Quỹ tín dụng nhân dân, kênh dẫn vốn hiệu quả cho người dân
(QT) - Thời gian qua, hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có những bước phát triển vững chắc, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc huy động nguồn vốn phục vụ thành viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhờ đồng vốn vay từ các Quỹ TDND, nhiều hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình…đã mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được thành lập từ năm 1995. Đến nay, toàn tỉnh ...

Quỹ tín dụng nhân dân, kênh dẫn vốn hiệu quả cho người dân

(QT) - Thời gian qua, hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có những bước phát triển vững chắc, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc huy động nguồn vốn phục vụ thành viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhờ đồng vốn vay từ các Quỹ TDND, nhiều hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình…đã mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được thành lập từ năm 1995. Đến nay, toàn tỉnh có 11Quỹ TDND cơ sở hoạt động trên địa bàn 35 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thành phố với tổng số thành viên tham gia là 25.117 người. Riêng tại các huyện Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông và thị xã Quảng Trị không có mô hình Quỹ TDND hoạt động. Những năm qua, bằng nhiều nỗ lực, cách làm sáng tạo, các Quỹ TDND đã tích cực huy động mọi nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất và phục vụ đời sống. Năm 2015, chênh lệch thu chi của hệ thống Quỹ TDND trong tỉnh đạt 6,2 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2016, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống Quỹ TDND trong toàn tỉnh là 623 tỷ đồng, dư nợ cho vay 649 tỷ đồng, chênh lệch thu chi đạt 2,9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 0,48%. Nhiều đơn vị hoạt động có hiệu quả như Quỹ TDND Hồ Xá, Quỹ TDND Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, địa phương có số lượng Quỹ TDND đông đảo, chiếm 5/11 đơn vị trong toàn tỉnh.

Người dân được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất

Là đơn vị có bề dày thành tích trong hoạt động, đến nay Quỹ TDND Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh có dư nợ cho vay gần 200 tỷ đồng, chênh lệch thu chi 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1,1 tỷ đồng. Để trở thành kênh dẫn vốn tin cậy của người dân, ngoài việc tạo mọi điều kiện trong thủ tục vốn vay, Quỹ TDND Hồ Xá đã áp dụng hình thức trả nợ dần theo ngày, tháng, quý đồng thời điều chỉnh lãi suất vay phù hợp với lãi suất của thị trường để người dân có cơ hội được vay vốn cũng như trả nợ một cách thuận lợi. Ngoài việc linh động, sáng tạo trong hình thức cho vay, hàng tháng, nhân viên các tổ tín dụng trực tiếp đến tận các điểm giao dịch cấp phát tiền bảo hiểm xã hội, nơi các đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp để thực hiện huy động tiền gửi hoặc thu nợ. Nhờ vậy đã phát huy tối đa việc huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân, cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trong khu vực. Trên địa bàn thành phố Đông Hà, Quỹ TDND Trường Sơn có đặc thù khác biệt so với các Quỹ TDND trong toàn tỉnh là tiền thân do Hội CCB tỉnh thành lập, đến năm 2001 thì chuyển quyền quản lý sang cho UBND phường I. Với tổng số thành viên là 2.201, trong đó có 855 cựu chiến binh, đến nay Quỹ đã huy động tiền gửi được 35 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thẩn, Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Trường Sơn, cho biết: “Hoạt động trên địa bàn thành phố với sự cạnh tranh gay gắt của nhiều ngân hàng thương mại nên đơn vị cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi tận dụng ưu thế của mình để duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng. Một trong những thuận lợi của Quỹ TDND là người dân có nhu cầu vay món nhỏ nhất từ 1-2 triệu đồng cũng được tạo điều kiện cho vay để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách như nộp viện phí, nộp học phí…”. Hoạt động của hệ thống Quỹ TDND đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. Thực tế cho thấy địa bàn nào có Quỹ TDND hoạt động thì ở đó hầu như không có nạn cho vay nặng lãi và các hình thức biến tướng của nó. Các cán bộ tín dụng đã không quản khó khăn về cơ sở để thu hút thành viên và huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân. Trong công tác cho vay, để tránh tình trạng nợ khó đòi, các Quỹ TDND đã chủ động tìm kiếm, lựa chọn khách hàng sản xuất, kinh doanh phát triển; mở rộng cho vay đối với một số doanh nghiệp, tư nhân cá thể, hộ sản xuất kinh doanh bằng hình thức thế chấp, cầm cố tài sản, cho vay đồng tài trợ. Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động, hoạt động ngân hàng nói chung gặp nhiều khó khăn, hệ thống Quỹ TDND cơ sở với quy mô, tiềm lực nhỏ cũng gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, với những ưu thế của một loại hình tín dụng đặc thù, với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng sự năng động, sáng tạo trong quản lý, điều hành, hệ thống Qũy TDND cơ sở trên địa bàn tiếp tục giữ được sự ổn định, đáp ứng kịp thời, hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bài, ảnh: THANH TRÚC