Từ Dự án Vietvoc đến Dự án Boost
TRƯƠNG HỮU ĐẲNG, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Trị, Trưởng Ban Điều hành Dự án BOOST Ở Việt Nam, từ năm 1991 đã xuất hiện ý tưởng: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, là sự đầu tư có hiệu quả nhất” trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giáo dục và kinh tế. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010 khẳng định: “Nguồn nhân lực có chất lượng cao là một trong những đòn bẩy mang tính quyết định để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là yếu tố cần thiết cho việc phát triển xã hội và phát triển kinh tế bền vững”. Thập kỷ cuối của thế kỷ XX, nền giáo dục Việt Nam dù đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nhưng nhìn chung vẫn rất chậm tiến so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Giữa lúc giáo dục - đào tạo địa phương đang gặp nhiều vướng mắc thì các dự án đầu tư trở thành một lối mở khả dĩ để đẩy nhanh lộ trình đổi mới giáo dục - đào tạo.
.jpg) |
CBGV Trường CĐSP Quảng Trị chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia của Dự án BOOST - Ảnh: CHÍ THÀNH |
Trong bối cảnh đó, năm 1998, được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Phần Lan, Trường CĐSP Quảng Trị là một trong những đối tác của Việt Nam tham gia Dự án VIETVOC (1998- 2002). Dự án hỗ trợ nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho sinh viên. Thông qua Dự án VIETVOC, với sự hỗ trợ của JAM-TEC, một số khóa bồi dưỡng về dạy nghề cho giảng viên Trường CĐSP Quảng Trị được tổ chức tại Việt Nam và Phần Lan. 11 cán bộ giảng viên của trường được đến học tập, thực tập trong thời gian 2,5 tháng ở một số cơ sở giáo dục của Phần Lan như Jyvaskyla, Turku... Dự án đã hỗ trợ cho Trường CĐSP Quảng Trị hơn 30 máy tính, nhiều thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc dạy và thực hành nghề nghiệp. Điều quan trọng nhất mà Dự án VIETVOC đã mang lại cho nhà trường là lần đầu tiên, nhiều cán bộ, giảng viên được tiếp thu, học hỏi những kiến thức, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và phương pháp dạy học của một đất nước có nền giáo dục tiên tiến thuộc loại hàng đầu thế giới. Có thể nói, Dự án VIETVOC như một luồng gió mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nhà trường và thay đổi tư duy dạy - học cho một bộ phận giảng viên và đông đảo sinh viên. Việt Nam là một trong 7 nước đối tác lâu dài của hợp tác song phương Phần Lan. Một trong những chính sách ưu tiên phát triển của Phần Lan là phát triển nguồn nhân lực. Trong lĩnh vực này, Phần Lan mong muốn các nước phát triển nhận được hỗ trợ nhằm giúp phát triển hệ thống giáo dục để những người trẻ tuổi được học tập ngày càng tăng. Đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cũng như giáo dục đại học là một mục tiêu phát triển quan trọng và có thể được hỗ trợ bởi các chuyên gia Phần Lan. Xuất phát từ chính sách đối ngoại và triết lý nhân văn trong giáo dục của nước Cộng hòa Phần Lan, tháng 4/2011, được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Phần Lan, Dự án HEI - ICI (2011- 2014) được triển khai tại Trường CĐSP Quảng Trị với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ JAMK, HAMK và ĐHSP Huế với ngân sách hơn 340.000 euro. Mục đích của Dự án là nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý giáo dục nhằm đáp ứng tốt hơn trước những thách thức của cải cách giáo dục đại học đang diễn ra ở Việt Nam. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giảng viên (GV) Trường CĐSP Quảng Trị, Dự án đã mang lại các kết quả ấn tượng. Đội ngũ CBQL có năng lực trong việc chỉ đạo và hỗ trợ những thay đổi liên quan đến chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ và công tác đảm bảo chất lượng: Xây dựng khung năng lực dành cho đội ngũ, xây dựng hệ thống thông tin phản hồi toàn diện từ dưới lên, xây dựng công cụ tự đánh giá…Đội ngũ GV được làm quen với các phương pháp sư phạm mới, có kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học theo hệ thống tín chỉ. Dự án HEI - ICT đã góp phần giúp CBQL và GV Trường CĐSP Quảng Trị nhận ra sự cần thiết phải thay đổi và những thách thức liên quan đến việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, có những kỹ năng về lãnh đạo và quản lý giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và đội ngũ GV cần được hỗ trợ hơn nữa để thay đổi cách làm việc và phát triển công việc một cách độc lập; cần phải thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Trường CĐSP Quảng Trị với các cơ sở tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp; cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu dạy – học, nhất là về công nghệ thông tin cần phải được tăng cường… Những khó khăn, thách thức đó được đưa vào nhiệm vụ cần giải quyết của Dự án BOOST (2013- 2014). Dự án BOOST được xem như giai đoạn 2 của Dự án HEI - ICI, có mục đích tạo cơ hội mở cho giảng viên và sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị một môi trường dạy - học mới thông qua sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giáo dục; phát triển hợp tác với thị trường lao động thông qua học tập dựa trên dự án và xây dựng các mạng lưới với các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức phi chính phủ. Dự án BOOST có các đối tác: JAMK, HAMK, ĐHSP Huế, ĐHSP Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - cung cấp các chuyên gia và Trường CĐSP Quảng Trị - đối tượng hưởng lợi trực tiếp. Dự án được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Phần Lan, với ngân sách 624.932 euro. Khác với những dự án trước, với phương châm: “Từ phát triển năng lực cá nhân tiến đến phát triển tổ chức, đơn vị và cộng đồng”, Dự án BOOST được triển khai trong 30 cán bộ, giảng viên nòng cốt. Sau gần 2 năm thực hiện Dự án BOOST, được sự hỗ trợ từ các chuyên gia của JAMK, HAMK, ĐHSP Huế, ĐHSP Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, một số kết quả bước đầu đã được khẳng định. Nhiều CBGV được tạo cơ hội sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học và công tác. Nhận thức của đông đảo CBGV về sự cần thiết phải thay đổi, cần phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học và cần phải mở rộng mạng lưới hợp tác với môi trường làm việc… được nâng cao. Gần 100 sinh viên đã có những trải nghiệm bổ ích tại nơi làm việc. Dự án đã đầu tư gần 1 tỉ VND để mua sắm các thiết bị. Nhờ vậy tất cả CBGV và học sinh, sinh viên được tạo cơ hội sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy - học, công tác. Các GV trong Đội Đánh giá đã có những kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch đánh giá tương đối hoàn hảo. Những hoạt động của đội này đã giúp cho Ban Điều hành Dự án cùng các Đội Phát triển triển khai các kế hoạch đúng nội dung yêu cầu và thời gian. Các GV trong Đội Hợp tác đã xây dựng được mạng lưới hợp tác với 8 tổ chức thanh niên ở 8 huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Trị, đưa gần 100 sinh viên đến học tập tại 7 cơ sở làm việc: Công ty Thương mại Quảng Trị, nhà hàng Nông thôn mới, nhà hàng Tiamo, quán café Gamma, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trường Tiểu học Hùng Vương và Trường Trưng Vương tại thành phố Đông Hà. Dự án “Xây dựng chương trình liên thông từ trình độ Trung cấp lên lên trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” giúp lãnh đạo nhà trường chủ động trong việc hoạch định chương trình và nội dung giảng dạy ở đối tượng này; Dự án “Học tập tại nơi làm việc” đã giúp cho một số GV và gần 100 sinh viên có những kiến thức, kỹ năng và các trải nghiệm bổ ích, tạo được mạng lưới hợp tác giữa Trường CĐSP Quảng Trị và một số cơ sở làm việc; Dự án “Học tập theo Dự án” giúp cho 8 GV và sinh viên tạo ra được một sản phẩm hỗ trợ cho một số công ty ở thành phố Đông Hà thuận lợi trong việc kinh doanh, đồng thời qua việc học tập dựa trên dự án, những sinh viên này đã thu nhận được nhiều kiến thức, kỹ năng quan trọng cho việc hành nghề sau này... Các GV của Đội ICT đã xây dựng và triển khai 10 khóa học dựa trên web, làm phong phú thêm các phương pháp dạy- học, giúp GV có cơ hội lựa chọn phương pháp dạy - học phù hợp với đối tượng và tính chất của từng học phần; bằng sự tư vấn của Đội ICT, Ban Điều hành Dự án BOOST và Ban Giám hiệu nhà trường đã sử dụng có hiệu quả ngân sách do Dự án cung cấp để mua sắp nhiều thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông đảm bảo chất lượng. Các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ ĐHSP Huế hỗ trợ các GV Đội ICT xây dựng và đưa thư viện số đi vào hoạt động, giúp cho GV và sinh viên có thêm kênh thông tin để tra cứu, tham khảo tài liệu nhanh chóng… Có thể khẳng định, Dự án VIETVOC, Dự án HEI - ICI và Dự án BOOST do Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Phần Lan tài trợ đã góp phần làm thay đổi diện mạo Trường CĐSP Quảng Trị. Đội ngũ CBQL có thêm những kỹ năng lãnh đạo, quản lý mới nhằm đáp ứng tốt hơn trong cải cách giáo dục đại học đang diễn ra ở Việt Nam; GV đã lĩnh hội thêm nhiều phương pháp dạy học mới, những kỹ năng đánh giá, kỹ năng hợp tác với môi trường làm việc; sinh viên được hưởng thụ từ những thay đổi theo hướng tích cực của GV, nhiều sinh viên có những trải nghiệm bổ ích; cơ sở vật chất của nhà trường được tăng cường tạo cơ hội mở cho CBGV và sinh viên thuận tiện trong công tác, giảng dạy và học tập… Sau khi kết thúc Dự án này, Trường CĐSP, Quảng Trị tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện để những người trực tiếp tham gia Dự án BOOST có cơ hội chia sẻ các kết quả với những đồng nghiệp khác nhằm phát huy hiệu quả của Dự án đến cộng đồng. Tin rằng, hiệu quả của các dự án còn ảnh hưởng tích cực lâu dài đối với sự phát triển của Trường CĐSP Quảng Trị và trong trái tim của CBGV và sinh viên mãi mãi in đậm hình ảnh các chuyên gia đầy lòng hào hiệp, tâm huyết đến từ một đất nước giàu lòng nhân văn - nước Cộng hòa Phần Lan.