Xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng
* Đồng chí KHỔNG TRUNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn- Đề nghị đồng chí cho biết sự cần thiết phải thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh? - Các hệ sinh thái, trong đó có hệ sinh thái rừng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Xét về lợi ích kinh tế, rừng tạo ra giá trị sử dụng hiện vật và giá trị sử dụng trừu tượng. Giá trị sử dụng hiện vật (còn gọi là giá trị sử dụng trực tiếp) của ...

Xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng

* Đồng chí KHỔNG TRUNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn - Đề nghị đồng chí cho biết sự cần thiết phải thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh?

- Các hệ sinh thái, trong đó có hệ sinh thái rừng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Xét về lợi ích kinh tế, rừng tạo ra giá trị sử dụng hiện vật và giá trị sử dụng trừu tượng. Giá trị sử dụng hiện vật (còn gọi là giá trị sử dụng trực tiếp) của rừng là sản xuất, cung cấp gỗ và các loại lâm sản khác. Giá trị sử dụng trừu tượng (còn gọi là giá trị sử dụng gián tiếp) là những giá trị do rừng tạo ra tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển rừng. Các giá trị này cung ứng tự nhiên cho nhiều người, thậm chí là cả xã hội cùng hưởng lợi, đó là điều tiết, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, hấp thụ các bon, hạn chế lũ lụt, lũ quét, ngăn chặn sạt lở đất, chống cát bay, chóng sa mạc hóa đất đai, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan vẽ đẹp thiên nhiên... Việc hưởng lợi các giá trị sử dụng của rừng, đặc biệt là hưởng lợi các giá trị sử dụng trừu tượng cuả rừng như là của trời cho, cứ mặc nhiên hưởng lợi, không cần phải tính toán, bảo vệ. Trong khi đó việc bảo vệ và phát triển rừng chỉ được thực hiện bởi những người lao động sản xuất lâm nghiệp (các chủ rừng) trực tiếp đầu tư vốn, lao động để trồng rừng, bảo vệ rừng... tạo ra các giá trị các giá trị sử dụng, các giá trị này được cung ứng cho mọi thành viên trong xã hội thụ hưởng, thì các chủ rừng phải được chi trả hoàn lại phần vốn, lao động mà họ đã đầu tư cho rừng. Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về giá trị của rừng và xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện xã hội hoá nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất điện, nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất các hoạt động kinh doanh du lịch, hấp thụ các bon từ các cơ sở công nghiệp..., ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/ NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để thực hiện Nghị định số 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cần phải xây triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể, trong đó có xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển (BV&PT) rừng để phục vụ cho thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Quảng Trị. - Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí? -Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng được thực hiện thông qua hai hình thức, chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp. Chi trả trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận tự nguyện giữa bên sử dụng và cung ứng dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định tại Nghị định 99. Chi trả gián tiếp được áp dụng trong trường hợp bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng không có khả năng và điều kiện trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng mà thông qua Quỹ BV&PT cấp tỉnh. Chi trả gián tiếp có sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước, đây là hình thức phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tính pháp lý cao. Qua đó, Nhà nước giám sát hoạt động giữa hai bên, yêu cầu các bên thực hiện đúng quyền hạn, nghĩa vụ của mình. Ở cấp tỉnh, Quỹ BV&PT rừng thực hiện chi trả cho đối tượng là chủ rừng. Số tiền được chi trả của một loại dịch vụ cho chủ rừng được xác định bằng diện tích rừng có cung cấp dịch vụ của chủ rừng nhân với số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng và nhân với hệ số chi trả tương ứng với chủ rừng đó (sau đây gọi chung là hệ số K).

Rừng tạo ra nguồn nước để xây dựng các công trình thủy lợi - Ảnh: HVA

Hệ số K được xác định căn cứ vào các yếu tố, trạng thái rừng (là khả năng tạo dịch vụ môi trường rừng), loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), nguồn gốc hình thành rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng), mức độ khó khăn, thuận lợi đối với việc bảo vệ rừng (yếu tố xã hội và địa lý). Một khu rừng cung cấp được nhiều dịch vụ môi trường rừng thì được hưởng các khoản chi trả của các dịch vụ đó. Số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng được xác định bằng: số tiền thu được của bên chi trả một loại dịch vụ môi trường rừng cụ thể, sau khi trừ khoản tiền quản lý, kinh phí dự phòng (theo quy định), chia cho tổng các diện tích rừng từng loại của các chủ rừng cùng tham gia cung cấp dịch vụ đó, nhân với hệ số K tương ứng với diện tích rừng từng loại của chủ rừng được chi trả. Đối tượng được chi trả là hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Số tiền mà hộ nhận khoán được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được xác định bằng số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng nhân với diện tích rừng được chi trả (ha) và hệ số K. Số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng (đ/ha) được xác định bằng tổng số tiền còn lại sau khi trừ khoản tiền quản lý, kinh phí dự phòng chia cho tổng các diện tích rừng từng loại chi trả tại thời điểm được cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận nhân với hệ số K tương ứng với diện tích rừng từng loại được chi trả. - Quỹ BV&PT rừng cấp tỉnh có nhiệm vụ gì, thưa đồng chí? - Quỹ BV&PT rừng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn nhà nước cấp ban đầu. Quỹ hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư. Hoạt động của quỹ phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật. Quỹ BV&PT rừng có nhiệm vụ phối hợp với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (bên phải trả tiền ủy thác về Quỹ BV&PT rừng) xác định số tiền phải chi trả của từng đối tượng sử dụng dịch vụ theo kỳ thanh toán trên địa bàn. Đại diện cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền ủy thác về Quỹ BV&PT rừng cấp tỉnh, xác định trách nhiệm của mỗi bên trong việc chi trả và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, là căn cứ để giám sát, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của mỗi bên trong việc chi trả và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tiếp nhận tiền ủy thác và tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chuyển trực tiếp đến Quỹ BV&PT rừng cấp tỉnh. Thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên cơ sở số lượng và chất lượng rừng của các chủ rừng có xác nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với chủ rừng là tổ chức), có xác nhận của cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp cấp huyện do UBND huyện chỉ định (đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn) và chi trả tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo đề nghị của các chủ rừng có xác nhận của UBND xã. Làm đầu mối giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra các chủ rừng trong việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng, thanh toán tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, kiểm tra việc nộp tiền chi trả của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Báo cáo UBND tỉnh về tình hình thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Ở Quảng Trị, thực hiện Nghị định số 05/2008/ND-CP ngày 14/1/2008 về Quỹ BV&PT rừng, năm 2010, Chi cục kiểm lâm đã xây dựng dự thảo, lấy ý kiến của các ngành, địa phương liên quan. Đến nay đã hoàn chỉnh và sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành. Ở cấp xã, đến nay đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt được 10 quỹ BV&PT rừng. Hiện Chi cục Kiểm lâm tiếp tục hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho một số xã tiếp tục xây dựng. - Xin cảm ơn đồng chí! HÀ VÂN AN (thực hiện)