(TTO) - Làm thế nào để đưa nhạc giao hưởng Việt Nam đến với công chúng, lý luận phê bình âm nhạc hiện nay còn yếu, bức tranh âm nhạc lộn xộn... là nội dung của hơn chục báo cáo, tham luận được các đại biểu trình bày tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần VIII.
Biểu diễn hợp xướng chào mừng đại hội - Ảnh: H.Đ. |
Các nhạc sĩ trẻ khi sáng tác thường dựa nhiều vào máy tính và những dàn nhạc “ảo” nên chất lượng sáng tác ca khúc cũng vì vậy không cao như mong đợi. Mong muốn các lớp nhạc sĩ lớn tuổi, thế hệ nhạc sĩ vàng của nền âm nhạc Việt Nam hãy chỉ bảo và truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ là những gì mà nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ với đại hội.
Một vấn đề nóng khác đã có lần nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nói đến là nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc cho chính khán giả yêu nhạc thông qua các trường đào tạo giáo viên âm nhạc (Đại học Sư phạm nhạc họa trung ương, các trường âm nhạc...) thì lại không được quan tâm trong đại hội.
Mặc dù trong bản phương hướng nhiệm kỳ tới có nhắc đến việc nâng cao nhận thức về âm nhạc cho quần chúng, nhưng lại chưa nêu cụ thể sẽ triển khai thế nào, phương án triển khai ra sao khiến những đại biểu dự đại hội cảm thấy đó mới chỉ là những “định hướng” suông trên giấy. Bởi thực chất việc giáo dục và đào tạo kiến thức âm nhạc từ bậc mầm non và tiểu học phụ thuộc các trường sư phạm chuyên ngành về âm nhạc, chưa thấy sự “bắt tay” nào giữa các trường này với Hội Nhạc sĩ.
Đại biểu Trần Nguyên Hoạt (nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm nhạc họa trung ương) bày tỏ nỗi bức xúc bên hành lang đại hội: “Việc giáo dục âm nhạc trong các cấp học là rất bức thiết, nhưng trong báo cáo của đại hội không nhắc đến việc này. Nếu không thật sự coi trọng việc định hướng thẩm mỹ trong âm nhạc đối với lớp trẻ sẽ rất khó cải thiện bức tranh âm nhạc hiện tại”.
Trước đại hội, nhiều kỳ vọng được đặt ra: dọn dẹp những tác phẩm chất lượng kém, quảng bá nhiều hơn những tác phẩm âm nhạc có chất lượng cao đến với công chúng, nhưng những vấn đề nóng ấy lại chưa thật sự tạo nên sự quan tâm của các nhạc sĩ tham dự đại hội.
Nhạc sĩ Phú Quang: Không nên đổ lỗi cho công chúng “Tôi có nghe anh Đỗ Hồng Quân phát biểu rằng trong nhiệm kỳ tới sẽ mạnh tay với những thảm họa của âm nhạc Việt, nhưng lấy gì để “mạnh tay” khi bản thân hội chẳng có quyền lực gì, không có sức mạnh gì? Theo tôi, sự nhốn nháo của nhạc Việt cũng là lẽ tự nhiên và chẳng có gì đáng lo ngại, cũng không nên đổ lỗi cho công chúng hay thị trường vì theo tôi vấn đề không hoàn toàn là tiền. Mỗi năm Hội Nhạc sĩ được sử dụng đến 5 tỉ đồng, 5 tỉ ấy có thể làm được rất nhiều chương trình (trung bình mỗi chương trình khoảng 200 triệu đồng) để giới thiệu những ca khúc mới đến khán giả, cơ bản là có ca khúc hay hay không, có chỗ đứng trong lòng công chúng hay không. Nếu thật sự có hãy đưa tác phẩm ra, tôi tin là tác phẩm hay sẽ đè chết tác phẩm dở. Còn nếu có tác phẩm hay mà không đến được với khán giả cũng chẳng khác gì tác phẩm dở. Những tác phẩm có giá trị sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng, với thời gian và sự đào thải tự nhiên thì hoa sẽ mọc, cỏ dại sẽ chết thôi”. H.Đ. ghi |
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần VIII đã diễn ra tại Hà Nội ngày 8 và 9-7 với hơn 500 đại biểu tham dự. Đại hội đã bầu 17 đại biểu vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới, trong đó nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với số lượng phiếu bầu cao nhất đã tái đắc cử chức chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2010 -2015. Đại hội đã bầu ra các chức danh khác: phó chủ tịch: nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nhạc sĩ Đức Trịnh, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi. Nhạc sĩ Trọng Đài đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng nghệ thuật. |
HOÀNG ĐIỆP