Những bước tiến vững chắc của ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Linh
(QT) - 5 năm qua, ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tích trong đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH quê hương, đất nước. Trong đó, nổi bật là phát triển khá toàn diện về quy mô lẫn chất lượng GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, từng bước đưa sự nghiệp GD&ĐT vươn lên tầm cao mới.

Những bước tiến vững chắc của ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Linh

(QT) - 5 năm qua, ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tích trong đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH quê hương, đất nước. Trong đó, nổi bật là phát triển khá toàn diện về quy mô lẫn chất lượng GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, từng bước đưa sự nghiệp GD&ĐT vươn lên tầm cao mới.

Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh tổ chức hội thi “Văn hóa học đường” năm học 2016- 2017

Xác định rõ tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển GD&ĐT là động lực, là điều kiện và cũng là mục tiêu phát triển KT-XH, ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Linh luôn chú trọng công tác chăm lo đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ổn định về số lượng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tấm lòng hết mình vì học sinh, vì sự phát triển của ngành GD&ĐT huyện nhà; tập trung thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phát động và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua sáng tạo, dạy tốt học tốt, nghiên cứu khoa học… trong toàn thể cán bộ, giáo viên.

Cùng sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, ngành GD&ĐT huyện đẩy mạnh việc huy động tối đa nguồn lực theo hướng xã hội hóa để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp, các thiết bị dạy học…; đẩy mạnh các phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Nhờ đó, quy mô, mạng lưới trường lớp được củng cố, mở rộng một cách hợp lý với 25 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 2 trường THCS, 2 trường Tiểu học&THCS, 4 trường THPT, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 3 trung tâm giáo dục, đào tạo nghề. Tỷ lệ huy động học sinh vào các cấp học đạt cao, trong đó, trẻ vào mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học 0%, THCS 1,13%, THPT 0,87%.

Chất lượng giáo dục toàn diện có những chuyển biến theo hướng tích cực và thực chất hơn. Tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng mạnh, ở bậc tiểu học đạt 94,4%, THCS đạt 66,2%, THPT đạt 46,4%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trung bình hàng năm đạt 94,42%, GDTX đạt 91,1%. Tỷ lệ học sinh THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng bình quân trên 35%; tỷ lệ đào tạo nghề phổ thông khá, giỏi chiếm 70% trở lên và nghề xã hội trên 91%.

Đặc biệt, 5 năm qua, toàn huyện có 1.112 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh góp phần thay đổi diện mạo các nhà trường trên địa bàn, tạo động lực để thúc đẩy chất lượng dạy và học. Đến nay, huyện Vĩnh Linh có 100% trường phổ thông và 99,9% trường mầm non kiên cố và bán kiên cố; 38/69 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 55%. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu đồng bộ hơn, với trên 99% cán bộ giáo viên đạt chuẩn, trên 68% vượt chuẩn. Nhiều tập thể cán bộ, giáo viên vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý do các cấp trao tặng. Huyện Vĩnh Linh được đánh giá một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong xây dựng xã hội học tập.

Toàn huyện có 22 hội khuyến học xã, thị trấn; 248 chi hội khuyến học thôn, bản; 119 ban khuyến học, 236 dòng họ khuyến học; với hơn 30.140 hội viên. Bên cạnh công tác phát triển tổ chức, Hội Khuyến học huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012-2020”. Việc tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện đã được phát động ở nhiều xã, thị trấn và đạt kết quả tốt. Tại 22 trung tâm học tập cộng đồng tại 22 xã, thị trấn đã mở nhiều lớp dạy học, tập huấn với nhiều ngành, nghề khác nhau, phục vụ tốt mọi nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, hội khuyến học các cấp còn thường xuyên chăm lo phát triển giáo dục chính quy như phối hợp với nhà trường nâng cao chất lượng, xây dựng môi trường học đường, động viên người dạy, người học với nhiều hình thức phù hợp. Nổi bật là các hoạt động như hỗ trợ phổ cập giáo dục miền núi, khen thưởng học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi... Trong phong trào xây dựng các mô hình khuyến học đã xuất hiện nhiều gương gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học.

Theo thống kê, hiện nay Vĩnh Linh có 100% số xã, thị trấn; 100% số thôn, bản, khu phố; 100% số trường học, 95% số dòng họ và 50% số cơ quan, doanh nghiệp xây dựng được hội, chi hội khuyến học với hàng chục ngàn hội viên. Bằng các hoạt động khuyến học, khuyến tài, những năm qua, Hội Khuyến học huyện Vĩnh Linh đã tuyên dương, khen thưởng cho trên 3.900 lượt học sinh, sinh viên; khen thưởng, tặng quà cho trên 1.300 giáo viên và hỗ trợ cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Đặc biệt là việc duy trì giải thưởng “Bông sen hồng” do Hội Khuyến học làm nòng cốt, nhằm tôn vinh những tấm gương điển hình “Học hay - Làm sáng tạo - Sống văn hóa”.

Sau 9 lần tổ chức, từ năm 2008 đến 2016, huyện Vĩnh Linh có tổng cộng 316 cá nhân có thành tích nổi bật trong học tập, công tác và lao động sáng tạo được tôn vinh, khen thưởng. Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Linh đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động GD&ĐT theo hướng phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng văn hóa học đường và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh”; khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đổi mới chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện để mọi người học tập suốt đời; chú trọng nâng cao chất lượng phổ cập ở các xã miền núi nhằm tăng tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm cũng như chất lượng giáo dục văn hóa.

Hy vọng, với những kế hoạch, giải pháp đúng đắn, huyện Vĩnh Linh sẽ từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Hoài Nhung