Gần 600 người khiếm thị được đào tạo nghề
(QT) - Sáng qua 17/4/2013, Hội Người mù tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hành động việc làm - xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2007 - 2012 và 20 năm thực hiện chương trình vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Đến dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và đông đảo hội viên. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, thời gian qua, cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu thực ...

Gần 600 người khiếm thị được đào tạo nghề

(QT) - Sáng qua 17/4/2013, Hội Người mù tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hành động việc làm - xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2007 - 2012 và 20 năm thực hiện chương trình vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Đến dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và đông đảo hội viên. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, thời gian qua, cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chung. Bằng nhiều biện pháp như: dạy nghề, tổ chức sản xuất, buôn bán tập trung..., Hội Người mù tỉnh đã góp phần giúp người khiếm thị trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống. Hội thường xuyên liên hệ với Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH, các trung tâm, trường học và tổ chức, cá nhân hảo tâm để mở nhiều lớp dạy nghề cho hội viên làm tăm tre, chổi đót, hương, xoa bóp - bấm huyệt, vi tính văn phòng... 5 năm qua, Tỉnh hội và các Hội cơ sở đã tổ chức 27 lớp dạy nghề cho gần 600 học viên với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Sau đào tạo, 80% hội viên, người mù có công việc ổn định. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ tạo việc làm cho người khiếm thị ngay tại gia đình hoặc điểm sản xuất tập trung. Hiện, toàn Hội có 9 cơ sở sản xuất tập trung, thu hút hơn 200 lao động. Trong đó, gần 1/2 số lao động có việc làm 9 tháng/năm. Thu nhập bình quân từ nghề xoa bóp, bấm huyệt đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng; các nghề thủ công mang lại mức thu ổn định trên 700 nghìn đồng/người/tháng. Trong 5 năm qua, doanh thu từ việc sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống và xoa bóp, bấm huyệt lên đến gần 7 tỉ đồng. Nhằm giúp người khiếm thị thoát nghèo nhanh và bền vững, từ năm 1996, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Hội Người mù tỉnh đã quản lý tốt nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Qua đó, Hội đã phân bổ, chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng và thực hiện nhiều dự án lớn nhỏ. Đến năm 2012, Tỉnh hội đã triển khai 166 dự án vay vốn qua kênh Trung ương Hội và địa phương. Tổng số vốn luân chuyển lên đến trên 8,5 tỉ đồng với hơn 2.600 hộ được vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhờ sử dụng vốn hiệu quả, nhiều gia đình người khiếm thị đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc như các ông Võ Hiền, Nguyễn Công Hiệu (Hướng Hóa); Nguyễn Đức Toàn, Phạm Công Thái (Cam Lộ); Lê Văn Nam, Nguyễn Hiếu Hòa (Vĩnh Linh)... Xác định chăm lo đời sống người khiếm thị là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã tích cực tìm nguồn tài trợ, chương trình, dự án nhằm giúp người khiếm thị vượt qua khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Một số hoạt động có ý nghĩa như: xây dựng 83 ngôi nhà và sửa chữa 109 nhà cho hội viên khó khăn; hỗ trợ 120 giếng nước khoan; vận động các tổ chức, cá nhân tặng quà, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí... Ngoài ra, Hội Người mù tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết chế độ chính sách; tuyên truyền các chủ trương, chính sách; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ... cho các hội viên, người mù. Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh đã trao kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” cho 10 cá nhân có nhiều đóng góp trong phong trào Hội; tặng giấy khen của Hội Người mù tỉnh cho 3 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2007 - 2012. Q.H