Thảm kịch từ một vụ ngoại tình
(QT) - T. bước vào khu vực xử án với vẻ mặt thất thần. Có lẽ cho đến giây phút này, T. cũng không thể quên được dòng tin nhắn của vợ gửi người tình vào cái ngày định mệnh ấy: “Nếu anh T. bỏ em, thì anh có đi với em không?”. Bởi, nếu không có dòng tin nhắn này, biết đâu T. vẫn là một nông dân quê mùa, chỉ biết nhẫn nhịn và tha thứ cho người vợ ngoại tình hết lần này đến lần khác chứ không trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Trước tòa, khi chủ tọa và vị đại diện Viện kiểm sát hỏi động cơ ra tay sát hại người vợ từng đầu gối tay ấp, đã có với nhau hai mặt con, giọng T. run run: “Bị cáo đã nhiều lần tha thứ cho vợ rồi, đã tính chuyện vào miền Nam làm ăn để cách ly vợ với người đó nhưng cô ta hết lần này đến lần khác lừa dối bị cáo”.
 |
-Minh họa: N.D |
Vợ chồng T. kết hôn năm 2006, có với nhau hai con trai, đứa lớn chín tuổi, đứa nhỏ ba tuổi. Do công việc làm ăn ở quê bấp bênh nên đầu năm 2015, T. cùng một số thanh niên trong làng sang Trung Quốc tìm việc làm có thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống. Trong khoảng thời gian bốn tháng T. đi làm ăn xa, chị vợ ở nhà có quan hệ với một người đàn ông bán cá dạo. Chuyện đồn đến tai nên T. trở về nhà để hỏi cho ra lẽ, người vợ cũng thừa nhận đã ngoại tình và xin T. tha thứ. Mặc dù vẫn còn giận vợ nhưng T. đã tha thứ rồi hai vợ chồng bàn bạc đi vào Bình Dương lập nghiệp để cách ly vợ với người tình. Vào Bình Dương, T. hỏi vợ còn điều gì giấu chồng nữa không thì vợ T. khai chuyện đã có thai với người tình cũng như việc trốn chồng từ nhà mẹ đẻ ở Thanh Hóa đi thẳng vào miền Nam phá thai trước khi ra gặp T. ở Quảng Trị. Nghe vậy, T. khóc và bỏ đi xuống quán vỉa hè uống bia. Lúc T. trở về nhà nghỉ thấy vợ đang điện thoại cho ai đó thì tắt máy. T. hỏi thì vợ nói gọi điện cho bà ngoại hỏi thăm tình hình của con. T. lấy máy kiểm tra cuộc gọi thì thấy dòng tin nhắn vợ vừa gửi với nội dung: “Nếu anh T. bỏ em, thì anh có đi với em không?”. Giọt nước làm tràn ly, T. uất hận sát hại vợ rồi báo cho người nhà việc làm của mình và vượt gần ngàn cây số ra Quảng Trị giết luôn người tình của vợ. Câu chuyện tình tay ba ngang trái, hậu quả khiến hai người bị giết còn một người mang án tử. Nhưng thảm kịch này không chỉ dừng lại ở ba mạng người đó mà đang dần hiện hữu với những người còn sống. Trong phiên tòa luận tội hôm đó có mặt hai người mẹ của bị cáo và bị hại. Mẹ T. vẻ mặt già nua, chỉ biết nuốt nước mắt tủi hờn. Căn bệnh ung thư mà bà đang mang trong người dường như không đau đớn bằng căn bệnh mà con trai bà mang lại. Còn mẹ vợ T. ôm cháu ngoại trong lòng, đứng ngồi không yên “kể tội” con rể trước tòa, đòi xử thật nặng, xử đúng người, đúng tội. Nhưng cay đắng thay, mỗi lần bà đứng dậy kể tội con rể thì người dân đến theo dõi phiên tòa phản ứng dữ dội, buộc chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu lực lượng cảnh sát pháp vãn hồi trật tự. Có một người đau đớn không kém là vợ của bị hại, cô yêu cầu tòa xử đúng người, đúng tội mà giọng nghẹn ngào nước mắt. Hẳn cô sẽ không thôi ám ảnh về cái chết oan nghiệt của chồng ngay trên giường ngủ bởi nhát dao của T. và hơn thế, cô hiểu tấn bi kịch của những đứa trẻ bắt đầu từ đây. Ít ra, những đứa con của cô còn có mẹ, còn hai đứa con của bị cáo thì chẳng còn ai. Nói lời cuối cùng trước tòa, T. không cầm được nước mắt cảm ơn bà con, làng xóm đã có đơn xin giảm nhẹ án cho mình, xin lỗi các gia đình bị hại, xin lỗi mẹ già vì không làm tròn bổn phận báo hiếu của người con và xin lỗi các con vì không làm tròn trách nhiệm của người cha. Những giọt nước mắt của T. đã quá muộn màng. Bi kịch từ những ứng xử không đúng mực của người lớn lại đổ lên đầu con trẻ. Trong câu chuyện tình ngang trái này, 5 đứa con của gia đình hai bên sẽ lớn lên như thế nào với tấn bi kịch chúng đang mang? Câu chuyện bố mẹ chết vì ngoại tình có ngủ quên để tuổi thơ của chúng lớn lên yên bình như bao đứa trẻ khác? Những trăn trở đó như đè nặng lên phiên tòa. KHÁNH NGỌC