Sản xuất rau an toàn- lúng túng đầu ra
Rau là loại thực phẩm không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày của mọi người dân. Rau an toàn (rau sạch) ngày càng có nhu cầu lớn đối với người tiêu dùng. Mấy năm qua nhiều HTX trong tỉnh đã tổ chức sản xuất rau an toàn từng bước đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Điển hình như HTX Đông Thanh (Đông Hà), Nam Hồ (Vĩnh Linh), Nại Cửu (Triệu Phong) Ông Phan Văn Tường, chủ nhiệm HTX Đông Thanh cho biết, hơn 5 năm qua HTX đã tổ chức trồng rau an toàn với diện tích 2 ha, có 20 hộ xã viên tham gia. Các hộ này đã được các nhà sản xuất- dịch vụ rau an toàn Đà Nẵng tập huấn hướng dẫn về quy trình kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc tổ chức sản xuất rau của Đông Thanh diễn ra khá thuận lợi. Theo tính toán của HTX Đông Thanh thì doanh thu sản xuất rau an toàn có thể đạt 250 triệu đồng/ ha và có lãi trên 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên điều quan ngại hiện nay là quy mô diện tích sản xuất qua các năm hầu như không được mở rộng.
 |
Cơ sở sản xuất rau sạch tại HTX Đông Thanh, phương Đông Thanh, thị xã Đông Hà. Ảnh: PV |
Nguyên nhân cơ bản của hạn chế nêu trên là do việc sản xuất rau an toàn công phu hơn, đầu tư cao hơn kể cả vật tư và công lao động. Có thể hiểu rau sạch là rau được sản xuất không sử dụng hoặc sử dụng tối thiểu chất hóa học, thuốc trừ sâu và phân vô cơ. Chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh, đầu tư nhà lưới, bảo quản, xây dựng quầy tiêu thụ sản phẩm... Vì vậy giá thành của rau an toàn cao hơn rau bình thường. Do nhận thức của đa phần người tiêu dùng chưa thấy rõ tầm quan trọng của rau an toàn đối với sức khỏe, tính mạng của con người, nhìn vào thấy rau sạch, không sạch đều gần như nhau, cứ rẻ hơn là mua. Cho nên người sản xuất rau an toàn khó kh ăn trong tiêu thụ sản phẩm. HTX Đông Thanh được sự hỗ trợ của thị xã, của phường đã đầu tư xây dựng quầy bán rau an toàn ngay trong khuôn viên chợ Đông Hà nhưng không phát huy hiệu quả. Từ thực tế, để phát triển sản xuất rau an toàn nhanh hơn và bền vững, thiết nghĩ cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau đây: Đối với người sản xuất cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm một cách khoa học chặt chẽ. Tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người tiêu dùng rau. Tìm thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng tiêu thụ rau an toàn đối với các nhà hàng, khách sạn, trường học, đơn vị quân đội... Khi có điều kiện thì xây dựng các quầy hàng bán rau sạch với trang thiết bị bảo quản rau tốt nhất trong các đình chợ hoặc siêu thị. Bồi dưỡng, tập huấn, đầu tư cho người bán hàng có đủ kiến thức và kỹ năng bán hàng nhằm thêm phần hấp dẫn, thu hút người mua. Đối với Nhà nước mà trực tiếp là chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất. Các chính sách hỗ trợ nhằm vào các khâu giúp tháo gỡ khó khăn cản trở từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ kinh phí cho tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà lưới, mặt bằng nơi tiêu thụ sản phẩm, quầy bảo quản và bán sản phẩm tương xứng với yêu cầu của rau an toàn. Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ ban dầu, dần dần muốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả bền vững thì quyết định chính là ở người sản xuất. Nguyễn Văn Thịnh