Vai trò câu lạc bộ khuyến nông trong xây dựng các mô hình kinh tế
(QT) - Công tác khuyến nông thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, dự tính dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ thâm canh của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng chân đất, cũng như đầu tư tái sản xuất đưa năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi tăng cao. Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua Hội Nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tập trung xây dựng các câu lạc bộ (CLB) khuyến nông. Đến nay toàn huyện có 18 CLB đi vào hoạt động với 720 thành viên tham gia. Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức ra mắt các CLB khuyến nông theo địa bàn dân cư, theo nghề nghiệp, theo tổ nhóm sở thích với số lượng 40 thành viên/CLB để dễ sinh hoạt và trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất.
 |
Ươm giống cây hồ tiêu ở vùng Cùa |
Thông qua các hoạt động CLB khuyến nông, Hội Nông dân huyện đã triển khai các chương trình, dự án, tập huấn KHKT, đào tạo nghề, hội thảo, trình diễn các mô hình để nông dân học tập và làm theo. Đặc biệt, để có nguồn tài liệu cho các CLB sinh hoạt, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ 1 tủ sách với 200 đầu sách các loại về KHKT và các bản tin kinh tế thị trường, dự báo dịch bệnh. Bên cạnh đó hàng tháng, các thành viên CLB tổ chức sinh hoạt trao đổi, chia sẻ cho nhau về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, từng bước hoàn chỉnh và nâng cao kiến thức canh tác theo phương pháp tiên tiến, mang tính bền vững. Qua sinh hoạt, các thành viên biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chọn cho gia đình mình sử dụng giống tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, xử lý các vấn đề trước, trong và sau khi nuôi trồng. Nhờ vậy trong những năm qua các CLB đã có những đóng góp tích cực góp phần quan trọng trong phát triển các mô hình kinh tế. Qua thực tế hoạt động đã có nhiều CLB thực sự phát huy vai trò, có hiệu quả rõ rệt, các thành viên đã hăng hái tham gia như CLB hồ tiêu ở xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành đã tích cực vận động hội viên tham gia đề án phục hồi và trồng mới hồ tiêu, qua 3 năm triển khai đã phục hồi và trồng mới 14 ha. CLB lúa, lợn, cá của xã Cam Thanh, Cam Thủy đã phát huy có hiệu quả. Từ mô hình của anh Hồ Văn Dương ở An Bình (Cam Thanh) với 6 ha lúa-cá, đến nay các thành viên trong CLB đã nhân rộng trên 60 ha, trung bình mỗi héc ta cho thu nhập từ lúa, cá đạt 50-60 triệu đồng, với mô hình này năng suất lúa tăng từ 20-25%, trong lúc đó chi phí đầu tư giảm 20-30%; CLB khuyến nông của xã Cam Thành, Cam Tuyền chuyên canh về cây lạc đi vào hoạt động tốt. Được sự hỗ trợ của các ban, ngành đã đưa vào khảo nghiệm giống lạc mới như L14, L08, L20 có kết quả, năng suất vượt trội so với giống lạc được trồng đại trà trước đây, trung bình đạt 22-28 tạ/ ha, trong đó lạc L14 cho năng suất cao và ổn định nhất; một số diện tích đạt 30 tạ/ha và được các thành viên trong CLB đưa vào sản xuất đại trà. CLB thỏ- nhím ở Tân Phú, Cam Thành hoạt động theo tổ nhóm sở thích, sinh hoạt theo định kỳ và thời vụ để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi và tìm đầu ra cho con thỏ. CLB đã thử nghiệm nhiều giống thỏ đảm bảo đạt năng suất cao, đã hình thành một vùng, một địa chỉ đáng tin cậy cung cấp thỏ thịt và thỏ giống thường xuyên cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Được hình thành và sinh hoạt theo địa bàn dân cư, theo nhóm sở thích nên một số mô hình có hiệu quả được được nhân rộng như mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò, ban đầu vài ba hộ trong CLB được hỗ trợ giống cỏ voi, cỏ VA6. Qua 1 năm giống cỏ được các thành viên CLB trồng đại trà trên các địa bàn dân cư. Không những đủ lượng cỏ cho chăn nuôi mà ngoài ra các hộ còn chuyển giao giống cỏ cho các hộ ở huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh... Việc trồng cỏ chăn nuôi bò đến nay đã trở thành tập quán sản xuất, thay cho tập quán chăn thả rông trước đây. Nhiều hộ chăn nuôi bò lai theo hình thức nuôi nhốt với số lượng lớn, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thành công đề án “Cải tạo đàn bò” của huyện. Tuy nhiên, hoạt động của một số CLB khuyến nông vẫn đang chạy theo phong trào, thiếu thường xuyên, hoạt động theo mùa vụ, thiếu chủ động trong việc cập nhật những thông tin mới về KHKT, dự báo tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường. Nội dung sinh hoạt chưa phong phú, rập khuôn, chưa tạo được không khí giao lưu sôi nổi, ít trao đổi kinh nghiệm, thiếu hấp dẫn nên chưa thu hút nhiều thành viên tham gia. Đặc biệt một số Ban Chủ nhiệm CLB không hoạt động, nhưng chậm được kiện toàn thay thế, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động CLB. Kinh phí hoạt động chủ yếu là từ đóng góp của các thành viên nên chưa đủ để trang trải cho các hoạt động của CLB. Do đó, Hội Nông dân huyện cần vận động hội viên phát huy sức mạnh nội lực, cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường trong xây dựng các mô hình kinh tế, xây dựng các trang trại, gia trại, ứng dụng tốt các thành tựu KHKT vào sản xuất, khai thác hợp lý các tiềm năng đất đai hiện có. Các cấp hội phải tăng cường hơn nữa các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, thực hiện tốt việc ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và phối hợp với Ngân hàng No&PTNT tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn, tiếp tục xây dựng quỹ Hỗ trợ nông dân để tạo nguồn vốn chủ động. Phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, nhất là dạy nghề tại chỗ cho nông dân và con em nông dân, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hóa, giúp cho nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống. Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN