Xử lý nước thải, mối quan tâm của các doanh nghiệp chế biến cao su
(QT) - Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp&PTNT, tính đến cuối năm 2011, tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 16.229 ha, trong đó có 10.323 ha là cao su tiểu điền, số còn lại do Công ty cao su Quảng Trị và Công ty CPNS Tân Lâm quản lý. Cùng với diện tích cây cao su ngày càng tăng, hoạt động sản xuất, chế biến mủ cao su cũng phát triển có quy mô hơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, chế biến mủ cao su. Hoạt động của các cơ sở chế biến mủ cao su đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên lượng nước thải từ các cơ sở chế biến mủ cao su chưa được xử lý triệt để là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Nước thải chế biến mủ cao su được hình thành chủ yếu từ các công đoạn khuấy trộn, làm đông, gia công cơ học và nước rửa máy móc, bồn chứa. Nước thải từ nhà máy chế biến cao su có độ nhiễm bẩn rất cao, gây ô nhiễm môi trường đến khu dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân trong khu vực. Mùi hôi thối độc hại, hóa chất sử dụng cho công nghệ chế biến cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và sự phát triển của động, thực vật trong khu vực.
 |
Cây trồng lên xanh ngay bên nhà máy gỗ MDF- Khu công nghiệp Nam Đông Hà. |
Mặc dù thời gian qua, các DN chế biến mủ cao su đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư công nghệ xử lý nước thải nhưng phần lớn các DN đều chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Biểu hiện cụ thể và khá phổ biến là chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hiểm; thực hiện chưa đầy đủ các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác theo nội dung báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt; không làm đầy đủ báo cáo tác động môi trường khi nâng cấp công suất các nhà máy; một số nơi nước thải qua xử lý chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó là những tác động khác như tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi thối...đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sức khỏe của người dân. Thậm chí có DN còn dùng nước thải xử lý chưa triệt để để tưới cho cây làm phát tán ra môi trường xung quanh những chất độc hại...Những vi phạm trên đã được các cơ quan chức năng như Thanh tra Bộ TN-MT, Thanh tra Sở TN-MT, Cảnh sát Môi trường Quảng Trị kiểm tra lập biên bản vi phạm và xử phạt nghiêm khắc. Một số đơn vị vi phạm nhiều nội dung trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã bị đưa vào danh sách các đơn vị gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Qua thực tiễn hoạt động, các DN đều nhận thức rằng muốn phát triển sản xuất ổn định, lâu dài cần phải có các biện pháp bảo vệ môi trường. Vì vậy cùng với hoạt động sản xuất- kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã có những nỗ lực trong việc xây dựng, lắp đặt các phương tiện, thiết bị và thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm có nhà máy chế biến cà phê (Hướng Hóa) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ chế biến cà phê ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng phương pháp hồi lưu nước chế biến để giảm mức nước sạch tiêu thụ trên mỗi tấn quả tươi, tái sử dụng các chất thải, dùng vỏ cà phê thóc để đốt lò sấy, làm phân hữu cơ từ vỏ cà phê tươi. Qua kết quả quan trắc các chỉ tiêu phát thải ra môi trường đều đạt và thấp hơn mức cho phép theo quy định của Nhà nước. Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Quacert cấp chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001- 2004, 5 năm liền được tổ chức quốc tế UTZ cấp chứng nhận sản xuất cà phê có trách nhiệm, an toàn, bền vững theo bộ nguyên tắc UTZ Kapeh, được Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam chọn làm mô hình điểm về sản xuất cà phê an toàn, bền vững. Nhà máy chế biến cao su của Công ty cao su Quảng Trị đóng trên địa bàn huyện Gio Linh đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt từ khi nâng công suất của nhà máy lên 9.000 tấn/năm thì hệ thống xử lý chất thải đã quá tải, việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất đã không còn đáp ứng nên gây ô nhiễm về nguồn nước và không khí, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng. Do đó, công ty cũng đã đầu tư hơn 9 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải cũ. Hệ thống xử lý nước thải này có công suất xử lý khoảng 1.500m 3 khối nước/ngày đêm. Toàn bộ hệ thống được thiết kế và điều khiển hoàn toàn tự động. Đây là hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ của Mỹ và cũng là dự án xử lý môi trường hiện đại nhất được áp dụng ở miền Trung. Công ty xây dựng thêm 5 hồ mới với tổng công suất xử lý 1.500 khối nước thải/ ngày đêm. Xung quanh các hồ chứa được lát đá để chống thấm. Đáy hồ được gia cố bằng vật liệu nhựa HDPE. Riêng trên mặt hồ chứa có nắp đậy bao phủ để thu gom khí và chống mùi hôi bốc ra xung quanh. Với hệ thống xử lý này, khí thải ra môi trường tự nhiên, nước thải đạt tiêu chuẩn loại B (tiêu chí cho phép). Mặc dù vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xử lý nước thải, chất thải đã được các DN chế biến cao su trên địa bàn quan tâm nhưng trên thực tế cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về môi trường, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc di dời, khắc phục ô nhiễm môi trường và điều quan trọng là phải đẩy nhanh công tác quy hoạch ngành, vùng một cách hợp. Tư vấn cho các DN lựa chọn công nghệ phù hợp với quy trình sản xuất của DN. Bởi quá trình tìm kiếm công nghệ xử lý chất thải của các nhà máy không phải đơn giản. Phần lớn các nhà máy sản xuất chế biến trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn kinh phí hạn hẹp, quá trình sản xuất chỉ mang tính thời vụ, trong khi chi phí để đầu tư một hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện không phải là nhỏ. Những khó khăn trong quá trình tìm kiếm công nghệ xử lý chất thải cũng như tiềm lực tài chính luôn tạo ra áp lực cho các DN. Tuy nhiên, không thể nêu lý do để trì hoãn việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Bởi nếu có đảm bảo được yếu tố môi trường trong quá trình hoạt động thì việc sản xuất chế biến của đơn vị mới đảm bảo được tính bền vững. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA