Bảo đảm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong sở hữu tài sản chung
(QT) – Vì rất nhiều lý do khách quan, chủ quan như nhận thức hạn chế của chị em phụ nữ về quyền, nghĩa vụ bình đẳng với chồng trong sở hữu tài sản chung, do tư tưởng trọng nam khinh nữ, do trách nhiệm thực thi của các cơ quan quản lý liên quan về vấn đề này chưa cao nên thực tế, tình trạng phụ nữ không được đứng tên sở hữu tài sản chung với chồng còn tồn tại với tỷ lệ rất cao. Cũng chính vì vậy, khi mục đích hôn nhân thất bại, người vợ thường chịu rất nhiều thiệt thòi khi phân chia tài sản, ...

Bảo đảm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong sở hữu tài sản chung

(QT) – Vì rất nhiều lý do khách quan, chủ quan như nhận thức hạn chế của chị em phụ nữ về quyền, nghĩa vụ bình đẳng với chồng trong sở hữu tài sản chung, do tư tưởng trọng nam khinh nữ, do trách nhiệm thực thi của các cơ quan quản lý liên quan về vấn đề này chưa cao nên thực tế, tình trạng phụ nữ không được đứng tên sở hữu tài sản chung với chồng còn tồn tại với tỷ lệ rất cao. Cũng chính vì vậy, khi mục đích hôn nhân thất bại, người vợ thường chịu rất nhiều thiệt thòi khi phân chia tài sản, nhiều trường hợp còn phải ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng.

Tăng cường tuyên truyền cho chị em phụ nữ vùng sâu vùng xa về Luật Bình đẳng giới
Câu chuyện của chị Lê Thị N., ở huyện Vĩnh Linh là một trong rất nhiều trường hợp mà chị em phụ nữ không may gặp phải khi phải đối mặt với cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Sau phiên tòa xử ly hôn với anh Nguyễn Văn S., chị N. gần như chết lặng khi biết những gì mình nhận lại sau bao năm cực nhọc lăn lộn vì chồng, vì con nơi xứ người gần như là con số 0 tròn trĩnh. Chị kể, cưới nhau được hơn một năm, được bố mẹ chồng chia cho miếng đất gần nhà, có chút của hồi môn vợ chồng chị xây tạm ngôi nhà cấp bốn để ở. Chị N. sinh liền hai đứa con gái, cuộc sống ngày càng vất vả, chủ yếu trông vào tiền công thợ nề hàng ngày của chồng. Cách đây sáu năm, chị bàn với chồng ở nhà chăm con để mình đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, khi thấy người bà con sang đó làm ăn cũng có nguồn thu nhập đáng kể. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, chỉ sau năm đầu tiên, chị N. đã tích cóp được tiền gửi về cho chồng con. Sau vài năm, từ số vốn dành dụm được ngày càng nhiều mà vợ gửi về, anh S. xây được căn nhà hai tầng khang trang, mua sắm xe máy đắt tiền và trang bị nhiều vật dụng tiện nghi trong nhà. Anh thậm chí còn dành ra được số tiền kha khá gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Ngày chị về nước, tưởng được vui vầy bên gia đình với cuộc sống nhàn nhã nhưng chị không ngờ rằng, chồng mình ở nhà đã sớm thay lòng đổi dạ, cặp kè với người phụ nữ khác đã một thời gian dài. Cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình, nhưng vì chỉ sinh được hai đứa con gái nên chị bị bố mẹ chồng quay sang ghẻ lạnh. Đến khi chồng đòi ly hôn, ra tòa chị N. mới đau đớn biết rằng, miếng đất mà bố mẹ chồng cho vẫn chưa được sang tên sổ đỏ cho vợ chồng chị, còn tất cả tài sản trong gia đình mà chị bỏ công sức không nhỏ để làm ra đều đứng tên sở hữu của chồng. Mẹ chồng trở mặt đòi lại đất, chị gần như trắng tay sau bao năm vất vả xứ người chỉ vì quá tin tưởng vào chồng và chủ quan khi không để tâm đến việc xác lập quyền đồng sở hữu tài sản với chồng. Cũng đổ vỡ chuyện hôn nhân như chị N, nhưng chị Hoàng Thị Ánh H., ở thành phố Đông Hà lại có chút may mắn hơn khi sổ đỏ đất đai hai vợ chồng tích cóp mua được đều đứng tên hai người. Quyền lợi của chị được pháp luật bảo vệ khi ra tòa ly hôn, việc được hưởng một nửa giá trị tài sản hai vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân đã giúp chị có điều kiện nuôi dạy con một mình khi chia tay với chồng. Trong thực tế, những trường hợp trắng tay sau hôn nhân như chị N. không phải là hiếm, đặc biệt là đối với phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Khi được quyền xác lập tài sản riêng và tài sản chung vào cuộc sống, pháp luật đã hướng tới mục tiêu bảo vệ được quyền lợi chính đáng và công bằng cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là chị em phụ nữ. Trong Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 đến Hiến pháp 2013 đều khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ về mọi phương diện. Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 quy định tài sản được phân chia bình đẳng giữa hai vợ chồng khi ly hôn và giữa con cái trong thừa kế; Luật Bình đẳng giới 2006 quy định vợ chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng thu nhập chung và trong việc quyết định các nguồn lực gia đình. Gần đây nhất, Luật Đất đai sửa đổi 2013 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 trong đó Khoản 4 Điều 98 quy định đảm bảo quyền bình đẳng của vợ và chồng trong sử dụng đất sản xuất và đất ở. Tuy vậy, theo kết quả khảo sát của Liên minh đất đai (Landa) tại 4 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai, Quảng Trị và Hòa Bình thời gian qua cho thấy, mặc dù luật có từ lâu nhưng tỷ lệ phụ nữ được đứng tên trong sổ đỏ rất ít. Theo bà Trần Thị Minh Châu, Giám đốc Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, đại diện cho nhóm nghiên cứu thìđơn cử như ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cả xã đã được cấp giấy CNQSDĐ theo hộ là 960 hộ nhưng 80% nam giới đứng tên chủ hộ, còn 20% phụ nữ đứng tên do chồng chết hoặc đơn thân. Thậm chí khi đề cập đến sổ đỏ hai tên (tức sổ đỏ có ghi tên cả vợ và chồng), nhiều người dân ở đây tỏ ra ngạc nhiên và không biết đến vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu là do định kiến giới và luật tục chính là rào cản nặng nề đối với phụ nữ trong việc đảm bảo quyền được hưởng trong đất đai. Việc người vợ không được đứng tên sở hữu tài sản chung với chồng là một thiệt thòi rất lớn, bởi nếu người chồng đứng tên sở hữu tài sản một mình cũng đồng nghĩa với việc có quyền quyết định tài sản chung của cả hai vợ chồng có công sức cùng gây dựng. Đặc biệt khi xảy ra tình trạng vợ chồng ly hôn hoặc người chồng chẳng may qua đời, người vợ sẽ gặp nhiều rắc rối trong việc phân chia và thừa kế, bảo vệ tài sản của mình và con cái. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền cho chị em phụ nữ nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình trong sở hữu tài sản chung, trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng, chính quyền địa phương cũng cần coi việc đổi giấy CNQSDĐ là tài sản chung của vợ và chồng từ một tên thành hai tên với các trường hợp trước năm 2004 là trách nhiệm để góp phần bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Bài, ảnh: BẢO BÌNH