*Thu tiền tỷ từ hàng lậu nhưng buôn lậu vẫn còn Làm việc với các ngành trực tiếp chống buôn lậu: Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, chúng tôi thấy chỉ mới trong 3 tháng đầu năm 2008 mà đã có hàng trăm vụ buôn lậu bị bắt giữ, giá trị hàng hoá lên đến hàng tỷ đồng. Chỉ tính riêng ngành Hải quan Quảng Trị, từ đầu năm đến ngày 16/4/2008 đã bắt giữ và xử lý 477 vụ vi phạm, trị giá hàng hoá trên 4,5 tỷ đồng. Trong đó, quý 1/2008, qua kiểm tra, kiểm soát các loại phương tiện qua lại cổng B Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Chi cục Hải quan Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã phát hiện và bắt giữ được 94 vụ vận chuyển hàng hoá trái phép, trị giá hàng hoá thu giữ gần 1,5 tỷ đồng; Đội kiểm soát Hải quan Quảng Trị bắt giữ và xử lý 84 vụ, trị giá hàng hoá trên 2,1 tỷ đồng...Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển hàng hoá trái phép, vi phạm thủ tục hải quan. Trong đó, có nhiều vụ vận chuyển hàng hoá trái phép có giá trị lớn như: Vụ vận chuyển 3.000 gói thuốc lá Jet, 1.440 kg đường kính trắng và 120 hộp rượu nho, trị giá 91 triệu đồng ngày 7/1/2008; vụ vận chuyển lâm sản trái phép, trị giá 98,12 triệu đồng ngày 26/2/2008; vụ vận chuyển nước giải khát, đường kính trắng, thuốc lá Jet, mì chính, trị giá trên 53 triệu đồng ngày 4/3/2008; vụ vận chuyển trái phép 47 viên ma tuý tổng hợp ngày 6/3/2008... Một cán bộ của ngành trực tiếp chống buôn lậu nói với chúng tôi rằng: "Hàng lậu bị bắt giữ có số lượng và trị giá lớn như vậy nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn không ngán. Mất một chuyến nhưng lọt được vài chuyến thì vốn liếng sẽ đâu vào đấy". Khi được chúng tôi hỏi: "Trạm kiểm soát, lực lượng chống buôn lậu chốt chặn dày như vậy thì buôn lậu lọt đi đường nào?" Cán bộ này không ngần ngại trả lời: Khó mà chống buôn lậu triệt để được, vì Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo rộng, đường biên giới tiếp giáp nội địa dài, có nhiều đường mòn, lối tắt nối thông giữa các bản, làng. Trên địa bàn tiếp giáp giữa Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo và nội địa không có hàng rào cứng; lực lượng chống buôn lậu của các ngành mỏng so với yêu cầu nên không thể kiểm soát được tình hình... Ông Hoàng Bá Linh, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Quảng Trị cho biết: Ngành Hải quan thường xuyên tổ chức các chiến dịch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu; lãnh đạo ngành luôn bám sát chỉ đạo và cán bộ chiến sĩ không quản ngại khó khăn, có nhiều nỗ lực trong công việc. Các lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu đã đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng lậu nên đã phát huy được tác dụng răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp, chia sẻ thông tin của các đơn vị cùng chống buôn lậu, nhất là việc tổ chức đồng loạt ra quân quyết liệt ngay từ đầu năm trên toàn tuyến đường 9 nên số vụ buôn bán, vận chuyển hàng hoá trái phép trên địa bàn bị bắt giữ tương đối nhiều. Ông Linh cho biết thêm: Tại hội nghị bàn về giải pháp chống buôn lậu thuốc lá được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, có 2 đơn vị tiêu biểu về bắt giữ thuốc lá là Quảng Trị và An Giang. Thuốc lá bị bắt giữ với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thuộc về lực lượng Hải quan, còn ở tỉnh An Giang thuộc về lực lượng Công an. Nghe thế chúng tôi mới biết, các lực lượng chống buôn lậu ở tỉnh ta cũng đã hết sức nỗ lực mới được ghi nhận như vậy. Thuốc lá là một trong những mặt hàng được đối tượng buôn lậu lựa chọn hàng đầu trong nghề "kinh doanh" hàng lậu của mình, bởi vì nó gọn, nhẹ, có lãi và dễ dàng vận chuyển với số lượng lớn... Các lực lượng chống buôn lậu đều biết tất cả thủ đoạn của đối tượng buôn lậu nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Khi được hỏi vì sao, nhiều người cùng có chung câu trả lời là do điều kiện địa bàn rộng, địa hình rừng núi hiểm trở, quân số mỏng, phương tiện, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chống buôn lậu hiện nay. Cùng với lực lượng Biên phòng, Quản lý thị trường, lực lượng Hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá, phương tiện ra vào cổng B, tại đường Hồ Chí Minh ra phía Bắc. Hai bên cánh gà, phía sau cổng B do Trạm kiểm soát liên hợp, Đội kiểm soát Hải quan đảm nhiệm, song vẫn không ngăn chặn hết được tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng thẩm lậu. Theo báo cáo số 242/HQQT-NV ngày 25/3/2008 của Cục Hải quan Quảng Trị gửi Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan do ông Hoàng Văn Cừ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị ký có nội dung: Hiện nay, tình hình kim ngạch nhập khẩu hàng hoá vào Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo để kinh doanh tiếp tục tăng lên với số lượng, trị giá lớn và tập trung vào một số mặt hàng nhạy cảm, có thuế suất cao như: bia, rượu, máy điều hoà, ti vi, tủ lạnh, máy giặt...Trong khi đó, hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hoá nhập khẩu qua biên giới Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo với nội địa và khu vực hai bên cánh gà cổng B Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát. Tại cổng B, từ trước đến nay hầu như không có một tổ chức, cá nhân nào kê khai, nộp thuế phần vượt tiêu chuẩn được mua hàng miễn thuế (do số thuế phải nộp cao, vì nếu nộp thuế thì giá thành cao hơn nhiều so với mặt hàng cùng loại trong nội địa). Cục Hải quan Quảng Trị đã kiến nghị cho áp dụng các giải pháp theo hướng quản lý người nhập khẩu, thực hiện chế độ quyết toán hàng tháng như tổ chức kinh doanh hàng hoá bán trong cửa hàng miễn thuế, cụ thể là: Đối với hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo, các doanh nghiệp nhập khẩu phải kê khai tổng số thuế hàng nhập khẩu phải nộp với cơ quan Hải quan. Đồng thời, doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền vào tài khoản tạm gửi của cơ quan Hải quan, tương đương với tổng số tiền thuế phải nộp khi nhập khẩu vào nội địa theo quy định hiện hành hoặc chưa phải nộp nếu có bảo lãnh của Ngân hàng. Việc quyết toán hàng tháng áp dụng như đối với việc quản lý hàng hoá bán trong cửa hàng miễn thuế. Nghĩa là doanh nghiệp bán hàng có trách nhiệm quyết toán số lượng hàng đã bán, gửi kèm hồ sơ bán hàng bao gồm: hoá đơn bán hàng, bản phô tô giấy CMND hoặc hộ chiếu để cơ quan Hải quan làm thủ tục nhập khẩu kiểm tra, đối chiếu và giải quyết miễn thuế, hoàn trả lại số thuế đã nộp tương ứng với số hàng bán đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn quy định lượng được miễn thuế. Các trường hợp còn lại, cơ quan Hải quan sẽ chuyển nộp ngân sách số tiền thuế doanh nghiệp nhập khẩu thực nộp vào tài khoản tạm thu. Như vậy, cần có quy định rõ đối tượng, định mức được mua hàng miễn thuế trong Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Hàng lậu không ào ào về Đông Hà nhưng "chảy nhỏ giọt" thì chắc chắn có. Tôi đã chứng kiến hàng lậu lọt qua các Trạm kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu khi ngồi cùng xe với các đối tượng buôn lậu. Phương thức, thủ đoạn vẫn là xé lẻ hàng hoá, đai vác, gùi, cõng qua hai bên cánh gà cửa khẩu, cổng B, hoặc gia cố phương tiện để cất giấu hàng hoá. Hỏi một người buôn lậu đi cùng xe ngồi bên cạnh: "Mỗi ngày, hàng lậu về Đông Hà có nhiều không?". Tôi được chị trả lời: "Không thể thống kê được, nhưng ngày nào hàng lậu cũng về nên cộng lại thành nhiều thôi". Chị trả lời đúng như tôi đã từng nghĩ: "Nước chảy ào ào, không nhiều bằng hao lỗ mội". Tình hình trên đòi hỏi các lực lượng chống buôn lậu cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, sớm có các biện pháp phòng, chống triệt để, có hiệu quả, từng bước đẩy lùi buôn lậu trên địa bàn, làm lành mạnh hoá thị trường nội địa. Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HAI