(QT) - Luật Đất đai năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003. Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003, đã đạt được nhiều kết quả như: Chính sách, pháp luật đất đai từng bước được hoàn thiện, được phổ cập trên toàn mặt bằng xã hội, ý thức pháp luật về đất đai của xã hội được nâng cao so với trước đây, đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội; khắc phục được nhiều bất cập về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; đổi mới công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai,... Tuy nhiên, với đà phát triển kinh tế hiện nay, Luật Đất đai 2003 cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, điều này đã làm gia tăng các khiếu nại, tố cáo về đất đai. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo với 830.855 vụ việc; đã xử lý 583.673 đơn khiếu nại và 89.317 đơn tố cáo. Nội dung khiếu nại của công dân tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%), trong đó tập trung nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì thế, khi lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này cần đánh giá những vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ quy định trong Luật Đất đai 2003 để làm rõ hơn trong việc góp ý dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này: - Khái niệm thu hồi đất tại Khoản 5 Điều 4 Luật Đất đai 2003 (K5 Đ4 LĐĐ 2003) chưa hợp lý. Vì thu hồi đất là khái niệm chung, có thể thu hồi đất trong giao dịch dân sự thì lại khác. UBND xã, phường, thị trấn cũng là tổ chức, ... cho nên có sự rườm rà, chồng chéo mà không bao quát hết đối tượng. Vì vậy cần chỉ rõ phạm vi ở đây là muốn đề cập đến vấn đề Nhà nước thu hồi đất. Nay dự thảo Luật quy định tại K12 Đ3 “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước ban hành Quyết định để thu lại đất của người đang sử dụng, người được giao quản lý”. - Khái niệm về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại K6 Đ4 LĐĐ 2003 chưa bao quát, hợp lý, chưa đúng. Bởi vì có những trường hợp Nhà nước giao không thu tiền cho hộ gia đình, cá nhân. Nhưng khi Nhà nước thu hồi vẫn phải bồi thường như giao đất nông nghiệp, ... Nay dự thảo Luật quy định tại K13 Đ3 “Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả cho người có đất bị thu hồi những thiệt hại về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất do việc thu hồi đất gây ra”. - Khái niệm hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại K7 Đ4 LĐĐ 2003 quá chi tiết mà vẫn chưa bao quát hết phạm vi hỗ trợ, dẫn đến chưa thể hiện hết các nội dung hỗ trợ, vì trên thực tế người bị thu hồi đất cần nhiều khoản hỗ trợ theo quy định. Nay dự thảo Luật quy định tại K14 Đ3 “ Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất bị thu hồi”. - Thu hồi đất, định giá đất, quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là vấn đề rất nhạy cảm và quan trọng trong công tác bồi thường, thu hồi đất. Tuy vậy, trong LĐĐ 2003 chưa quy định quyền của Nhà nước về các lĩnh vực nói trên. Để thể hiện quyền hạn của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, nay dự thảo Luật đã được bổ sung tại điểm d, e, h K2 Đ12. - Điều 28 LĐĐ 2003 về công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa nói rõ về thời gian công bố là bao nhiêu ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt. Điều này chưa minh bạch, đã tạo điều kiện cho nhiều người có liên quan trục lợi mua đất trước khi công bố, đã gây ra sự bất bình đối với người dân trong vùng bị thu hồi đất thuộc quy hoạch. Nay dự thảo đã quy định rõ tại Đ46. - Luật Đất đai 2003 chưa quy định việc thực hiện giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây là kẻ hở để một số cán bộ điều chỉnh quy hoạch để thu hồi đất của nhân dân nhằm có lợi cho mục đích riêng. Đây là vấn đề phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị. Nay dự thảo Luật đã quy định rõ tại Đ44 và Đ193. - Điều 38 LĐĐ 2003 quy định 12 trường hợp thu hồi đất, nên không rõ và lại không bao quát hết các trường hợp, dẫn đến nhiều đơn vị trình cấp có thẩm quyền thu hồi quỹ đất rất lớn để sử dụng cho mục đích không cần thiết, không phải mục đích họat động chính của đơn vị mình. Như đơn vị LLVT sử dụng hàng trăm ha đất để trồng rừng sản xuất, Nhà nước “thu hồi đất” để cấp lại cho các đơn vị kinh doanh đã xảy ra nhiều nơi trong cả nước. Nay dự thảo đã quy định rõ từ Đ59 đến Đ64. Tuy vậy, cần sửa đổi, bổ sung một số cụm từ tại dự thảo Luật Đất đai mới như sau: +Tại K10 Đ59 cần bổ sung 3 từ “công trình cho:” và viết lại: Xây dựng công trình cho: cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, nhằm tránh sự lãng phí sử dụng quỹ đất của các đơn vị này như thực tế hiện nay. + Tại K2 Đ 60 bổ sung cụm từ “trong quy hoạch tổng thể được duyệt” như sau: Xây dựng trụ sở cơ quan được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong quy hoạch tổng thể được duyệt; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. + Bổ sung vào cuối K4 Đ60 cụm từ “trong quy hoạch tổng thể được duyệt” . Nhằm tránh các cơ quan vì muốn chọn cho mình một địa điểm đẹp mà tác động để thu hồi đất người dân xây trụ sở, công trình như thực tế nhiều nơi hiện nay. + Tại K4 Đ61 bỏ cụm từ “cho thuê đất” và thay vào đó là “Nhà nước”. Được viết lại: “Để Nhà nước thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản”. Vì các năm qua, nhiều công ty thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đang tác động nhiều cơ quan nhà nước để thu hồi hàng trăm héc ta đất của người dân nhằm thuê lại với giá rất thấp để khai thác khoáng sản như ti tan, vàng, ... thậm chí núp dưới giấy phép thăm dò. Điều này đã xáo trộn lớn đời sống sinh hoạt người dân, hủy hoại môi trường tự nhiên, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. - Tại K2 và K3 Đ39 LĐĐ 2003 chưa quy định trường hợp thu hồi đất trước thời hạn công bố công khai trong trường hợp đất không phải giải phóng mặt bằng, người dân đồng ý thỏa thuận trước nhằm sớm nhằm đẩy nhanh tiến độ, phục vụ tốt cho mục đích thu hồi. Nay dự thảo đã quy định rõ tại K1 Đ66 . - K1 và K2 Điều 44 Luật Đất đai 2003 về thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Trên thực tế hiện nay các dự án đầu tư cần thu hồi khu đất có diện tích lớn, đa số trong số này có cả đất tổ chức và đất cá nhân. Việc thẩm quyền thu hồi đất chỉ để giải phóng mặt bằng sau đó cấp đất lại ngay theo đúng thẩm quyền cấp đất. Tuy nhiên để thu hồi được khu đất này thì phải có 2 chủ thể ra quyết định thu hồi là Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện, theo đó là hệ thống các cơ quan tham mưu của 2 cấp. Điều này quá phức tạp trong lúc cả nước đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính công. Nay dự thảo đã quy định rõ tại điểm c K1 Đ65 là giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thu hồi. - Luật Đất đai 2003 thiếu quy định làm cơ sở thực hiện đo đạc, kiểm kê để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, trước khi có quyết định thu hồi đất nên khó khăn trong thực hiện nhất là đối với trường hợp người bị thu hồi đất không hợp tác để thực hiện đo đạc, kiểm đếm. Nay dự thảo đã quy định rõ tại K2 Đ66 . Th.S HOÀNG TRỌNG NHÂN