Trồng rừng, một cách làm giàu của người Vân Kiều
(QT) - Điểm sáng trên miền Tây Gio Linh hôm nay chính là người đồng bào dân tộc Vân Kiều đã phát huy trí tuệ, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực không ngừng để đánh thức tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương 2 xã Linh Thượng và Vĩnh Trường (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Không chỉ làm giàu từ phát triển kinh tế rừng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, người Vân Kiều còn có nhiều hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo vươn tới cuộc sống tốt đẹ p hơn. Người dân miền núi chăm sóc ...

Trồng rừng, một cách làm giàu của người Vân Kiều

(QT) - Điểm sáng trên miền Tây Gio Linh hôm nay chính là người đồng bào dân tộc Vân Kiều đã phát huy trí tuệ, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực không ngừng để đánh thức tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương 2 xã Linh Thượng và Vĩnh Trường (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Không chỉ làm giàu từ phát triển kinh tế rừng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, người Vân Kiều còn có nhiều hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo vươn tới cuộc sống tốt đẹ p hơn.

Người dân miền núi chăm sóc rừng trồng

Anh Hồ Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã Linh Thượng cho biết, hơn 10 năm trước, cuộc sống người Vân Kiều gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do trình độ người dân còn thấp, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ, cùng với đó là tập quán sản xuất lạc hậu… Được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các lớp đào tạo nghề, chuyển giao các tiến bộ KHKT, nguồn vốn ưu đãi… đã giúp người dân địa phương có nhiều chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong phát triển kinh tế. Về phía chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên xã Linh Thượng đã tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, trong đó xác định rõ cây trồng chủ lực để giúp người dân làm giàu, thoát nghèo bền vững là trồng rừng. Để người dân trồng rừng đạt hiệu quả cao, xã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm về trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, tổ chức bảo vệ, khai thác đi đôi với trồng rừng mới... cho người dân. Nhờ vậy, hiện nay, xã Linh Thượng có hơn 1.360 ha rừng trồng, trong đó, rừng trồng của hộ gia đình hơn 860 ha. Bình quân hàng năm, toàn xã trồng mới hơn 100 ha, trong năm 2014, trồng mới hơn 140 ha. Nhiều hộ gia đình Vân Kiều đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu từ trồng rừng, tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Khe Me với hơn 15 ha rừng, ông Hồ Quốc Hưng ở thôn Bến Mộc II với hơn 30 ha rừng… Ông Nguyễn Văn Bình, một hộ trồng rừng tiêu biểu ở Linh Thượng cho biết: “Là một người Vân Kiều nên tôi hiểu rõ tập quán sản xuất lạc hậu ở địa phương. Những năm làm Bí thư Đảng ủy xã Linh Thượng, tôi luôn động viên, khuyến khích người dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tích cực trồng rừng phủ xanh đồi trọc, ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi... Để làm thay đổi từ tư tưởng đến hành động của người dân, tôi xác định, mình phải gương mẫu tiên phong và làm có hiệu quả, khi đó mọi người mới làm theo”. Đến nay, dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Bình vẫn là tấm gương trong phát triển kinh tế với 15 ha tràm, hơn 2 ha cây cao su, 2 mẫu lúa, gần 20 con trâu bò, 3 ha ao cá... cho thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng. Cũng như xã Linh Thượng, người dân xã Vĩnh Trường luôn chú trọng phát triển kinh tế rừng. Ông Hồ Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường cho biết: “Hiện nay, diện tích rừng trồng toàn xã là 350 ha, bình quân hàng năm trồng mới từ 25- 40 ha. Hiệu quả từ kinh tế rừng mang lại sự đổi thay mạnh mẽ, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng”. Ông Hồ Vê, thôn Xóm Bàu cho biết: “Ngày trước, tôi xác định rõ, trên mảnh đất này chỉ có trồng rừng mới mong đổi thay cuộc sống. Khi bắt tay vào trồng rừng, tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì không có tiền mua cây giống, phân bón nên chỉ còn cách cứ khai hoang đến đâu thì đi vay tiền của người thân, hàng xóm đến đó để mua cây giống về trồng. Do không có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc rừng nên cây mới trồng được không lâu lại chết. Không chịu bỏ cuộc, gia đình tôi vẫn tiếp tục trồng rừng”. Đến nay, ông Hồ Vê đã có trang trại tổng hợp rộng gần 12 ha, trong đó hơn 6 ha rừng trồng, 3 ha cao su, hàng chục con trâu, bò… thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. “Rừng đã mang lại nhiều người lợi nhuận cho người Vân Kiều ở Vĩnh Trường”, anh Hồ Văn Xá, thôn Xóm Tre cho biết. Là một trong những người tiên phong trồng rừng ở Vĩnh Trường, anh Xá bắt đầu trồng rừng từ năm 1997, đến nay, đã có 15 ha rừng. Bình quân hàng năm anh khai thác 2- 3 ha rừng, 3 ha cao su, gần 1 ha tiêu, hàng chục con trâu, bò nhốt chuồng… với thu nhập bình quân hàng năm trên 150 triệu đồng chính là thành quả mà anh Xá đạt được hôm nay sau hành trình làm ăn đầy gian truân. Bài, ảnh: HOÀI NHUNG