Người vẽ Thành cổ bằng “gu” riêng
Trăng về sáng. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1969. Ra trường ông được giữ lại làm giảng viên một thời gian, rồi đi thực tế chiến trường khu 4 giới tuyến - Quảng Bình - Quảng Trị. Trong những năm tháng của cuộc sống chiến đấu của cả nước, Nguyễn Văn Chung đã có mặt ở nhiều nơi mũi nhọn. Ông đã có mặt ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Thời điểm này, họa sĩ Nguyễn Văn Chung đã có nhiều tác phẩm đẹp, chứa đựng nhiều cảm xúc như: Bà mẹ Gio Linh, Làm việc dưới hầm, ...

Người vẽ Thành cổ bằng "gu" riêng

(ND) - Trong lĩnh vực hội họa, sáng tác về đề tài đất và người Quảng Trị những năm chiến tranh ác liệt, chắc nhiều người sẽ nhớ ngay tới họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Những bức ký họa về những con người bám trận địa khói lửa, đổ nát của Thành cổ mà ngời lên vẻ bình thản, lạc quan đã tạo cho Nguyễn Văn Chung một cái "gu" riêng, không trộn lẫn.

Trăng về sáng. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1969. Ra trường ông được giữ lại làm giảng viên một thời gian, rồi đi thực tế chiến trường khu 4 giới tuyến - Quảng Bình - Quảng Trị. Trong những năm tháng của cuộc sống chiến đấu của cả nước, Nguyễn Văn Chung đã có mặt ở nhiều nơi mũi nhọn. Ông đã có mặt ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Thời điểm này, họa sĩ Nguyễn Văn Chung đã có nhiều tác phẩm đẹp, chứa đựng nhiều cảm xúc như: Bà mẹ Gio Linh, Làm việc dưới hầm, Dưới cồn cát, O Thúy Hồng...

Trong quá trình lao động, ông đã chứng tỏ là một họa sĩ có sở trường về bút pháp hiện thực. Hội họa sơn dầu và lụa của ông luôn chiếm một tỷ lệ ưu thế so với các chất liệu khác - như gỗ mầu, bột mầu, mầu nước... Trong những năm hòa bình, ông vẽ nhiều tranh chân dung, phong cảnh so với các đề tài sinh hoạt, chiến đấu. Tranh chân dung của ông - đặc biệt chân dung thiếu nữ - có bút pháp mềm mại, giàu ấn tượng, nhưng cũng không kém phần khoáng đạt. Nó bộc trực, giản dị như chính con người ông. Nếu như nhiều người đặc tả về mảnh đất khói lửa Quảng Trị với hình ảnh của những đoàn xe lao ra chiến trận hay những con đường chi chít hố bom... thì họa sĩ Nguyễn Văn Chung lại nhìn chiến tranh bằng vẻ mặt thanh thản, yên bình. Gương mặt của những o du kích trong các tác phẩm của ông đều tươi vui, trẻ trung sau những giờ chiến dịch. Với ông, mọi ngôn ngữ đều bình đẳng trước cái đẹp. Cái đẹp đồng nghĩa với sự sáng tạo - đặc biệt với người nghệ sĩ, nhà giáo, vốn được vinh danh là kỹ sư của tâm hồn. Nhưng cái đẹp nào cũng phải được tạo ra từ cặp mắt tinh tường, tư duy mẫn tiệp và đôi bàn tay kỳ diệu. Hơn thế nữa, cái đẹp phải xuất phát từ tình yêu con người, cuộc sống mà sáng tạo, thì tác phẩm mới có ý nghĩa. Ðó mới chính là cái đẹp nhân văn đích thực, hiểu theo cả nghĩa mỹ học và mỹ thuật. Dù vẽ lụa hay sơn dầu (đây là hai loại chất liệu họa sĩ Nguyễn Văn Chung hay sử dụng), ông thường diễn tả với sự hài hòa của đường nét, mầu sắc và sự dung dị chân thực. Dường như ông vẽ tranh chủ yếu để giữ lại cho riêng mình những khoảnh khắc đáng ghi nhớ của cuộc đời, của con người, của cảnh vật... những nơi ông đã đi qua. Nguyễn Văn Chung có nhiều tranh được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng các dân tộc Phương Ðông (Nga), Bảo tàng châu Á - Thái Bình Dương... Tác phẩm của ông cũng được các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước chọn lựa. Năm 2009, Nguyễn Văn Chung vượt qua cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn lấy sáng tác, công bố tác phẩm làm niềm vui lớn cho mình. Niềm vui lớn của ông là vừa ra mắt công chúng yêu hội họa một triển lãm tranh cá nhân vào đầu tháng 6 vừa qua. Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm là các chất liệu sơn dầu và tranh giấy với các đề tài sáng tác về con người và phong cảnh trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước và thời bình. Ðặc biệt những đợt đi thực tế tại mặt trận Quảng Trị trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước những năm 70, thế kỷ trước đã giúp ông có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và chiến đấu của con người nơi đây, như tác phẩm "Bảo vệ vùng biển giải phóng Quảng Trị". Ở các tác phẩm sơn dầu bên cạnh những tranh có chủ đề với bố cục nhiều nhân vật, họa sĩ đã thể hiện chân dung của những người bạn - diễn tả vẻ đẹp đôn hậu riêng của từng nhân vật hay tranh tĩnh vật với những chủ đề nhẹ nhàng thể hiện nội tâm sâu lắng. Mặc dù bận công tác quản lý tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng họa sĩ Nguyễn Văn Chung vẫn dành thời gian say mê nghiên cứu mỹ thuật, sáng tác. Hy vọng ông sẽ còn ra mắt công chúng nhiều tác phẩm. HOÀNG LONG