Chú trọng công tác giảm nghèo ở miền núi
(QT) - Công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Quảng Trị quan tâm đúng mức. Chỉ tính từ năm 2011- 2015, nhà nước đã đầu tư 115.960 triệu đồng xây dựng 120 công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  Nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng quà cho người nghèo ở Hướng Hóa

Chú trọng công tác giảm nghèo ở miền núi

(QT) - Công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Quảng Trị quan tâm đúng mức. Chỉ tính từ năm 2011- 2015, nhà nước đã đầu tư 115.960 triệu đồng xây dựng 120 công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng quà cho người nghèo ở Hướng Hóa

Đối với huyện Đakrông, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đã đầu tư 188.354 triệu đồng xây dựng 55 công trình như cơ sở dạy nghề tổng hợp, bệnh viện, trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, thủy lợi… Đầu tư 67.388 triệu đồng hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, tiến hành giao khoán 9.466 ha rừng đối với hộ gia đình nhận khoán chăm sóc, bảo vệ; tiến hành đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình trồng rừng sản xuất với tổng diện tích hơn 1.937 ha; hỗ trợ đầu tư 1.000 ha cho các hộ gia đình trồng rừng tại các xã để tạo vùng nguyên liệu theo quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ các giống có năng suất, chất lượng cao như lúa, ngô, chuối, giống lợn, trâu, bò, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện cho hàng trăm cán bộ các cấp trong huyện đi học chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị phục vụ công tác. Luân chuyển và tăng cường 5 công chức chuyên môn, trong đó 2 công chức cấp tỉnh và 3 công chức cấp huyện, thu hút 39 trí thức trẻ về công tác tại 13 xã thuộc huyện Đakrông, mỗi xã bố trí 3 trí thức trẻ. Tuyển chọn 7 trí thức trẻ có trình độ đại học theo dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú về làm phó chủ tịch UBND tại 7 xã của huyện. Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, trong đó chú trọng đến công tác khuyến nông, khuyến ngư, xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, trong đó riêng Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã hỗ trợ cho huyện hàng chục tỷ đồng để xây dựng hạ tầng viễn thông, trạm y tế, công trình khu bán trú dân nuôi, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ lập quỹ khuyến học… Để người dân tự học tập lẫn nhau trong sản xuất, tổ chức cuộc sống, các địa phương đã xây dựng 13 mô hình giảm nghèo với 354 hộ nghèo, trong đó có 269 hộ nghèo dân tộc thiểu số tham gia các mô hình như chăn nuôi bò, gà, lợn. Các mô hình giảm nghèo đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, từng bước thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi lạc hậu của người dân địa phương, chuyển dần sang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng thâm canh. Chính sách hỗ trợ về đất sản xuất cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân 0,4ha/hộ. Hỗ trợ hơn 2.000 tấn gạo cho hơn 14.000 lượt học sinh dân tộc thiểu số học bán trú và hỗ trợ dụng cụ học tập và sách giáo khoa cho học sinh dân tộc ít người. Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi và các loại máy móc, công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, tập huấn công tác khuyến nông- khuyến lâm, hỗ trợ xây dựng một số mô hình sản xuất tiên tiến với tổng kinh phí thực hiện 27.354 triệu đồng cùng nhiều chương trình, dự án giảm nghèo khác. Bên cạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dân sinh, các địa phương thực hiện khá tốt công tác khám, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, quan tâm đến cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hàng trăm ngàn lượt người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cùng nhiều hoạt động khác như xây dựng quỹ “Khám, chữa bệnh cho người nghèo” để hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại và tiền viện phí cho cho hơn 5.000 lượt người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người bị mắc bệnh hiểm nghèo. Hàng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hàng chục nghìn lượt người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đến khám bệnh và điều trị bằng thẻ BHYT. Để đáp ứng công tác khám chữa bệnh tại chỗ ở các xã, ngành y tế của tỉnh, huyện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế. Nhờ đó, trong giai đoạn 2011- 2015, thông qua các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đã có 20.837 hộ thoát nghèo. Theo đó, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 11.781 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hộ nghèo 6,92%, 12.138 hộ cận nghèo, chiếm 7,13%. Tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi giảm từ 31,72% đầu năm 2011 xuống còn 15,25% cuối năm 2015, bình quân giảm 3,29%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đakrông giảm từ 47,65% (3.702 hộ nghèo) vào đầu năm 2011 xuống còn 21,92% (2.158 hộ nghèo) cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 5,14%, đạt vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm. Đến nay, có 100% số xã vùng dân tộc miền núi đã có đường giao thông về đến trung tâm, có trạm y tế, 100% xã có công trình thuỷ lợi nhỏ, có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, trường học được xây dựng kiên cố; phần lớn các thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng… Bộ mặt nông thôn miền núi không ngừng khởi sắc. Bài, ảnh: NV