Người cựu chiến binh đoạt giải thưởng cuộc thi “Xuân 1975- Bản hùng ca toàn thắng”
(QT) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Lê Văn Quýt (trú tại khu phố 1, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) vẫn nhớ như in tháng ngày xông pha trận mạc. Ký ức ấy đã thôi thúc ông viết bài tham dự cuộc thi “Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng” do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát động nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975- 2015) và đoạt giải nhì toàn quốc.
.jpg) |
Ông Lê Văn Quýt thường xuyên đọc sách báo để tìm hiểu các tư liệu lịch sử |
Tuy đã bước sang tuổi 84 nhưng ông Lê Văn Quýt vẫn giữ thói quen đọc sách báo, tìm hiểu tư liệu lịch sử. Năm 2010, căn bệnh tai biến mạch máu não khiến ông Quýt không còn khỏe mạnh, tinh anh như xưa, song những câu chuyện về chiến tranh vẫn hiện diện rõ trong tâm trí người lính già. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại ngồi trò chuyện cùng con cháu về những năm tháng trong quân ngũ mà bản thân từng trải qua. Giữa năm 2014, ông Quýt đọc báo và biết đến cuộc thi “Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng”. Ngay lập tức, một suy nghĩ xuất hiện trong đầu ông: “Mình từng sống trong những thời khắc hào hùng của dân tộc, chứng kiến nhiều câu chuyện ít ai biết, tại sao không chia sẻ với mọi người?”. Vì thế, ông Quýt bắt tay viết bài dự thi, lấy nhan đề là “Hành quân thần tốc nhờ có dân”. Sau đó, ông cẩn thận gửi cho các đồng đội cũ xem và góp ý. Điều khiến ông Quýt vui mừng là ai cũng khen ngợi. Một đồng đội cũ còn cẩn thận đánh máy, gửi bài dự thi giúp ông. Viết từ ký ức nên ông Quýt không mất nhiều thời gian. Câu chuyện được đưa vào bài dự thi diễn ra vào cuối tháng 3/1975. Sau khi mất Tây Nguyên và miền Trung Trung Bộ, quân ngụy lập tuyến phòng thủ ở tỉnh Ninh Thuận để bảo vệ Sài Gòn từ xa. Bấy giờ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Đường 19, góp phần giải phóng tỉnh Bình Định, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng đang củng cố lực lượng tại khu vực Phú Tài thì nhận lệnh hành quân “thần tốc” đánh địch tại tuyến phòng thủ Phan Rang (Ninh Thuận). “Tôi nhớ, ngày 8/4/1975 nhận lệnh chiến đấu mà sáng 14/4/1975 đã phải nổ súng. Từ tỉnh Bình Định vào Ninh Thuận khoảng 400 km, làm sao trong 5 ngày vừa hoàn thành phương án tác chiến vừa tổ chức cho hàng ngàn bộ đội của Trung đoàn có thể đi bộ được quãng đường xa như vậy?” , ông Lê Văn Quýt giãi bày. Trước tình hình ấy, lãnh đạo Trung đoàn họp và quyết định cho các đơn vị liên hệ với địa phương, vận động các gia đình có xe chở khách tham gia vận chuyển bộ binh cùng xe tải chở các đơn vị hỏa lực mang vác. Đảng ủy Trung đoàn xác định sơ bộ, trận đánh sắp tới, Tiểu đoàn 3 là đơn vị chủ yếu đánh vào quận lỵ Du Long nên ưu tiên đi trước. Trung đoàn cử ông Lê Văn Quýt (bấy giờ là Phó Chính ủy Trung đoàn) trực tiếp hành quân với Tiểu đoàn 3 để chỉ huy, trong đó cấp bách nhất là huy động phương tiện để cơ động lực lượng. Nắm được chủ trương và biện pháp tiến hành của Trung đoàn, ông Lê Văn Quýt liền cho văn thư đánh máy hàng loạt giấy chứng nhận, đóng dấu đỏ rồi cùng tổ thông tin liên lạc xuống Tiểu đoàn 3. Sau khi quán triệt nhiệm vụ cho bộ đội, ông Quýt cùng cán bộ hậu cần, cán bộ chính trị đi huy động xe cơ giới. Nhớ lại lúc ấy, ông Quýt chia sẻ: “Theo lời tư vấn của cán bộ địa phương, chúng tôi đứng đón xe ở ngã ba Phú Tài. Anh em chờ khoảng 15 phút thì có 3 chiếc xe đò từ Quy Nhơn đi vào. Xe nào cũng chật ních người và hàng hóa. Tôi giơ tay ra hiệu xe dừng lại, rồi nói ý định mượn xe. Các chủ xe đồng ý nhưng bảo rằng, họ không thể thả khách giữa đường vì đã nhận tiền chuyên chở. Nghe thế, tôi quay ra bên cạnh ba chiếc xe, tập hợp và thông báo với bà con rằng, bọn địch đã thua và rút chạy vào phía Nam nhưng vẫn âm mưu củng cố lực lượng để kháng cự nếu ta không truy kích tiêu diệt. Trên xe bàn tán rất sôi nổi. Sau đó, một cụ già ôm bọc đồ to xuống xe, tiến đến chỗ tôi nói: Bộ đội Sao Vàng thì tôi biết từ lâu, đã đánh thắng cả Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy. Tôi đề nghị bà con hãy nhường xe để bộ đội tiếp tục truy kích giặc. Quê ta giải phóng rồi, phải để cho các chú ấy đi giải phóng nơi khác. Tiếp đó, có nhiều tiếng “Phải”, “Phải”, “Xuống xe hết đi, nhường xe cho bộ đội”… Trong chốc lát, đồng bào trên xe đã xuống hết”. Nhờ tài vận động và sự đồng thuận của người dân, chỉ 30 phút sau, ông Quýt cùng đồng đội đã huy động được thêm 5 chiếc xe, rồi báo với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 nhanh chóng đưa bộ đội ra ngã ba Phú Tài để xuất phát. Tầm 3 giờ sáng ngày 11/4/1975, toàn bộ Tiểu đoàn 3 đã đến vị trí tập kết - Vườn dừa Ba Ngòi, huyện Cam Ranh, cách mục tiêu tiến công khoảng 8 km. Chừng 1 tiếng đồng hồ sau, đội hình Trung đoàn 2 (cũng đi với phương thức như Tiểu đoàn 3) đã tới vị trí quy định của Sư đoàn và nhanh chóng bước vào trận chiến. Trong 3 ngày, từ 14 đến 16/4/1975, Tiểu đoàn 3 cùng đơn vị bạn và quân dân địa phương đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận. Riêng Trung đoàn 2 đã bắt sống tại trận Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và nhiều sĩ quan ngụy. “Cuộc hành quân thần tốc ấy khiến địch hết sức bất ngờ. Lúc ta hỏi cung, Nguyễn Vĩnh Nghi nói: “Chúng tôi nghĩ, có nhanh, các ông cũng phải một tuần lễ nữa mới vào tới Ninh Thuận nên trở tay không kịp”. Về phần mình, tôi nghĩ, nếu không có nhân dân ủng hộ giúp sức, anh em chúng tôi chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ ấy”, ông Lê Văn Quýt cho biết. Câu chuyện mộc mạc, chân thực nhưng rất ý nghĩa của ông Lê Văn Quýt đã khiến các thành viên trong ban giám khảo rất tâm đắc. Đặc biệt, bài dự thi là 1 trong 5 giải nhì của cuộc thi được đánh giá cao bởi tác giả rất chú ý đến hành văn, ý tứ và có hình tư liệu kèm theo. Điều đáng nói là khi bắt tay viết bài tham dự cuộc thi “Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng”, ông Quýt không hề nghĩ đến giải thưởng. Mong muốn lớn nhất của ông là ghi lại câu chuyện đáng nhớ về tình quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho con cháu sau này đọc và suy ngẫm. Vì thế, nhận được lời chúc mừng từ Ban tổ chức, đồng đội cũ và người thân, ông Lê Văn Quýt rất xúc động. “Tôi không ngờ câu chuyện của mình lại nhận được sự đồng cảm, sẻ chia nhiều đến vậy. Sau này, tôi sẽ hồi tưởng, ghi lại những mẩu chuyện lịch sử, những mong đem lại điều có ích cho con cháu mai sau” , ông Quýt nở nụ cười hồn hậu nói. Bài, ảnh: TÂY LONG