Chị cũng chẳng giàu có hơn ai nhưng tấm lòng luôn chứa chan tình yêu thương, khát khao chia sẻ, chắp cánh ước mơ vươn lên cho những mảnh đời còn nhiều thiệt thòi. Đó là chị Trần Thị An ở thôn Phổ Lại (Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị). Lúc còn nhỏ, chị An ước mơ trở thành cô giáo. Vì ước mơ đó, chị đã nỗ lực phấn đấu, rồi ước mơ đã trở thành hiện thực. Làm một cô giáo, chị rất tâm huyết với nghề, cống hiến hết sức lực của mình.
Đứng trên bục giảng được một thời gian, sức khỏe ngày một yếu hẳn, không cho phép chị tiếp tục gắn bó với nghề. Cuộc sống của gia đình chị bắt đầu bước vào thời kỳ khó khăn. Tất cả mọi chi tiêu hằng ngày của một gia đình 8 người đều do chồng chị, anh Lê Văn Cần cũng là một giáo viên lo toan. Thương chồng, thương con và thương chính mình, chị không đành cam chịu như vậy. Cuối cùng chị bàn với chồng vay mượn một ít tiền để mở một sạp quần áo nhỏ bán ở chợ Đông Hà. Thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, các con chị tự bảo ban nhau phải học cho giỏi để động viên ba mẹ. Suốt 12 năm học, các con chị luôn là học sinh xuất sắc, rồi đạt nhiều giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi do tỉnh, quốc gia tổ chức. Ngày vui nhất của gia đình chị là con trai đầu Lê Trần Hoàng thi đỗ trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Rồi 4 em còn lại cũng lần lượt bước chân vào giảng đường đại học. Bao nỗi vất vả đè lên trên đôi vai nhỏ bé của vợ chồng chị, nhưng khó khăn mấy anh chị cũng cắn răng vượt qua, chỉ mong các con mình chăm học, ngoan hiền là chị vui. Rồi lần lượt các con ra trường và ổn định công tác. Con trai đầu Lê Trần Hoàng đã thành lập Công ty TNHH Bảo An chuyên cung cấp máy tính và các thiết bị, Lê Thị Thục Nha đang công tác tại Công ty Phát triển phần mềm Piramid, Lê Trần Bảo đang làm việc tại Công ty dầu khí Việt Nam, Lê Thị Thục Uyên đang công tác tại Ngân hàng ACB. Còn Lê Trần Hòa đang phụ trách phần mềm cho Công ty Bảo An. Lúc còn sống, anh Lê Văn Cần (mất do tai biến mạch máu não năm 2003) có tâm nguyện cùng với chị giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Em Hoàng Thị Đông Sương có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ba mẹ mất lúc Sương còn nhỏ, phải nhờ sự cưu mang của gia đình ông Hoàng Kỷ (đã 70 tuổi) cũng nghèo khổ ở thôn Phổ Lại. Thế là năm 2003, chị nhận đỡ đầu Sương cho đến bây giờ (đang học lớp 8), trang bị cho em những vật dụng cần thiết và những thứ mà em thiếu thốn, động viên em yên tâm học tập. Năm 2007, chị lại tiếp tục nhận đỡ đầu cháu Phạm Thị Hạnh (thôn Trúc Kinh) lúc đó mới học lớp 2, nhà chỉ có hai bà cháu sống nương tựa vào nhau. “Lúc trước con muốn như các bạn được đi học, nhưng gia đình khó khăn, con định bỏ học. Nếu không có sự giúp đỡ của mẹ An, chắc con sẽ không thể đi học được như bây giờ. Con sẽ cố gắng học tốt để không phụ lòng mẹ An và những người đã giúp đỡ con”, những giọt nước mắt biết ơn chảy dài trên má Sương. Cứ đến đầu năm học, hai em ghi tất cả những khoản học phí ở trường, các dụng cụ học tập, áo quần, sách vở... vào một mảnh giấy để chị An mua sắm. Đến Tết, chị mua áo ấm, đồ dùng cho các em. Nhìn thấy những khuôn mặt háo hức khi có áo quần mới, sách vở mới, chị An cảm thấy ấm lòng. Không chỉ dừng lại ở đó, tháng 11 năm nay, chị An lại dang rộng vòng tay yêu thương, nhận giúp đỡ em Hoàng Thị Lệ (lớp 1, trường Lê Văn Tám), mẹ bị bệnh tâm thần, không biết mặt cha như thế nào, phải sống vào sự cưu mang của bà ngoại già yếu. Cũng giống như mẹ mình, các con chị cũng muốn góp một phần công sức để giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm học 2008-2009, các con chị đã gửi một chiếc máy tính tặng trường Chế Lan Viên; nhận 5 em ở quê vào làm việc tại Công ty Bảo An, đào tạo những kiến thức cơ bản về máy tính để các em làm việc tốt hơn. Khi nói về gia đình chị An, ông Nguyễn Đức Tảo, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cam An, xúc động bày tỏ: “Gia đình chị An là một tấm gương sáng về nuôi dạy con cái học hành thành tài. Đặc biệt tấm lòng cao cả của gia đình chị An đã giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, nâng bước các em đến trường".
NGUYỄN MINH ĐỨC