Châu Âu “nhuốm” sắc vàng biểu tình
QĐND - “Độ nóng” của cuộc biểu tình do phòng trào biểu tình “Áo vàng” phát động ở Pháp nhằm phản đối việc tăng thuế nhiên liệu đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, “sức nóng” này lại gia tăng ở Italy khi trong hai ngày cuối tuần qua, hàng nghìn người mặc áo vàng đã xuống đường phản đối luật nhập cư và an ninh mới, được quốc hội nước này thông qua hôm 28-11.

Châu Âu “nhuốm” sắc vàng biểu tình

QĐND - “Độ nóng” của cuộc biểu tình do phòng trào biểu tình “Áo vàng” phát động ở Pháp nhằm phản đối việc tăng thuế nhiên liệu đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, “sức nóng” này lại gia tăng ở Italy khi trong hai ngày cuối tuần qua, hàng nghìn người mặc áo vàng đã xuống đường phản đối luật nhập cư và an ninh mới, được quốc hội nước này thông qua hôm 28-11.

Tờ Le Monde của Pháp cho biết, làn sóng biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người tham gia phong trào biểu tình “Áo vàng” đã giảm mạnh vào cuối tuần thứ 5 và cũng là tuần mang tính quyết định. Thống kê của Bộ Nội vụ Pháp cho biết, ước tính 66.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp diễn ra vào ngày 15-12, giảm tới một nửa so với tuần trước. Tại thủ đô Paris, khoảng 2.200 người tham gia làn sóng biểu tình “Áo vàng”.

Một dấu hiệu khác cho thấy không khí có phần bớt căng thẳng hơn khi tháp Eiffel, các viện bảo tàng cũng như nhiều cửa hàng lớn bị đóng cửa hồi tuần trước giờ đã mở cửa trở lại. Hai cửa hàng túi xách nổi tiếng là Louis Vuitton và Longchamp cũng nằm trong số ít ỏi các cửa hiệu mở cửa trên Đại lộ Champs-Elysées. Theo một số chính trị gia, đây là dấu hiệu cho thấy các biện pháp của chính phủ đã đáp ứng được một phần nguyện vọng của người dân và đây chính là lúc để đối thoại bắt đầu.

Phong trào “Áo vàng” biểu tình trên đại lộ Champs-Elysées ở Paris ngày 15-12. Ảnh: Reuters

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố một loạt các nhượng bộ đối với phong trào biểu tình “Áo vàng” bùng nổ khắp các vùng nông thôn cho tới thành thị ở Pháp. Gói các biện pháp về thuế và lương tối thiểu cho công nhân thu nhập thấp, cùng thời tiết mùa đông giá lạnh có vẻ như đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trên cả nước sau hơn một tháng đụng độ và chia rẽ. Tính đến tối 15-12, tình hình ở thủ đô Paris về cơ bản yên bình, ngược hẳn với không khí căng thẳng của hai ngày thứ bảy trước. Mặc dù vậy, vẫn có 168 người biểu tình bị bắt (thấp hơn nhiều so với mức 1.000 người hồi tuần trước).

Trong khi các cuộc biểu tình ở Pháp đang giảm nhiệt thì ngày 15-12, hàng nghìn người dân Italy đã xuống đường ở thủ đô Rome để biểu tình phản đối luật nhập cư và an ninh mới. Những người biểu tình cũng mang áo vàng và giương cao các biểu ngữ “Hãy đứng lên vì quyền lợi của các bạn”. Những người biểu tình cho rằng, luật mới “chống người di cư” này sẽ chỉ làm gia tăng thêm số lượng người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp ở Italy, qua đó khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.

Trước đó, Thượng viện và Hạ viện Italy đã thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn, do Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đệ trình, bất chấp sự phản đối của phe cánh tả. Sắc lệnh trên sẽ nới lỏng các quy định về trục xuất người nhập cư, cho phép tước quyền công dân Italy của người nhập cư nếu bị buộc tội khủng bố. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay thế bằng các giấy phép cư trú theo diện “bảo vệ đặc biệt” hay “thảm họa tự nhiên ở quê hương”.

Vượt qua ngoài biên giới lãnh thổ Pháp và Italy, phong trào “Áo vàng” cũng đang lan nhanh tới Anh, Hà Lan, Bỉ, Áo trong những ngày cuối tuần qua. Theo giới quan sát, có thể thấy một “mẫu số chung” cho tâm lý giận dữ, phản kháng của một bộ phận người dân châu Âu thời gian vừa qua là sự mệt mỏi, chán nản khi kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cú sốc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng èo uột không đủ tạo thêm việc làm, an ninh không được bảo đảm, đói nghèo gia tăng, và hơn hết là sự bất công xã hội, khiến bất bình đẳng ngày một nới rộng. Do vậy, ngoài việc tìm giải pháp hiệu quả cho những vấn đề kinh tế-xã hội gây bức xúc, chính phủ các nước châu Âu cần phải tìm cách hàn gắn rạn nứt xã hội và khôi phục lòng tin của người dân.

BÌNH NGUYÊN