10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X): Lĩnh vực “tam nông” đã đạt được những thành tựu quan trọng
(QT) - Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tỉnh Quảng Trị đã áp dụng hiệu quả vào thực tiễn địa phương, tạo bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất, đời sống, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới với những đột phá mang dấu ấn.

10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X): Lĩnh vực “tam nông” đã đạt được những thành tựu quan trọng

(QT) - Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tỉnh Quảng Trị đã áp dụng hiệu quả vào thực tiễn địa phương, tạo bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất, đời sống, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới với những đột phá mang dấu ấn.

Tái cơ cấu nông nghiệp có chiều sâu tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thương hiệu cao

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Nghị quyết (NQ) 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X) ra đời vào năm 2008 là một NQ quan trọng. Để NQ 26- NQ/TW đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU ngày 31/12/2008; HĐND tỉnh ban hành các NQ chuyên đề về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các NQ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI cũng khẳng định tiếp tục thực hiện hiệu quả NQ 26-NQ/TW. Sau 10 năm triển khai thực hiện NQ 26-NQ/ TW với sự sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu quan trọng làm cơ sở cho quá trình phát triển tiếp theo.

Ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa việc thực hiện NQ, xây dựng các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao...phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, trong đó tập trung định hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi sinh kế cho người dân. Điểm nhấn quan trọng là tỉnh đã xác định bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh gồm “sáu cây, hai con” cho giai đoạn 2017-2010 có định hướng đến 2025 (gồm hồ tiêu, cà phê chè, cao su, gỗ nguyên liệu, cây dược liệu, cây lúa và con bò, con tôm) gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Đến nay, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hộ nông dân thực hiện được 1.700 mô hình sản xuất đạt chất lượng, trong đó có nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trồng các loại rau ở Hải Lăng, Hướng Hóa, Vĩnh Linh; áp dụng phương pháp sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ tạo nên các thương hiệu như “Gạo sạch Triệu Phong”, “Gạo hữu cơ Quảng Trị ”, vườn tiêu hữu cơ ở Vĩnh Linh. Đã hình thành các khu sản xuất tập trung, chuyên canh như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu... Hiện hồ tiêu Quảng Trị đã xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Pháp, xuất khẩu tinh bột sắn qua thị trường Trung Quốc, xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh, gạo hữu cơ Quảng Trị có mặt trên thị trường trong nước.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới được hơn 7.000 ha rừng tập trung. Với diện tích hiện có hơn 22.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ, Quảng Trị trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển rừng FSC. Đặc biệt với gỗ từ rừng trồng FSC được thị trường mua cao hơn gỗ bình thường từ 30 đến 40% nên người trồng rừng giải quyết được việc làm, có thu nhập cao. Ngoài ra, trung bình mỗi năm khai thác khoảng 6.000 ha gỗ rừng trồng, từng bước thay đổi biện pháp thâm canh rừng từ trồng rừng cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững; hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì thực trạng phát triển “tam nông” ở Quảng Trị chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, tỉnh Quảng Trị cần chủ động tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy nhanh cơ cấu ngành Nông nghiệp với 3 trụ cột chính. Một là, ứng dụng KHCN, đặc biệt là công nghệ hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa. Hai là thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, doanh nghiệp là hạt nhân liên kết với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng KHCN trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với hình thành thương hiệu, mở rộng thị trường và bảo vệ môi trường. Ba là tạo ra môi trường minh bạch, thuận lợi, năng lực cạnh tranh cao, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn .

Thực hiện đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, từng bước sắp xếp chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển. Những năm qua, việc khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản đạt được những kết quả quan trọng. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản bình quân hằng năm đạt từ 18.000 đến 19.000 tấn trong giai đoạn 2008-2017. Trang thiết bị, ngư lưới cụ ngày càng hiện đại, đồng bộ, góp phần tăng nhanh sản lượng khai thác. Có nhiều nghề khai thác mới có hiệu quả được du nhập và phát triển như rê khơi, rê hỗn hợp, vây ánh sáng, lưới chụp.Tổng số tàu thuyền toàn tỉnh tính đến nay là 2.314 chiếc, với tổng công suất 119.405 CV. Đặc biệt là đội tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ và composit 25 chiếc được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ hoạt động hiệu quả. Địa phương đã hình thành một số vùng nuôi tôm công nghiệp ven bờ sông Bến Hải, sông Hiếu và vùng cát ven biển ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 7.810 tấn, tăng 4.480 tấn so với năm 2008.

Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phòng, tránh thiên tai. Về thủy lợi đã kiên cố hoá được gần 1.200/2.125 km kênh mương. Nhờ đó, năng lực tưới được tăng lên, nâng diện tích tưới tiêu chủ động từ 70% lên trên 80% diện tích đất canh tác 2 vụ. Các công trình đầu mối thủy lợi được nâng cấp đảm bảo an toàn công trình hồ đập. Toàn tỉnh có 131 hồ chứa, 204 đập dâng, 144 trạm bơm và 25 công trình thủy lợi khác, trong đó nhiều công trình ứng dụng công nghệ mới, chất lượng cao.

Nguồn vốn thực hiện phát triển giao thông nông thôn 10 năm đạt hơn 1.919 tỷ đồng. Đã có hơn 751 km đường huyện được cứng hóa (đạt hơn 62%), hơn 529 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa (đạt hơn 60%), hơn 1.420 km đường trục thôn, bản và đường liên thôn được cứng hóa (đạt hơn 65%), hơn 1.036 km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa ( đạt 77%), 464 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa (đạt hơn 32%)…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được những kết quả nổi bật. Toàn tỉnh hiện có 41/117 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 35,04% số xã của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay đã huy động được tổng kinh phí hơn 8.752 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 38.157 tỷ đồng. Nhờ vậy, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập của người dân nông thôn hiện tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 11,2 triệu đồng/người đến cuối năm 2017 đạt gần 40 triệu đồng/ người).

Trần Tú Linh