Tăng cường kiểm soát thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán
(QT) - Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác diễn ra khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Để chủ động đấu tranh với các hành vi trên, đảm bảo bình ổn thị trường, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN THỊ MAI, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường về kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Qúy Tỵ 2013. - Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác diễn ra trong thời điểm cuối năm?
 |
-Đây là thời điểm mà hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật diễn ra khá phức tạp so với trước đó. Trên hai tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 9, các đối tượng buôn lậu thường tổ chức hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Trên tuyến quốc lộ 9 chủ yếu là các mặt hàng như rượu bia ngoại, thuốc lá ngoại, mỹ phẩm, thuốc tân dược, nước giải khát, đường kính, mũ bảo hiểm xe mô tô, xe máy, gỗ, động vật quý hiếm, các mặt hàng điện tử, điện lạnh. Trên tuyến Quốc lộ 1A chủ yếu là các mặt hàng như quần áo may sẵn, tiền giả, pháo các loại, thuốc nổ, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, đèn trời, tranh ảnh, băng đĩa đồi trụy, thực phẩm động vật không rõ nguồn gốc chưa qua chế biến… Trên thị trường nội địa, tình trạng lợi dụng sự biến động thất thường của giá vàng để tăng giá các mặt hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phân bón, vật liệu xây dựng, các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết như mứt, bánh kẹo, nước giải khát, đường sữa, dầu ăn, phí trông giữ xe; lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá lên cao gây bất ổn thị trường diễn ra khá phổ biến. Các cơ sở kinh doanh thường vi phạm về việc niêm yết giá các mặt hàng tiêu dùng, gian lận về đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa); vi phạm về nhãn mác hàng hóa, hàng hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng… Tình trạng này có xu hướng tăng dần vào những ngày cận kề với Tết Nguyên đán. - Trước tình trạng đó, Chi cục Quản lý thị trường đã xây dựng phương án, kế hoạch gì nhằm chủ động đấu tranh, xử lý để chấn chỉnh các hoạt động trên? - Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh, ngày 4/12/2012, Chi cục Quản lý thị trường đã có Kế hoạch số 539/KH-QLTT về tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Tỵ 2013. Trên cơ sở Kế hoạch số 539, Chi cục Quản lý thị trường đã tập trung lực lượng, xây dựng nhiều phương án nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm như trên hai tuyến giao thông quan trọng là quốc lộ 1A và quốc lộ 9, đồng thời tập trung lực lượng tiến hành kiểm tra tại thị trường nội địa, chủ yếu là địa bàn trung tâm tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, các chợ trung tâm, siêu thị, nhà ga, bến xe, các điểm tập kết, trung chuyển hàng lậu, hàng cấm, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, các mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Qua kiểm tra đã phát hiện 44 vụ vi phạm, tổng giá trị hàng hóa tịch thu và xử phạt 470.869.000 đồng, trong đó xử phạt hành chính 57.900.000 đồng, giá trị hàng hóa tịch thu 412.969.000 đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là rượu ngoại, quần áo, giày dép nhập lậu vào thị trường nội địa. Kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với 30 cơ sở kinh doanh và phát hiện xử lý 10 cơ sở vi phạm, đồng thời tiêu hủy tại chỗ 6 chai nước samurai, 72 chai mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng, 400 kg thực phẩm chưa qua chế biến không rõ nguồn gốc; kiểm tra 90 cơ sở kinh doanh mặt hàng bột ngọt, phát hiện và xử lý 10 cơ sở kinh doanh, thu giữ 270 gói bột ngọt hiệu cái muỗng nhập lậu từ Thái Lan.
 |
Lực lượng quản lý thị trường Quảng Trị tăng cường công tác, kiểm soát tại thị trường nội địa trước Tết Nguyên đán -Ảnh: L.M |
Bên cạnh đó, Chi cục thành lập đoàn kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại chợ Đông Hà và Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với hai trường hợp bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền 2.000.000 đồng, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 12 nhãn hàng hóa vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định pháp luật cho 200 hộ kinh doanh, giúp các hộ kinh doanh và người tiêu dùng nắm bắt được các quy định pháp luật về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; vận động các hộ kinh doanh không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, gian lận về đo lường, đóng gói hàng hóa… - Trong thời gian tới, dự báo thị trường mua bán hàng hóa tiếp tục sôi động. Để đảm bảo sự bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi của đơn vị sản xuất và người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường triển khai những biện pháp gì, thưa đồng chí? - Để bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi các đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chi cục Quản lý thị trường yêu cầu lực lượng bám sát Kế hoạch 539, tăng cường lực lượng, cắt cử cán bộ túc trực 24/24 giờ trên các địa bàn, lĩnh vực được phân công để thường xuyên nắm bắt và dự báo tình hình thị trường, nắm diễn biến giá cả, lượng cung cầu hàng hóa, lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý. Công tác đấu tranh chống buôn lậu được triển khai mạnh mẽ, chú trọng kiểm tra, kiểm soát trên hai tuyến quốc lộ. Phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển xăng dầu qua biên giới; ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm về nội địa; tổ chức phương án chống buôn lậu, tập trung ở địa bàn thành phố Đông Hà. Trên thị trường nội địa, tiếp tục tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm, kết hợp với công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về việc tuân thủ các hoạt động niêm yết giá, bình ổn giá; chống mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trung tâm thương mại lớn của tỉnh. Phối kết hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi lợi dụng hồ sơ bán hàng đấu giá, hóa đơn chứng từ để quay vòng, hợp pháp hóa hàng nhập lậu, gian lận thương mại và kinh doanh trái pháp luật khác, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. - Xin cảm ơn đồng chí! LÊ MINH (thực hiện)