Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông
(QT) - Tai nạn giao thông đang trở thành một trong những hiểm họa đối với toàn xã hội. Hàng năm ở nước ta tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. Trên địa bàn Quảng Trị năm 2011 tai nạn giao thông đã làm 158 người chết, 136 người bị thương. Năm 2012 cũng đã xảy ra 155 vụ tai nạn, làm chết 143 người, bị thương 110 người.
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng để hạn chế tai nạn giao thông, đó là nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, cấp giấy phép lái xe, đình chỉ các cơ sở đào tạo, sát hạch vi phạm. Chú trọng chất lượng kiểm định phương tiện giao thông, xử lý các đăng kiểm viên sai phạm, tiêu cực, hàng tháng công bố các xe ô tô, phương tiện thủy hết niên hạn sử dụng. Khắc phục điểm đen, lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo đúng quy định và thuận lợi cho người tham gia giao thông. Triển khai tốt các biện pháp nói trên thì mới có thể đạt mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong năm 2013 là giảm trên 5% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông gây ra. |
Trong những năm qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật lệ giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), tăng mức xử phạt các lỗi vi phạm. Kết quả năm 2012 trên phạm vi cả nước tai nạn giao thông giảm được 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương. Đó là thành tích rất đáng phấn khởi. Song số vụ tai nạn giao thông xảy ra vẫn còn nhiều. Nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự ATGT, năm 2013 được Ban An toàn giao thông Quốc gia chọn chủ đề là “ Nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Lâu nay khi đề cập tới vấn đề đảm bảo an toàn giao thông người ta chỉ mới tập trung chú ý đến việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, mà chưa thấy hết vai trò quan trọng của những người thực thi công vụ. Thực tế cho thấy ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, đảm bảo an toàn giao thông. Họ là chủ thể, là lực lượng được Nhà nước, xã hội giao nhiệm vụ tổ chức, quản lý, đảm bảo trật tự ATGT, do đó đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp, năng lực công tác, đạo đức nghề nghiệp tốt. Người thực thi công vụ đảm bảo an toàn giao thông trước hết là lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông đều được đào tạo, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ; đòi hỏi phải hành xử đúng theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên thực tế diễn ra cho thấy một số người có trách nhiệm thực thi công vụ đang có những vấn đề cấn được chấn chỉnh. Mới gần đây báo chí đề cập tới việc phải chung chi 120 triệu đồng của 4 cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên- Huế vì có việc làm sai trái, bị một số đối tượng ghi hình tống tiền là một ví dụ. Đối với người tham gia giao thông cũng có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế tai nạn, bởi suy cho cùng ý thức của người tham gia giao thông là cái gốc, là nền tảng tạo nên môi trường giao thông có trật tự, văn minh, an toàn. Nếu có ý thức tốt, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, có văn hóa, biết nhường nhịn, đi đúng phần đường, làn đường của mình, không phóng nhanh, vượt ẩu, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện ô tô, xe máy, chắc chắn sẽ hạn chế được tai nạn, làm giảm bớt những đau thương, mất mát. Để thực hiện tốt chủ đề an toàn giao thông của năm 2013, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 54, ngày 14/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT sâu rộng đến các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, đến tận mọi người dân với nhiều hình thức phong phú. Cùng với việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, phải chú ý đến tuyên truyền miệng, trực quan; dùng thông điệp, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, các hội thi... Tổ chức tuyên truyền theo các chủ đề như: Quy tắc giao thông đường bộ, phòng chống uống rượu bia đối với lái xe, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, quy tắc an toàn khi vượt đường sắt, điều kiện đảm bảo an toàn phương tiện đường thủy, vận động người đi đò mặc áo phao. Đồng thời phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT; tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và thanh tra chuyên ngành tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tổ chức tốt công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp cho lực lượng đảm bảo trật tự ATGT. Có những biện pháp hiệu quả đấu tranh chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; chống tình trạng “mãi lộ”, “làm luật” của Cảnh sát Giao thông đối với những người lái xe tải, xe khách mà dư luận bấy lâu đã lên tiếng. Vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật khi vi phạm hành chính. Thường xuyên kiểm tra đối với cán bộ, công chức, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT, những người tham gia đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm. Ngoài ra cũng cần chú ý tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT; khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, kiên quyết cưỡng chế vi phạm, tập trung các lỗi là nguyên nhân tăng tai nạn giao thông như: Vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ sai quy định, chú trọng đối tượng lái xe khách, xe quá tải, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật. Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng để hạn chế tai nạn giao thông, đó là nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, cấp giấy phép lái xe, đình chỉ các cơ sở đào tạo, sát hạch vi phạm. Chú trọng chất lượng kiểm định phương tiện giao thông, xử lý các đăng kiểm viên sai phạm, tiêu cực, hàng tháng công bố các xe ô tô, phương tiện thủy hết niên hạn sử dụng. Khắc phục điểm đen, lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo đúng quy định và thuận lợi cho người tham gia giao thông. Triển khai tốt các biện pháp nói trên thì mới có thể đạt mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong năm 2013 là giảm trên 5% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông gây ra. PHƯỚC AN