Vốn ưu đãi phát huy hiệu quả tích cực
(QT) - Thực hiện chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2012 Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã giải ngân kịp thời cho 2.717 lượt hộ vay vốn thông qua các chương trình cho vay như: hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm… với tổng số tiền trên 39,6 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách toàn huyện lên trên 211 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi này đã góp phần giúp nhiều gia đình có ...

Vốn ưu đãi phát huy hiệu quả tích cực

(QT) - Thực hiện chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2012 Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã giải ngân kịp thời cho 2.717 lượt hộ vay vốn thông qua các chương trình cho vay như: hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm… với tổng số tiền trên 39,6 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách toàn huyện lên trên 211 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi này đã góp phần giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Với diện hộ cận nghèo như gia đình bà Võ Thị Hoa, thôn Trầm Sơn, xã Hải Sơn thì việc nuôi 5 người con ăn học (1 cao đẳng, 3 đại học và 1 là học sinh lớp 11) là nghị lực vượt khó phi thường của tất cả các thành viên trong gia đình. Dù phải làm việc gấp 3, 4 lần người bình thường nhưng gần 10 năm nay ngôi nhà cấp 4 mà vợ chồng bà Hoa chắt chiu xây dựng vẫn chỉ dừng lại ở phần thô. Trong nhà, hầu như chưa có vật dụng gì đáng giá. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoa cho biết: “ Sống cực khổ, tằn tiện từng đồng với mục đích duy nhất là nuôi con ăn học nhưng nếu không có những đồng vốn nghĩa tình từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng thì vợ chồng tôi có cố gắng mấy cũng không đủ chu cấp cho cả một đàn con đi học”. Hiện bà Hoa đang được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng cho vay gần 115 triệu đồng, trong đó 94,6 triệu đồng từ nguồn vốn vay học sinh, sinh viên và 20 triệu đồng vốn vay hộ nghèo.

Nhờ vay vốn ưu đãi để thu mua nguyên liệu nên xã viên HTX chổi đót Văn Phong yên tâm sản xuất

Năm 2008, khi người con đầu của bà Hoa đang học năm cuối trường Cao đẳng mầm non Quy Nhơn thì Trần Thị Oanh (con gái thứ 2) có giấy báo trúng tuyển Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Cầm giấy báo trúng tuyển của con mà vợ chồng bà Hoa lo hơn mừng vì 2 năm nuôi cô chị học cao đẳng (lúc này chưa có chương trình cho vay HSSV) gia đình đã thấy khó khăn nay thêm cô em học đại học nữa thì tiền đâu để trang trải. Đang lúc khó khăn nhất, chưa biết xoay xở thế nào thì bà Hoa được biết thông qua hệ thống ngân hàng CSXH, Nhà nước có chủ trương cho con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đột xuất với lãi suất ưu đãi để theo học các trường cao đẳng, đại học. Với suất học của Oanh, trung bình mỗi năm bà Hoa được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng cho vay 8,6 triệu đồng và đều đặn 4 năm như vậy để nuôi Oanh ăn học. Không dừng lại ở đó, lần lượt 2 người con tiếp theo của bà Hoa là Trần Thị Hải Yến (1990) và Trần Ngọc Thắng (1992) thi đỗ vào các trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Đà Nẵng đều được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng giải quyết cho vay để theo đuổi ước mơ giảng đường. Hiện Oanh đã ra trường đi làm, Yến đang học năm thứ 4, Thắng học năm thứ 3. Tất cả đều chăm ngoan, học giỏi, năm nào cũng có học bổng để có thêm tiền trang trải cho việc học tập. Với bà Hoa, hàng tháng ngoài việc gửi tiền vào nuôi Yến và Thắng ăn học, vợ chồng bà còn phải chắt chiu dành dụm để có số tiền 700 ngàn đồng/tháng nhằm tự nguyện trả lãi cho ngân hàng. Bà Hoa cho biết: “Nhờ có chính sách ưu đãi của nhà nước, các con tôi mới có thể ăn học nên người nên dù kinh tế của gia đình đang còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn chấp hành đúng nguyên tắc, tự nguyện trả lãi đầy đủ, đúng thời gian quy định của ngân hàng. Sau này đến kỳ hạn trả gốc, chúng tôi cũng sẽ thanh toán đầy đủ vì còn nhiều gia đình cần đến nguồn vốn này để cho con đi học, đó cũng là cách để chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình với Đảng, với Nhà nước”. Đến nay, ngoài nguồn vốn giải ngân trên 85 tỷ đồng từ chương trình cho vay HSSV, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng còn giải ngân trên 64 tỷ đồng vốn vay cho đối tượng hộ nghèo, gần 11 tỷ đồng vốn vay giải quyết việc làm, trên 34 tỷ đồng vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường… Đặc biệt, năm 2012 NHCSXH Hải Lăng đã giải quyết cho một số hộ dân ở làng nghề chổi đót Văn Phong (xã Hải Chánh) vay 200 triệu đồng để đầu tư thu mua nguyên liệu ngay từ đầu vụ. Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, xã viên HTX Văn Phong, nhờ được vay 20 triệu đồng/hộ ở NHCSXH mà chị đã có thêm một khoản tiền để kịp thời thu mua nguyên liệu đót dự trữ cho việc sản xuất cả năm ngay từ đầu vụ với giá 24 triệu đồng/tấn chứ nếu để đến cuối vụ giá đót ở mức 30 – 35 triệu đồng/tấn. Mặc dù số tiền được vay vẫn còn ít so với nhu cầu của chị cũng như các xã viên khác nhưng gần 20 năm làm nghề chổi đót, đây là lần đầu tiên chị được nhà nước cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để thu mua nguyên liệu, nguồn vốn lại được giải ngân kịp thời vụ, đúng lúc người dân cần vốn nhất nên xã viên HTX Văn Phong rất vui mừng, phần khởi. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Pháp, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng cho biết: “ Nhờ bám sát các chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch nguồn vốn và phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn đến từng thôn. Trên cơ sở nhu cầu vốn thực tế của từng địa phương và cân đối chỉ tiêu được phân bổ, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện phân bổ cho các xã, thị trấn, ưu tiên nguồn vốn cho các xã có nhiều đối tượng chưa được vay vốn, các xã nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và cho vay phát triển các làng nghề truyền thống theo đề án của huyện… Vì vậy bên cạnh sự tăng trưởng về tín dụng thì chất lượng tín dụng như xử lý nợ xấu, nợ quá hạn, lãi đọng cũng đạt những kết quả tốt, với tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn trên 211 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 1,137 tỷ đồng, chiếm 0,54%, (giảm 136 triệu đồng so với năm 2011)”. Bài, ảnh: LÂM THANH