là ngày 14/3/2004), Linh bắt đầu dành dụm tiền để thực hiện hoài bão của mình. 4 năm sau, khi đã tích cóp được số tiền 12 triệu đồng thì một việc "không có trong kịch bản" đã xảy ra: cưới vợ. Người yêu của Linh cũng là một đoàn viên năng nổ, hiện đang công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Hai người làm lễ đính hôn ngày 16/6/2008 và dự định cuối năm sẽ làm lễ cưới. Linh trăn trở rất nhiều.

Những diễn biến phức tạp của vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ, đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cứ thôi thúc trong lòng Linh. Nếu cưới vợ lúc này, số tiền 12 triệu đồng dành dụm suốt 4 năm trời sẽ hết, rồi lại vướng bận gia đình, biết đến bao giờ mới thực hiện được ý định. Mà công lý đâu có chờ đợi ai...

"Lúc nghe mình bày tỏ ý định làm một chuyến bộ hành xuyên Việt để lấy chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nàng phản đối kịch liệt. Mình phải sử dụng chiến thuật mưa dầm thấm lâu, lựa lúc nào nàng vui vẻ thì mình bắt đầu rỉ rả. Lâu dần nàng cũng hiểu ra và đồng ý cho mình đi. Xong, hai đứa chia nhau, nàng vận động gia đình nàng, mình vận động gia đình mình, nói một lần không được thì nhiều lần. Cuối cùng, sau khoảng 4 tháng mưa dầm dai dẳng như thế hai gia đình mới thấm được", Linh tâm sự.

Ông Lê Kim Thơ - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Quảng Trị vui mừng đón Nguyễn Tuấn Linh.
Xong khâu vận động là khâu rèn luyện thể lực. 5 giờ sáng dậy cõng 16 kg gạch tập đi bộ, chiều chạy bộ, tối tham gia một lớp Thiếu Lâm nam quyền đạo, lại phải mất thêm 4 tháng. Và rồi, đúng ngày thành lập Đảng 3/2/2009, trong sự quyến luyến, bịn rịn của đông đảo đoàn viên thanh niên Thành Đoàn Biên Hòa và người vợ chưa cưới, Nguyễn Tuấn Linh bắt đầu cuộc vạn lý độc hành qua 21 tỉnh, thành phố với trên 1.900 km để đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tối đâu là nhà, ngả đâu là giường Đi. Mệt, nghỉ. Đói, ăn. Khát, uống. Tối ở đâu thì dừng lại ngủ ở đấy. Không gặp nhà dân, chùa chiền hay quán trọ thì mắc võng ngủ ven đường, 4 giờ sáng lại tiếp tục cuộc hành trình. Mỗi ngày đi bộ không dưới 40 cây số.

Những ngày đầu, hai bàn chân Linh phồng rộp lên nhức nhối nhưng đều đặn mỗi đêm Linh đều dành thời gian ngồi viết nhật ký hành trình ghi lại cảm xúc của mình trên những chặng đường anh đã đi qua. Tại các địa phương, Linh đều danh thời gian đến thăm các di tích lịch sử, các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giao lưu với các đoàn viên thanh niên địa phương và vận động xin chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Linh nhớ có lần đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, suốt hơn 30 km tịnh không một bóng cây, không một ngôi nhà, chỉ có mặt đường bỏng rát và cái nắng như đổ lửa. Hai bên đường chỉ toàn gai xương rồng. Lần ấy không may thức ăn và nước uống dự trữ lại hết. Đói, khát, và mệt. May có bác tài xế đi ngang qua dúi lại cho Linh chai nước tinh khiết. Đêm đó, Linh xin ngủ nhờ một tiệm làm lốp hiếm hoi bên đường. Anh chủ tiệm thương tình chia cho Linh một nửa phần cơm hộp của mình. Lúc ấy, Linh đã bật khóc vì cảm động. Lại có lần đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, có hai bạn trẻ đã tình nguyện đi theo Linh suốt từ sáng đến chiều tối mới chịu chia tay. Hôm đến thăm "nhà" chú Chùy ở thành phố Nha Trang. Đó là một túp lều che bằng vỏ bao xi măng cũ. Trên chiếc giường xếp bằng gạch, mặt giường được ghép lại bằng mấy miếng gỗ bạch đàn và một lớp bao bì là hai người con của chú nằm câm lặng, thân thể trần truồng, lở loét vì di chứng chất độc da cam/dioxin. Linh đã khóc. Ở ngay ngoài kia thôi, thành phố Nha Trang hoa lệ, nhộn nhịp là thế, vậy mà ở đây....

"Một mình ra đi, đau ốm, mưa, nắng, đói, khát..., đủ cả. Có nhiều lúc mệt đến không chịu nổi, mình nghĩ hay là leo lên xe đi một đoạn. Lúc ấy mình lại nhận được sự động viên của các cô, các chú ở Trung ương Hội, nghĩ đến người phụ nữ bị ung thư giai đoạn cuối vẫn đạp xe xuyên Việt, nghĩ đến niềm tin mà mọi người đã gửi gắm, nghĩ đến những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và những đứa con trần truồng, lở loét trong túp lều của chú Chùy..., thế là mình gượng dậy và đi tiếp", Linh bộc bạch. Mình là thanh niên Việt Nam

Nguyễn Tấn Linh (trái) đang vận động ĐVTN Đông Hà ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Linh kể: Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, có nhiều công ty ngỏ ý sẽ tài trợ kinh phí cho Linh đi, chỉ cần Linh mang áo có in logo của họ là được. Linh từ chối không nhận, cũng như từ chối mọi sự giúp đỡ bằng hiện vật trên suốt mọi nẻo đường. Bởi với Linh, hành trình đi đòi công lý không phải xuất phát từ thành phố Biên Hòa và kết thúc ở thủ đô Hà Nội (đúng vào dịp 26/3) mà xuất phát ở trái tim và sẽ đến với mọi trái tim. Hành trình ấy, không thể thực hiện bằng tiền hay sức khỏe mà phải bằng nghị lực và tấm lòng. Cũng có người nghi ngại: bỗng dưng làm một việc động trời như thế, chắc phải có ý định gì đó cho riêng mình? Linh cười, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt sạm đen và gầy gò: "Đúng là mình đã được rất nhiều thứ, nhiều bạn mới, nhiều tình cảm và thấy mình lớn lên rất nhiều. Mình đi, vừa muốn góp một tiếng nói cho cuộc đấu tranh vì công lý, vừa muốn khẳng định rằng, thanh niên chúng tôi không chỉ biết sống gấp, sống thực dụng và phai nhạt lý tưởng, thanh niên chúng tôi cũng biết đau nỗi đau của đồng bào và không bao giờ quay lưng lại với quá khứ". Hôm chia tay chúng tôi ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Linh nói rằng: Mình đi chuyến này không mong sẽ thay đổi một điều gì to tát, chỉ mong góp một tiếng nói vào cuộc đấu tranh chung vì công lý cho các nạn nhân. Mình đang có ý định sẽ thực hiện lại một chuyến hành trình xuyên Việt để thực hiện bộ sách ảnh về hơn 4 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dĩ nhiên, nếu thực hiện được thì phải mất cả năm trời và phải đi bằng xe đạp. Mình sẽ còn đấu tranh mãi chừng nào công lý chưa được đặt đúng chỗ của nó. "Vậy còn chuyện cưới vợ?". "Xong chuyến này về hai đứa sẽ cày cuốc để kiếm tiền làm đám cưới, cũng chỉ tổ chức đơn giản thôi. Trì hoãn mãi không khéo lần sau bà xã lại không cho đi nữa". Linh đi, những dấu chân đi tìm công lý xa dần, xa dần trên dặm đường tít tắp. Trên lưng, lá cờ Tổ quốc vẫn cháy rực rỡ một niềm tin bất diệt... Bài và ảnh: THÚY AN