“Điểm tựa” vững chắc cho người mù
(QT) - Hội Người mù huyện Gio Linh thành lập theo Quyết định số 88/QĐ-UB ngày 20/4/1996 của UBND huyện Gio Linh. Đến nay, qua 23 năm hình thành và phát triển, Hội Người mù huyện làm tốt công tác xây dựng hội vững mạnh, chăm lo và tạo điều kiện tốt cho cán bộ, hội viên và người mù trong huyện vượt qua khó khăn, thách thức, mặc cảm, tự ti để hoà nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội.

“Điểm tựa” vững chắc cho người mù

(QT) - Hội Người mù huyện Gio Linh thành lập theo Quyết định số 88/QĐ-UB ngày 20/4/1996 của UBND huyện Gio Linh. Đến nay, qua 23 năm hình thành và phát triển, Hội Người mù huyện làm tốt công tác xây dựng hội vững mạnh, chăm lo và tạo điều kiện tốt cho cán bộ, hội viên và người mù trong huyện vượt qua khó khăn, thách thức, mặc cảm, tự ti để hoà nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội.

Với sự quan tâm, chăm lo của Hội Người mù huyện, hội viên người mù có việc làm ổn định​

Chủ tịch Hội Người mù huyện Gio Linh Ngô Nguyên Thiền cho biết, những ngày đầu mới thành lập, hội gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc…; cán bộ thiếu kinh nghiệm; phần lớn đời sống hội viên và người mù thuộc diện hộ nghèo, còn mặc cảm, tự ti trong cuộc sống, không mạnh dạn hoà nhập cộng đồng… Với sự hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của huyện Gio Linh, sự phối hợp, giúp đỡ của các phòng, ban chức năng huyện, các nhà từ thiện, hảo tâm và cộng đồng xã hội, với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ, hội viên, Hội Người mù huyện đã xây dựng tổ chức hội từng bước phát triển, đời sống tinh thần, vật chất của người mù dần được cải thiện, từng bước hòa nhập cộng đồng xã hội. Cán bộ, hội viên, người mù tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết do địa phương đề ra và điều lệ, nghị quyết của hội; chăm lo, giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội.

23 năm qua, Hội Người mù huyện Gio Linh luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, hội viên và người mù, nhất là việc thụ hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của huyện, Hội Người mù huyện còn tích cực vận động các tổ chức, công ty, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ vật chất, tinh thần để tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực và ý nghĩa cho cán bộ, hội viên và người mù. Cụ thể như đã làm nhà, sửa nhà cho 63 hội viên, người mù, với kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng; trao tặng 7.518 suất quà trị giá hơn 1,3 tỉ đồng; cấp gạo thường xuyên cho 23 đối tượng là người già neo đơn, với 10kg gạo/tháng/người… Hội còn phối hợp với các đơn vị, tổ chức trong, ngoài tỉnh khám, chữa bệnh, mổ mắt cho hàng trăm lượt cán bộ, hội viên. Công tác chăm lo cho phụ nữ và trẻ em được quan tâm thường xuyên về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, trẻ em và con của cán bộ, hội viên và người mù được trợ cấp học bổng, tặng quà khuyến học…, qua đó, giúp các em vơi đi những mặc cảm trong cuộc sống, phấn đấu rèn luyện, học tập, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hội đưa 9 cháu vào học lớp tiền hòa nhập tại Hội Người mù tỉnh, trong đó có nhiều em được học hành đến nơi đến chốn và quay trở lại giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống.

Trong quá trình tổ chức hoạt động, Hội Người mù huyện luôn xác định tổ chức và phát triển hội là công tác then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển. Đến nay, hội có 17 Hội Người mù xã, thị trấn và 2 chi hội xã, với 495 hội viên. Công tác chăm lo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên luôn được chú trọng. Thời gian qua, hội gửi cán bộ, hội viên, người mù đi đào tạo ở các Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng tại TP. Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm lớp quản lí hội cho 15 người, giáo viên cho 2 người, xoa bóp bấm huyệt cho 7 người, tin học văn phòng cho 4 người. Hội Người mù huyện chủ động tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình đào tạo, dạy nghề để cho cán bộ, hội viên có nguồn vốn, có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống bản thân và xây dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn. Sau khi Hội Người mù Việt Nam được Nhà nước quan tâm cho vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120 của Chính phủ, hội đã khảo sát, lập dự án đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho hội viên vay vốn. Từ năm 1996 đến nay, Ngân hàng Chính sách huyện triển khai cho vay gần 170 dự án, với số tiền quay vòng hơn 5,6 tỉ đồng, cho 450 lượt người vay. Hiện hội đang quản lí 6 dự án, số tiền hơn 318 triệu đồng, cho 24 lượt người vay. Nhìn chung người mù sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, trả vốn và lãi đầy đủ, không có nợ quá hạn.

Công tác lao động sản xuất thường xuyên được quan tâm để tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và người mù, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngay từ những ngày đầu thành lập, hội đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp kinh phí để tổ chức sản xuất, vừa giải quyết việc làm cho người mù, vừa gây quỹ hoạt động cho hội. Hiện nay, hội có 1 cơ sở sản xuất tăm tre, hương thơm, dầu rửa bát tập trung với 7 lao động; 1 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt với 3 lao động thường xuyên, có thu nhập tương đối ổn định. Ngoài tổ chức lao động tập trung, thông qua đào tạo nghề, vay vốn giải quyết việc làm đã tạo thêm việc làm cho hội viên, người mù tại cộng đồng. Anh Nguyễn Trí Trước (sinh năm 1976) ở thôn Hải Lam (Linh Hải) cho biết: “Trước đây, tôi có đôi mắt sáng và nghề làm nghề thợ mộc khá ổn định để lo cho vợ con. Thế nhưng, trong một lần đau mắt, tôi đi khám ở Bệnh viện đa khoa tỉnh và phát hiện bị viêm màng bồ đào. Tôi được gia đình đưa ra các bệnh viện ở Hà Nội khám, chữa trị nhưng không có kết quả từ năm 2009. Những tháng ngày đầu sống trong cảnh mù lòa, tôi cảm thấy bất lực, không còn tha thiết gì với cuộc sống. Nhưng rồi, tôi cố gắng vực dậy tinh thần, quyết không gục ngã, vì vợ con và vì chính bản thân mình. Tôi quyết định đăng kí theo học nghề xoa bóp, bấm huyệt ở thành phố Đông Hà. Khi có công việc cho nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ mọi vui buồn với những người cùng hoàn cảnh, tôi cảm thấy phấn chấn, yêu cuộc đời hơn. Có được như hôm nay, tôi cảm ơn cán bộ, hội viên và gia đình, người thân đã luôn động viên, tiếp sức. Đây là động lực để tôi phấn đấu hơn nữa, trở thành người hữu ích và truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh khó khăn cùng vượt qua số phận, sống cuộc đời có ý nghĩa”.

Với những thành tích nổi bật trong công tác hội và chăm lo cho cán bộ, hội viên, 23 năm qua, tập thể hội và các cán bộ, hội viên Hội Người mù huyện Gio Linh được Trung ương Hội tặng 10 bằng khen cho tập thể và 7 bằng khen cho cá nhân; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tặng 6 bằng khen cho các tập thể, cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác do các cấp, ngành khen thưởng, trao tặng. Chủ tịch Hội Người mù huyện Gio Linh Ngô Nguyên Thiền cho biết thêm, 23 năm qua, hội đã làm tốt việc chăm lo đời sống, kinh tế cho người mù, từng bước xóa đi nỗi bất hạnh, tự ti, mặc cảm, giúp người mù hòa nhập với cộng đồng xã hội. Thời gian tới, hội nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, luôn là “điểm tựa” vững chắc cho cán bộ, hội viên và người mù trong toàn huyện...

Hoài Nhung