Không bảo hộ, điện ảnh nội sẽ… chết!
(TT&VH) - Theo PGS - TS Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, trong năm 2009, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp hơn với các điều ước Việt Nam đã cam kết sau khi gia nhập WTO. Theo đó, phim nước ngoài sẽ vào Việt Nam tự do, chứ không bị hạn chế bởi quy định sản xuất 1 phim - nhập 2 phim như hiện nay. Như vậy, phim Việt sẽ nằm trong tình thế buộc phải đối chọi với phim ngoại… Và vấn đề đặt ra, liệu Việt Nam có một thị trường điện ảnh đúng nghĩa?

Không bảo hộ, điện ảnh nội sẽ… chết!

(TT&VH) - Theo PGS - TS Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, trong năm 2009, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp hơn với các điều ước Việt Nam đã cam kết sau khi gia nhập WTO. Theo đó, phim nước ngoài sẽ vào Việt Nam tự do, chứ không bị hạn chế bởi quy định sản xuất 1 phim - nhập 2 phim như hiện nay. Như vậy, phim Việt sẽ nằm trong tình thế buộc phải đối chọi với phim ngoại… Và vấn đề đặt ra, liệu Việt Nam có một thị trường điện ảnh đúng nghĩa?

Đó cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm Điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế nằm trong khuôn khổ giải thưởng Cánh diều 2008 do Hội Điện ảnh VN tổ chức tại Hà Nội hôm qua (27/2) quan tâm.

TT&VH ghi lại một số ý kiến tại cuộc tọa đàm này.

*Cần tăng thuế nhập với phim ngoại

NSƯT - đạo diễn Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho rằng: “Để có thị trường điện ảnh thì cần có rạp chiếu phim. Tôi xin lấy ví dụ, ở TP HCM, chỉ có khoảng 100 phòng chiếu với số cụm rạp khiêm tốn không quá 10… Trong khi đó, ở Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc… số lượng rạp chiếu lên đến con số hang nghìn. Phim làm ra, muốn thu hồi vốn để có thể đầu tư tái sản xuất buộc phải nhờ vào rạp chiếu. Phim Việt không thể chỉ trông chờ vào mùa phim Tết mà phải được chiếu quanh năm để cạnh tranh với phim ngoại. Hơn nữa, vấn đề còn nằm ở cơ chế và chính sách thuế đối với phim nước ngoài. Chính phủ cần tăng thuế nhập với phim ngoại, đánh thuế vào chính những tấm vé… để từ đó điều tiết nguồn đầu tư cho việc sản xuất phim ở trong nước…”.

Ảnh minh họa

* Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Nếu không có chiến lược bảo hộ, điện ảnh nội sẽ… chết!

“Việt Nam có thị trường điện ảnh không? Không! Thị trường điện ảnh là gì? Đó là chợ để bán phim, là liên hoan phim. Nhưng bạn biết đấy, theo thống kê, cả nước mới chỉ có khoảng 100 rạp chiếu, cụm rạp đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không tới 10. Một món hàng không có chợ thì không thể được làm ra. Hơn nữa, người tiêu thụ nó - khán giả - hiện nay ở mức độ thấp và chưa có thói quen thưởng thức điện ảnh. Còn chăng, thị trường điện ảnh hiện nay chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM.

Để có một thị trường điện ảnh, theo tôi, ngoài phát triển rạp chiếu, nên chăng nhập phim phải kèm theo thuế cao để lấy nguồn đầu tư phát triển điện ảnh trong nước. Nếu phim ngoại vào Việt Nam không hạn chế số lượng, mà chính phủ không có chiến lược bảo vệ điện ảnh trong nước thì điện ảnh nội sẽ… chết!”

Điện ảnh là một ngành kinh doanh nhiều rủi ro

Bà Đinh Thị Thanh Hương - đại diện Hãng Thiên Ngân cho biết: “Những năm gần đây, Thiên Ngân là đơn vị sản xuất một số phim có khán giả: Những cô gái chân dài, 2 trong 1, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết… Thông qua việc phát hành những bộ phim nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi có thể nắm bắt thị trường và rút ra được khán giả cần gì.

Có 3 loại sản phẩm điện ảnh: phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu và đầu tư nghệ thuật để tham dự các lien hoan phim… Thực sự, kinh doanh điện ảnh hiện nay là một ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Vì thế, Thiên Ngân mới chỉ dám đầu tư sản xuất phim phục vụ khán giả trong nước mà chưa dám tính tới chuyện làm phim bán ra nước ngoài hay hướng tới các liên hoan phim quốc tế… Một khi đã xác định phim là sản phẩm kinh doanh, chúng tôi sẽ bắt tay làm việc với đạo diễn từ khâu kịch bản chứ chưa bao giờ dùng được một kịch bản có sẵn. Nhiều người cho rằng, phim phải được quảng cáo, tiếp thị rầm rộ mới đến được với khán giả. Thực tế, quảng cáo là quan trọng, song sản phẩm mới là quan trọng nhất! Có ý kiến để phát hành phim cần có rạp chiếu. Theo tôi nghĩ, rạp cần phim, chứ không phải phim cần rạp. Nếu bộ phim được khán giả đón nhận, chắc chắn các rạp chiếu sẽ tự tìm đến.

Nếu muốn kiếm tiền đừng kinh doanh phim ảnh

Ông Gerry Herman (người Mỹ) - Chủ nhiệm CLB Điện ảnh (22A Hai Bà Trưng, HN): “Tôi không muốn đề cập đến thị trường điện ảnh trong nước của các bạn vì tôi không nắm rõ lĩnh vực này. Nhưng phải khẳng định rằng, phim Việt có một thị trường quốc tế rất lớn… Tôi rất quan tâm tới ý kiến của một đại biểu cho rằng, nếu muốn kiếm tiền thì hãy đi buôn bất động sản, chứ đừng kinh doanh phim ảnh. Vì thế câu hỏi đặt ra: VN có cần phát triển một nền công nghiệp điện ảnh không? Nếu không có nền công nghiệp này thì mọi việc vô cùng đơn giản: không phải tiêu tốn thật nhiều tiền cho việc làm phim. Nhưng ngược lại, nếu có một nền công nghiệp điện ảnh, Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh ra thế giới.

Tôi lấy ví dụ về Thái Lan. Bộ phim Quan tài đỏ đã thu hút hàng triệu du khách đến Phuket và mang về hàng trăm triệu USD mỗi năm cho ngành du lịch… Nếu VN quyết định phát triển ngành công nghiệp điện ảnh thì rất nhiều khâu còn yếu phải củng cố mà theo tôi đó là: cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ điện ảnh…”.

Thu Hằng (lược ghi)