Tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông
(QT) - Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) tỉnh Quảng Trị được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Hạ tầng môi trường đô thị (UEIF) của Cơ quan Đối tác tài chính đô thị (UFPF). Đây là dự án có nguồn vốn vay ưu đãi lớn nhất từ trước đến nay được ADB tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, ưu tiên xây dựng ...

Tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông

(QT) - Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) tỉnh Quảng Trị được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Hạ tầng môi trường đô thị (UEIF) của Cơ quan Đối tác tài chính đô thị (UFPF). Đây là dự án có nguồn vốn vay ưu đãi lớn nhất từ trước đến nay được ADB tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, ưu tiên xây dựng năng lực tổ chức trong tiểu vùng sông Mê Kông, nhưng điều quan trọng nhất là chuyển đổi thành phố (TP) Đông Hà và thị trấn Lao Bảo trở thành đô thị năng động trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tuyến đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần sớm được giải quyết

Trong phạm vi dự án triển khai có 2.129 hộ bị ảnh hưởng, trong đó TP Đông Hà có 1.143 hộ, huyện Hướng Hóa có 986 hộ. Tính đến nay có 1.919 hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án đã phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, trong đó có 1.823 hộ đã nhận tiền đền bù, 126 hộ chưa nhận tiền đền bù (TP Đông Hà 56 hộ, Hướng Hóa 70 hộ). Riêng ở TP Đông Hà có 56 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó 26 hộ không đồng ý nhận tiền, 30 hộ chưa nhận tiền do chưa có tiền để chi trả. Tại huyện Hướng Hóa có 70 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 25 hộ không đồng ý nhận tiền, 45 hộ chưa nhận tiền do chưa có tiền để chi trả.

Cũng như bất kỳ dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nào thì công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB-TĐC) là khâu đột phá để hoàn thành mục tiêu của dự án. Vì vậy trong thời gian qua, với sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương hưởng lợi và các Trung tâm Phát triển quỹ đất nhằm đẩy nhanh công tác kiểm kê, áp giá đền bù GPMB, hỗ trợ TĐC. Dự án đã ưu tiên thực hiện công tác GPMB-TĐC cho các công trình trên địa bàn TP Đông Hà và huyện Hướng Hóa. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, đơn vị được giao nhiệm vụ GPMB các hạng mục kè Sông Hiếu; đường Bà Triệu; đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ; đường Lê Thánh Tông, tính đến ngày 12/3/2018, Trung tâm đã hoàn thành công tác kiểm đếm toàn bộ công trình. Cho đến nay đã có quyết định thu hồi đất 15,83 ha, GPMB bàn giao cho đơn vị thi công hơn 95% diện tích toàn tuyến với tổng số tiền chi trả, hỗ trợ 56,983 tỷ đồng. Hoàn thành 80% công tác lập phương án giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ tại phường Đông Lương; tổ chức bốc thăm, trình và được UBND TP Đông Hà phê duyệt giao đất có thu tiền sử dụng đất 37 lô. Ngoài ra đơn vị cũng đã bàn giao mặt bằng thi công các công trình hạ tầng cấp điện, viễn thông, cấp nước… Hiện nay một số công trình đã cơ bản hoàn thành như đường Thanh Niên, đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ (TP Đông Hà).

Tuy nhiên, theo đánh giá chung về tiến độ triển khai của dự án GMS ở TP Đông Hà và thị trấn Lao Bảo thì công tác GPMB-TĐC vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý do các chính sách bồi thường thay đổi thường xuyên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không đồng bộ. Dự án triển khai vào thời kỳ cuối thực hiện Luật Đất đai năm 2003 và bắt đầu chuyển sang thực hiện theo Luật Đất đai 2013 nên có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách khiến công tác GPMB càng trở nên khó khăn. Mặt khác, đây là dự án triển khai ở địa bàn các đô thị, tập trung vùng đông dân cư, phạm vi ảnh hưởng rộng nên công tác GPMB mất rất nhiều thời gian. Việc xác định nguồn gốc sử dụng đất còn phức tạp; một số hộ dân không đồng ý với đơn giá về đất, tài sản theo khung giá đã được UBND tỉnh phê duyệt; tranh chấp, kiến nghị về đất đai; tình trạng sử dụng đất của các hộ dân có sự khác nhau giữa hiện trạng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như khó khăn trong việc bố trí tái định cư, giao đất… Đơn cử như hộ ông Nguyễn Khắc Phiên theo bản đồ và danh sách thu hồi đất để GPMB xây dựng công trình đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ sử dụng tại thửa đất số 13/1, tờ bản đồ số 15, loại đất ODT+BHK, diện tích hiện trạng là 557 m2 , diện tích thu hồi là 347 m2 . Tuy nhiên hiện đang gặp vướng mắc do thửa đất có nguồn gốc được ông Nguyễn Khắc Ngũ, bố ông Phiên đăng ký trong sổ ruộng đất năm 1987 tại thửa 243, tờ bản đồ số 04 với diện tích đăng ký là 750 m2 đất ở và 125 m2 đất vườn, trên đất không có nhà ở. Trên hồ sơ địa chính của UBND phường năm 1993 và 2001 quy chủ thửa đất cũ của ông Phiên là do UBND phường quản lý. Tuy nhiên sau khi di dời khỏi thửa đất cũ, hộ ông Phiên vẫn trồng cây hàng năm. Vì vậy, khi xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của ông Phiên, UBND phường đã xác nhận loại đất thu hồi là đất trồng cây hàng năm nhưng gia đình không nhất trí và đề nghị xác nhận loại đất thu hồi là đất ở và đất trồng cây hàng năm. Đây là một trong số những trường hợp thuộc diện “nhập nhằng” trong việc quy chủ đất, xác định nguồn gốc sử dụng đất ở địa bàn phường Đông Lễ mà các cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian để đối thoại, thuyết phục, vận động, tuyên truyền để tìm được tiếng nói chung trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất cũng như hiện trạng sử dụng đất.

Nhưng nan giải nhất vẫn là việc xác định nguồn gốc và áp giá đền bù diện tích đất thu hồi của đình làng Lập Thạch. Theo báo cáo số 82/BC-UBND ngày 3/7/2017 của UBND phường Đông Lễ thì diện tích đất thu hồi chỉ có 3.221 m2 là đất tín ngưỡng trên tổng số 8.541 m2 diện tích đất thu hồi để xây dựng tuyến đường. Mặt khác căn cứ theo báo cáo số 110/BCUBND ngày 28/10/2016 và báo cáo số 07/ BC-UBND ngày 10/2/2017 về xác nhận nguồn gốc sử dụng đất thì toàn bộ diện tích hiện trạng 9.253 m2 bao gồm các thửa số 30,41,41,53,62,63 tờ bản đồ địa chính số 22 là do đình làng Lập Thạch sử dụng vào mục đích tín ngưỡng. Tuy nhiên hiện nay, căn cứ bản đồ thu hồi đất mới thì chỉ có thửa 30 (1.787 m2 ) là đất tín ngưỡng, số còn lại là đất trồng cây hàng năm. Anh Hồ Công Minh, Trưởng phòng GPMB-Định giá đất Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết: “Căn cứ theo báo cáo xác nhận nguồn gốc sử dụng đất nên khi áp giá đền bù nếu là đất tín ngưỡng thì toàn bộ diện tích đất thu hồi của đình làng Lập Thạch có mức đền bù trên 3 tỷ đồng. Nhưng nếu phân chia loại đất tín ngưỡng và đất trồng cây thì số tiền đền bù giảm còn trên 1,5 tỷ đồng do định giá đền bù đất trồng cây thấp hơn giá đất tín ngưỡng. Vì vậy, BQL đình làng Lập Thạch đề xuất phải xác định lại nguồn gốc toàn bộ diện tích đất thu hồi đều là đất tín ngưỡng mới chấp thuận mức đền bù GPMB”. Trở lại vấn đề xác định nguồn gốc hình thành nên diện tích 9.253 m2 đất của đình làng Lập Thạch là do từ nhiều nguồn khác nhau (đất hiến tặng, đất trồng cây, đất mồ mả…). Hiện nay, BQL đình làng cũng đang lập hồ sơ thủ tục để xin xác nhận quyền sử dụng đất toàn bộ diện tích 9.253 m2 thì phát sinh việc thu hồi GPMB để xây dựng đường GMS nên gặp vướng mắc trong xác định nguồn sử dụng đất để áp giá đền bù. Do vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phía chủ đầu tư phải tích cực phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất theo loại đất thực tế sử dụng mới có căn cứ để áp giá đền bù. Hồ sơ thu hồi đất bao gồm bản đồ và danh sách thu hồi đất (có chữ ký của chủ sử dụng đất). Tuy nhiên hiện nay chủ sử dụng đất và chủ đầu tư dự án vẫn chưa có sự thống nhất trong xác định nguồn gốc sử dụng đất nên vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.

Ngoài những vướng mắc nêu trên thì trong quá trình thực hiện dự án GMS vẫn gặp một số trở ngại khác như chi phí GPMB-TĐC của dự án phát sinh tương đối lớn (gần 200 tỷ đồng). Do vậy, mặc dù dự án đã hoàn thành việc đấu thầu, ký kết hợp đồng, tổ chức trao thầu với các nhà thầu thi công đối với các tiểu dự án nhưng chủ đầu tư không thể bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu do thiếu kinh phí GPMBTĐC để chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng theo kế hoạch đền bù, TĐC cập nhật đã được ADB phê duyệt; các phương án hỗ trợ, bồi thường chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng cho phép tỉnh Quảng Trị được sử dụng phần vốn dư từ tiết kiệm sau đấu thầu và nguồn vốn chưa phân bổ để bù đắp cho chi phí tăng thêm của hạng mục GPMB-TĐC theo bảng tái phân bổ đã được ADB phê duyệt.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, ngoài sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, dự án GMS đang rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là 2 địa phương hưởng lợi trực tiếp từ dự án trong xác định nguồn gốc sử dụng đất, định giá đền bù để GPMB, trong xử lý tranh chấp đất đai, để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả, mục tiêu đặt ra đúng theo cam kết với Chính phủ và các nhà tài trợ.

Hồ Nguyên Kha