Triệu Phong đi lên từ nội lực
(QT) - Từ một địa phương thuần nông, những năm trở lại đây, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã khai thác khá tốt tiềm năng lợi thế để đa dạng hóa ngành nghề thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, hiện chỉ còn 17,07%, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 21%, hộ khá giàu tăng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Chỉ tính riêng trong 16.670 hộ hội viên nông dân của huyện thì có đến 7.008 hộ đạt tiêu chí sản xuất- kinh doanh giỏi, trong đó đạt cấp ...

Triệu Phong đi lên từ nội lực

(QT) - Từ một địa phương thuần nông, những năm trở lại đây, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã khai thác khá tốt tiềm năng lợi thế để đa dạng hóa ngành nghề thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, hiện chỉ còn 17,07%, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 21%, hộ khá giàu tăng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Chỉ tính riêng trong 16.670 hộ hội viên nông dân của huyện thì có đến 7.008 hộ đạt tiêu chí sản xuất- kinh doanh giỏi, trong đó đạt cấp trung ương có 44 hộ, cấp tỉnh 304 hộ, 937 hộ cấp huyện, còn lại đạt cấp xã. Nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Để đạt những kết quả đó, huyện Triệu Phong ban hành và tổ chức thực hiện tốt nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển cây cao su tiểu điền, CN- TTCN, TM- DV, khai thác kinh tế biển, tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa cao, bước đầu cạnh tranh được trên thị trường. Chị Phan Thị Ánh Tuyết, thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng là một trong những hội viên nông dân làm ăn giỏi của huyện cho biết, trước năm 2005, gia đình chị rất nghèo, nhà cửa dột nát, thiếu đói quanh năm.

Cụm công nghiệp làng nghề Ái Tử tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất- kinh doanh

Nhờ sự động viên giúp đỡ kịp thời của các cấp chính quyền, chị đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, được cấp đất, hướng dẫn khoa học- kỹ thuật nên đã tiến hành trồng 2,5 ha cao su, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, mỗi năm cho thu nhập hơn 120 triệu đồng. Nông dân Trần Văn Thiệu, thôn An Lộng, xã Triệu Hòa cũng nhờ thực hiện tốt chủ trương đổi thửa dồn điền của huyện, đã mạnh dạn đấu 0,8 ha đất hoang hóa cải tạo thành hồ nuôi cá và chăn nuôi lợn, gà, vịt, mỗi năm thu về hơn 600 triệu đồng. Những nông dân như thế ở Triệu Phong ngày càng nhiều. Không chỉ nông dân được hưởng lợi từ chính sách phát triển nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng được huyện quan tâm tạo điều kiện phát triển sản xuất- kinh doanh. Ông Lê Văn Hưởng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Nguyên Phong cho biết, năm 2009, huyện Triệu Phong thành lập cụm công nghiệp làng nghề Ái Tử, ông đã thuê mặt bằng sản xuất với hơn 12.500 m2 và đầu tư hệ thống nhà xưởng, lò sấy, máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm. Nhờ có cụm công nghiệp này, doanh nghiệp đã có nơi sản xuất ổn định, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, tạo ra việc làm cho 100 lao động địa phương. Hiện Triệu Phong đã quy hoạch 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 80 ha, trong đó cụm công nghiệp làng nghề Ái Tử với diện tích 38 ha (giai đoạn 1 là 11 ha) đã thu hút 15 dự án đầu tư, cơ bản lấp đầy với tổng vốn đầu tư 98 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho trên 600 lao động ở địa phương. Huyện đang tiếp tục quy hoạch thêm 2 cụm công nghiệp ở Nam Cửa Việt 30 ha và Tây Triệu Phong 50 ha để chế biến thủy hải sản và gỗ rừng trồng, mủ cao su. Để đáp ứng đủ nguyên liệu cao su cho các nhà máy chế biến, tạo việc làm cho người lao động, Triệu Phong không ngừng mở rộng diện tích trồng cao su tiểu điền, đến nay đạt khoảng 700 ha. Đây là loại cây không chỉ có giá trị về sản phẩm mủ, mà còn góp phần tăng độ che phủ của rừng, cải tạo môi trường, cung cấp một lượng gỗ đáng kể khi hết chu kỳ khai thác mủ. Bên cạnh đó, khi phát triển vùng cây cao su trên khu vực vùng gò đồi, tạo điều kiện cho huyện thực hiện di giãn dân, mở thêm đường sá, phát triển dịch vụ... góp phần quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Mặt khác, Triệu Phong khuyến khích người dân phát triển nuôi trồng đánh bắt thủy sản ở vùng ven biển. Nhờ đó, đến nay đã có hàng chục ngàn héc-ta vùng cát, huyện đã phát triển làng sinh thái, nuôi tôm, trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao. Cải hoán tàu thuyền đánh bắt trung và xa bờ tăng sản lượng đánh bắt hải sản, hàng năm luôn đạt trên 4.000 tấn, tăng gấp 2 lần so với 10 năm trước. Đối với những địa phương vùng đồng bằng, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Diện tích gieo trồng toàn huyện đạt hơn 15.000 ha, trong đó diện tích lúa hai vụ trên 10.000 ha, giống lúa chất lượng cao chiếm 55%. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong canh tác, nguồn giống, chú trọng đảm bảo nguồn nước tưới mùa khô, tiêu mùa lũ nên năng suất lúa 5 năm trở lại đây luôn đạt 104 tạ/ha, tăng gấp 2 lần so với trước. Thương mại- dịch vụ tuy chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh của huyện nhưng bước đầu đã tạo ra diện mạo mới để phát triển. Sau nhiều nỗ lực phấn đấu trong công tác đầu tư, đến nay chợ huyện ở thị trấn Ái Tử chuẩn bị đi vào hoạt động với quy mô lên đến hàng trăm lô quầy. Bên cạnh đó, nhờ giao thông tương đối thuận lợi, sức mua của người dân tăng lên đáng kể nên khắp các địa phương có hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể, hàng chục doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, để nội lực của người dân, doanh nghiệp thực sự là động lực của sự phát triển, Triệu Phong cần có chính sách hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm nông nghiệp vì đây là thế mạnh của huyện trong nhiều năm qua và trong những năm tới. Bởi trong số gần 20.000 hộ hội viên nông dân, có rất nhiều hộ đạt nông dân sản xuất giỏi nhưng chưa tạo được thương hiệu của một sản phẩm nào. Số lượng doanh nghiệp năm sau nhiều hơn năm trước nhưng cũng chỉ là những doanh nghiệp nhỏ chủ yếu là sơ chế gỗ rừng trồng, chế biến thô thủy sản xuất khẩu nên hiệu quả mang lại còn thấp. Những ngành nghề truyền thống như sản xuất chổi đót, làm bún, bánh ướt, nước mắm... cũng chỉ để tự sản tự tiêu trong huyện. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử được kỳ vọng là điểm sáng công nghiệp của huyện, nhưng sau gần 3 năm được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thì nay cũng chưa được khởi động tích cực khiến rất nhiều doanh nghiệp chưa thể vào đầu tư làm ăn lâu dài được. Chính quyền địa phương cần tiếp tục có những chính sách sát với tình hình thực tế để khai thác tối đa nội lực mà huyện đang có, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Bài, ảnh: NGUYỄN VINH