(QT) - Sau 34 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Riêng trong năm 2019 tổng kinh ngạch xuất, nhập khẩu đạt 517 tỉ USD, trở thành một trong những nước ở Đông Nam Á có tỉ trọng xuất, nhập khẩu lớn. Đóng góp vào sự thành công đó ngoài yếu tố kiến tạo của Nhà nước, Chính phủ, phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.
Có thể nói chính sự năng động của các doanh nghiệp đã làm nên diện mạo của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, làm nên không khí sôi động trong nền kinh tế thị trường với nhiều hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước ta khi làm ra nhiều sản phẩm có giá trị để xuất khẩu ra thị trường thế giới, hoặc đem nguồn vốn của mình đầu tư ra nước ngoài (như Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần sữa Vinamilk...). Chính các doanh nghiệp này đã làm cho nhiều người biết tới Việt Nam với sự trân trọng, ngưỡng mộ. Hiện nay có một số doanh nhân, doanh nghiệp nước ta được vinh danh, xếp hạng và đã có những tỉ phú đô la như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương...
Thấy được vai trò, vị trí to lớn của doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước nên Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật thông thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; các bộ, ngành, địa phương cũng đã dỡ bỏ nhiều rào cản, mở rộng, tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự cầu thị của mình đã nhiều lần tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và liền sau đó sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách làm sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Tuy vậy vẫn có không ít cá nhân, nhất là một số người làm trong bộ máy nhà nước có những việc làm gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp như vòi tiền, tham nhũng, tăng cường kiểm tra, gây khó khăn... nhằm moi tiền của các doanh nghiệp. Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện về một cán bộ Hải quan TP. Hồ Chí Minh lợi dụng nhiệm vụ được giao là kiểm tra các container hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp trước khi thông quan để dọa dẫm, gợi ý, ép buộc các chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ hải quan phải thỏa thuận chi tiền để hàng hóa không bị kiểm tra. Qua khám xét nhà của cán bộ Hải quan này, cơ quan chức năng đã thu giữ được 64 phong bì và giấy gói tiền chứa tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền mà đối tượng nhận của các doanh nghiệp chỉ trong vài ngày chưa kịp cất giấu. Đây là việc làm sai trái nhưng không hiểu vì sao đơn vị chủ quản của cán bộ Hải quan không phát hiện để xử lí?
Thêm một câu chuyện khác năm 2018 có 10 cán bộ Hải quan TP. Hải Phòng cũng bị kỉ luật liên quan đến vụ “ăn tiền” của doanh nghiệp. Qua đó cho thấy doanh nghiệp phải khó khăn như thế nào khi qua cửa ải của các ngành chức năng. Rất nhiều doanh nghiệp phải bôi trơn khi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên số liệu 55% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức cho bộ máy công chức, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp phải trả chi phí “bôi trơn” chiếm 10% doanh thu.
Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Chỉ thị 20/2017 của Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp một năm phải tiếp 5-6 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, không vi phạm pháp luật nhưng cũng bị kiểm tra nhiều lần. Báo Quảng Trị đã từng phản ánh một doanh nghiệp trên địa bàn trong vòng một năm đón tiếp hơn chục đoàn kiểm tra, vừa mất tiền, vừa mất thời gian, không để cho doanh nghiệp yên tâm suy nghĩ tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã hàng hóa, tăng tính cạnh tranh...
Mặt khác khi làm các thủ tục để vay vốn, hoặc miễn giảm thuế, hoàn thuế, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Đó là chưa nói tới sự thay đổi cơ chế chính sách, thay đổi cá nhân lãnh đạo cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Trong lần gặp với doanh nghiệp mới đây (ngày 23/12/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp phải luôn thường trực trong đầu, sổ tay hành động của chính quyền, tránh bệnh thờ ơ và chấm dứt tình trạng cán bộ công quyền hù dọa doanh nghiệp”. Mặt khác Thủ tướng cũng yêu cầu: “Doanh nghiệp chủ động đổi mới, không được đưa hối lộ và chống tham nhũng vặt”.
Gây khó khăn cho doanh nghiệp chính là làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người dân. Việc loại bỏ các thế lực cản trở, để các doanh nghiệp được phát triển trong môi trường lành mạnh, sẽ đóng góp vào sự phát triển của đất nước và cuộc sống ấm no của người dân...
Phước An