Nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong đảm bảo an toàn thực phẩm
(QT) - Thời gian gần đây, thực trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang trở thành vấn đề đáng quan tâm, gây bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với việc đảm bảo ATTP cần được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành và toàn xã hội; phải được triển khai thành hành động cụ thể, không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP mà cần duy trì thường xuyên, nghiêm túc.

Nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong đảm bảo an toàn thực phẩm

(QT) - Thời gian gần đây, thực trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang trở thành vấn đề đáng quan tâm, gây bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với việc đảm bảo ATTP cần được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành và toàn xã hội; phải được triển khai thành hành động cụ thể, không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP mà cần duy trì thường xuyên, nghiêm túc.

Đối với các loại thực phẩm bán rong rất khó để quản lý chất lượng vệ sinh an toàn. Ảnh: PV

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước và bảo đảm ATTP được quan tâm, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn được hình thành và nhân rộng; một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Từ đó, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng thực phẩm đạt chuẩn quốc tế về ATTP, được xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng mất ATTP vẫn đang là nỗi lo lắng, bức xúc của toàn xã hội, nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi. Nguy cơ cao gây mất ATTP tập trung chủ yếu trên các loại nông sản thực phẩm chính có trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Người tiêu dùng hiện nay đang đứng trước nguy cơ sử dụng thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt giới hạn cho phép, trái cây được ngâm hóa chất độc hại… Từ những con số thống kê của ngành Y tế về tỷ lệ người mắc bệnh ung thư trong những năm gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động về sự cấp thiết phải thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng

Tại Quảng Trị, theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, trong năm 2017, toàn tỉnh tổ chức 471 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP, trong đó 406 đoàn liên ngành và 60 đoàn chuyên ngành, tiến hành kiểm tra 9.680 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có 2.481 cơ sở vi phạm, phạt tiền 243 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 279 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, không đảm bảo ATTP, sản xuất thực phẩm chưa công bố theo quy định, cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và có dấu hiệu vi phạm hành chính. Toàn tỉnh có hơn 5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bao gồm cả cơ sở nấu rượu thủ công tại hộ gia đình), tuy nhiên mới chỉ có 149 cơ sở được cấp phép và chỉ có 2 cơ sở công bố chất lượng rượu trước khi lưu thông ra thị trường. Qua các đợt kiểm tra, giám sát kiểm nghiệm của lực lượng chức năng về chất lượng rượu cho thấy 100% mẫu rượu không phát hiện có methanol, nhưng hầu hết mẫu kiểm nghiệm có chứa hàm lượng Aldehyt trong rượu vượt so với QCVN 6-3:2010/BYT. Đối với công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản, qua kết quả khảo sát tình hình sử dụng thuốc BVTV đối với khoảng 100 hộ sản xuất rau trên địa bàn tỉnh, có đến 80 hộ có sử dụng thuốc để phòng trừ sâu bệnh hại rau, trong đó có 11/100 hộ dùng không đúng thuốc. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tồn dư thuốc BVTV trên rau quả sau khi thu hoạch và dễ gây ngộ độc cho người sử dụng. Có một thực tế là số cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn vẫn còn quá ít, số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 106/187 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV chưa được cấp phép, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm soát chất lượng thuốc BVTV và ATTP. Kết quả thống kê trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm làm 109 người mắc và có 2 người tử vong. Từ thực tế trên cho thấy, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm mất vệ sinh, không đảm bảo ATTP nếu ý thức, hành vi của các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm tươi sống không thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tháng hành động vì ATTP năm 2018 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn quốc, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Mục tiêu triển khai Tháng hành động là tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng ATTP, Tháng hành động năm 2018 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn. Gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.

Để thực hiện tốt mục tiêu, triển khai có hiệu quả Tháng hành động vì ATTP năm 2018, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, doanh nghiệp, nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những kiến thức cần thiết về ATTP; khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các ngành chức năng tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện, công khai các vi phạm ATTP để cảnh báo cho cộng đồng.

Thanh Trúc