(QT) - Tiêu thụ nông sản nhỏ lẻ là cách làm kém hiệu quả nhất trong sản xuất nông nghiệp và khó trở thành sản xuất hàng hóa. Nhận thức được điều này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các ngành chức năng đã rất nỗ lực để hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản tại các công ty thương mại, các hệ thống siêu thị song kết quả đạt quá thấp so với nhu cầu cung cấp nông sản của nông dân mà nguyên nhân là do nông dân còn thiếu liên kết trong khâu tổ chức sản xuất nên nông sản chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các đơn hàng lớn của hàng hóa bán tại hệ thống siêu thị.
![]() |
Hàng hóa bày bán tại Siêu thị Co.op mart Đông Hà |
Cũng như tất cả các mặt hàng khi đưa vào tiêu thụ ở các siêu thị lớn, mặt hàng nông sản phải qua hệ thống kiểm định, kiểm soát khá nghiêm ngặt, nhất là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Theo Quy định về thủ tục và điều kiện cần thiết để nhập hàng vào Siêu thị Co.op mart qua nhiều bước mà đối tác phải là một tổ chức như doanh nghiệp, HTX… chứ không phải là những cá nhân riêng lẻ. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần có về hàng hóa kinh doanh trong siêu thị như: Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, giấy phép kinh doanh, hồ sơ chất lượng hàng hóa, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm… Bà Hồ Thị Minh Duyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Sài Gòn- Đông Hà cho biết: “Nhiều nông sản tươi sống cũng như đã qua chế biến ở Quảng Trị rất ngon, đảm bảo chất lượng nhưng vẫn thiếu các tiêu chí chứng nhận mà Saigon Co.op yêu cầu nên vẫn không thể tiêu thụ ở hệ thống siêu thị này được. Việc này làm cho công ty không có điều kiện để góp phần giúp sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển được nhiều hơn”
Hiện tại, nông sản Quảng Trị có mặt tại Siêu thị Co.op mart mới chỉ 6 mặt hàng của 7 nhà cung cấp với doanh số bán ra chưa nhiều, khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, bao gồm: Trứng gia cầm của Công ty Phúc Thảo (Đông Hà), rau các loại của HTX Đông Thanh (Đông Hà), thịt gia súc của cơ sở giết mổ Trần Thị Phúc (Đông Hà), tinh bột nghệ của Doanh nghiệp Hoa Lưu (Đông Hà), tinh bột nghệ Hùng Dung (Vĩnh Linh), nước mắm của cơ sở nước mắm Thuyền Nan (Triệu Phong) và ngao sò của cơ sở Hồ Sỹ Bình (Đông Hà).
Chị Trương Thị Thảo, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phúc Thảo, phường Đông Lễ, Đông Hà đã cung cấp trứng gia cầm cho Siêu thị Co.op mart kể từ khi siêu thị này mới đi vào hoạt động cho tới nay. Doanh nghiệp cung cấp nhiều loại trứng như trứng gà, vịt, cút…Tất cả các loại trứng được doanh nghiệp thu mua từ các cơ sở sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng mẻ nào xuất ra doanh nghiệp cũng phải qua kiểm dịch của thú y. Mỗi loại trứng có một mã vạch riêng. Khi nhập vào Siêu thị Co.op mart còn dán thêm tem của siêu thị. Chị Thảo cho biết: “Vì phải đảm bảo an toàn thực phẩm và minh bạch trong kinh doanh nên loại trứng nào nhập vào siêu thị cũng phải có chứng nhận kiểm dịch, có hóa đơn chứng từ rõ ràng và có cam kết về chất lượng sản phẩm. Thông qua doanh nghiệp, sản phẩm của các cơ sở chăn nuôi gia cầm đều được kiểm tra thú y đầy đủ”.
Việc đưa hàng hóa vào bán ở các hệ thống siêu thị không chỉ góp phần làm tăng hiệu quả của cơ sở sản xuất mà còn buộc các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhờ đó, sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Từ những quy định, quy chuẩn tiêu thụ hàng hóa ở siêu thị, khi người nông dân vẫn là những hộ sản xuất đơn lẻ thì những nông sản của họ sẽ còn gặp nhiều khó khăn để đưa vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị. Muốn làm được điều này, nông dân không chỉ sản xuất ra chất lượng hàng hóa tốt mà đòi hỏi họ phải sản xuất có liên kết, có tổ chức đại diện để đăng ký chất lượng nông sản với cơ quan chức năng quản lý và giao dịch thương mại với công ty trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Đã đến lúc phát triển sản xuất nông nghiệp phải có mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã, công ty để tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản một cách có hệ thống, có kiểm soát. Đây là một yêu cầu cần thiết đặt ra cho thực tiễn ngành nông nghiệp tỉnh để nông dân tránh được rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, nền nông nghiệp của tỉnh cơ bản vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Những năm qua, mặc dù các ngành chức năng có hỗ trợ nông dân trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đăng ký nhãn hiệu…song người nông dân vẫn còn thiếu sự hỗ trợ bài bản từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ nông sản mà ở đó vai trò của doanh nghiệp, HTX là quan trọng nhất. Nông dân sẽ tự chủ sản xuất trên mảnh ruộng của mình nhưng cần có HTX giám sát, quản lý, hỗ trợ kỹ thuật về tổ chức sản xuất sao cho tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Hơn nữa, khi có sự kiên kết trong sản xuất sẽ tạo ra được một sản lượng nông sản lớn mới trở thành hàng hóa, chất lượng cao, ổn định, đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn của doanh nghiệp đúng thời gian và giá cả cạnh tranh. HTX cũng là người đại diện cho nông dân ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có các chứng từ thanh toán để kinh doanh minh bạch. HTX cũng đủ khả năng để đứng ra đăng ký nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm cho nông dân. Đây là việc mà mỗi hộ nông dân riêng lẻ không làm được mà cần phải liên kết thành một tập thể để thực hiện các giao dịch thương mại và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa. Có như vậy thì vấn đề sản xuất của nông dân đúng quy trình kỹ thuật và việc tiêu thụ nông sản không còn chịu cảnh “được mùa mất giá”, sản xuất nông nghiệp sẽ ổn định hơn.
Võ Thái Hòa