Mục kích nơi “sa tặc” tung hoành
Bất kỳ nắng hay mưa, mùa hè hay mùa đông, ở phía bắc cầu Đông Hà trong bóng đêm nhập nhoạng vẫn nhận ra âm thanh của chiếc máy hút cát thản nhiên ''đục khoét'' lòng sông. Đó là hiện tượng điển hình về hoạt động khai thác cát sạn trái phép đang diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương trong tỉnh... Bãi tập kết cát trước lúc đưa đi tiêu thụHoạt động của các đối tượng này được gắn với biệt danh ''sa tặc'', bởi tình hình khai thác cát sạn trái phép đang xảy ra thường xuyên và tính chất ngày càng ...

Mục kích nơi "sa tặc" tung hoành

Bất kỳ nắng hay mưa, mùa hè hay mùa đông, ở phía bắc cầu Đông Hà trong bóng đêm nhập nhoạng vẫn nhận ra âm thanh của chiếc máy hút cát thản nhiên ""đục khoét"" lòng sông. Đó là hiện tượng điển hình về hoạt động khai thác cát sạn trái phép đang diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương trong tỉnh...

Bãi tập kết cát trước lúc đưa đi tiêu thụ
Hoạt động của các đối tượng này được gắn với biệt danh ""sa tặc"", bởi tình hình khai thác cát sạn trái phép đang xảy ra thường xuyên và tính chất ngày càng phức tạp. Họ thường dùng thuyền khai thác tự do vào ban đêm hay những lúc không có lực lượng chức năng tuần tra. Theo số liệu của Sở Tài Nguyên & Môi trường, hiện nay ơ Vĩnh Linh có 27 hộ với 33 thuyền, Gio Linh 10 hộ với 10 thuyền, thị xã Quảng Trị 22 hộ với 23 thuyền, Triệu Phong 31 hộ với 31 thuyền, đó là chưa kể một số lượng thuyền ở các tỉnh khác đến tự do khai thác. Bên cạnh việc ngang nhiên ""đào bới"" lòng sông, các hộ này còn lập bãi tập kết vật liệu ven sông một cách tự phát hoặc cho thuê trái thẩm quyền. Ở Vĩnh Linh hiện có 17 bãi, thị xã Quảng Trị có 2 bãi, Gio Linh 14 bãi, Triệu Phong 24 bãi. Trong số các bãi nói trên có một phần được chính quyền xã, thôn cho thuê, số còn lại đều tự phát trước nhu cầu tập kết của các đối tượng khai thác trái phép. Hoạt động khai thác trái phép cát sạn ở lòng sông từ nhiều năm qua đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông trên địa bàn, nhất là sông Sa Lung, sông Hiếu và Thạch Hãn. Sự thay đổi thủy lưu của các con sông đã gây ra tình trạng xói lở, ảnh hưởng đến công trình dân sinh và cuộc sống của người dân ở hai bên bờ sông. Trước lúc theo đoàn kiểm tra liên ngành tuần tra, xử phạt các trường hợp khai thác cát sạn trái phép, chúng tôi đã mục kích một vài địa điểm nơi ""sa tặc"" đang hoành hành. Ngoài địa điểm rất dễ phát hiện là phía Bắc chân cầu Đông Hà, chúng tôi đã vào tận cầu Quảng Trị men theo dòng Thạch Hãn xuôi về tận thôn Gia Độ (Triệu Độ, Triệu Phong). Mới hơn 21 giờ nhưng dọc hai bên bờ sông chảy qua địa phận các xã Triệu Thượng, Triệu Độ và thị xã Quảng Trị đã thấy bóng dáng của những chiếc thuyền xà lan nhổ neo tìm vị trí khai thác. Áp tải bên cạnh các xà lan là những chiếc thuyền máy chuyên chở máy móc, dụng cụ khai thác. Thường thì trước lúc ""cập bãi"" hành nghề, các đối tượng khai thác đã cho người đi tiền trạm thăm dò nguồn cát sạn ở khắp ngọn nguồn các con sông. Một tay chuyên làm nhiệm vụ khảo sát giấu tên tiết lộ với chúng tôi rằng ở sông Thạch Hãn đoạn chảy qua địa phận xã Triệu Thượng là nơi ẩn chứa trữ lượng cát nhiều và tốt nhất. Còn sạn thì phải đi xa hơn, lên tận đầu nguồn sông Thạch Hãn ở địa phận xã Hải Lệ mới có sạn đạt quy chuẩn xây dựng. Vì vậy khi đã nắm rõ trữ lượng và chất lượng của cát sạn thì dân khai thác tùy theo đơn đặt hàng của bên mua mà lựa chọn địa điểm và sản phẩm, nên hoạt động khai thác cát sạn không bao giờ ""cắm chốt"" ở một địa phận mà luôn chuyên dịch. Trước hết là đáp ứng yêu cầu của bên mua, sau đó là cách để lẩn tránh sự truy quét, tuần tra của liên ngành đường sông. Hôm chúng tôi ""mai phục"" ở chân cầu Quảng Trị, cách đó khoảng 100 m về phía hạ nguồn Thạch Han đang lù lù một chiếc xà lan, bên trên ""cắm"" toàn bộ máy móc khai thác đang chĩa ống hút xuống lòng sông. Tiếng động cơ nghe inh ỏi, mùi khói dầu phả lên phá tan sự tĩnh mịch, thơ mộng dọc bờ sông Thạch Hãn. Anh bạn cùng đi nảy ra ý tưởng bỏ mục đích ""mai phục"" thả bộ theo tuyến đường ven sông thị xã Quảng Trị về Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nơi đây đang hình thành một khu du lịch, dịch vụ khá lý tưởng với dãy hàng quán san sát cạnh bờ sông. Chúng tôi ghé lại, tìm một chiếc bàn sát mép sông, hóa ra đây là vị trí đắc địa để phóng tầm mắt quan sát cả một quãng sông dài rộng mênh mông từ chân cầu Quảng Trị về tận thôn Trung Yên, xã Triệu Độ. Sông Thạch Hãn về đêm đen đặc, một phần hai khúc sông lấp lánh ánh điện còn nữa bên kia là địa bàn hoạt động của các thuyền khai thác cát sạn. Không cảnh thuyền bè ngược xuôi nhưng máy móc khai thác vừa đủ khuấy động cả lòng sông. Thi thoảng nước sông lại duềnh lên trước sự dịch chuyển của chiếc xà lan vừa xong một mẻ cát. Trên đó xuất hiện vài cái lưng trần cặm cụi vận hành chiếc máy hút cát và canh phòng nếu có ám hiệu về lực lượng tuần tra. Mọi hoạt động diễn ra công khai suốt đêm cho đến lúc trời vừa sáng thì chiếc sà lan đã ""ăn no"" cát tìm nơi giải phóng nguồn hàng. Có thể chủ hàng bán lại cho các thuyền tỏa đi cung ứng cho các nơi cần tiêu thụ hoặc thuê một cái bãi ""găm"" hàng sau đó chuyên chở bằng đường bộ. Vấn đề đặt ra là tại sao hoạt động khai thác cát sạn trái phép đang diễn ra phổ biến, nhất là vào mùa khô, mùa xây dựng của nhiều công trình nên cát, sạn là một vật liệu ""sốt"" nhưng chưa được các ngành chức năng và địa phương giải quyết dứt điểm. Thực tế trong 2 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị chỉ cấp 3 giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác cát sạn lòng sông. Đó là 2 giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông cho Công ty CP xây dựng số 6 khai thác tại mỏ Quan Quế xã Triệu Nguyên và khu vực sông Ba Lòng thuộc xã Mò Ó (Đakrông), 1 giấy phép thăm dò cho HTX vận tải cơ giới đường sông Triệu Phong thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông tại thôn Tân Mỹ- Như Lệ và thôn Tích Tường xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị). Theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên nói chung ở địa bàn tỉnh mấy năm qua đã được tăng cường. Riêng trong 2 năm từ 2007-2008 huyện Triệu Phong đã tổ chức 15 đợt kiểm tra và xử phạt hành chính 170.000.000 đồng đối với các trường hợp vi phạm, thị xã Quảng Trị tổ chức 5 đợt kiểm tra bắt giữ 5 thuyền khai thác. UBND thị xã Đông Hà tổ chức kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Phòng 10.000.000 đồng và buộc ông chấm dứt việc tổ chức khai thác cát sạn trái phép trên khu vực sông thuộc địa bàn thị xã Đông Hà... Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế khó khăn đó là việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Hầu hết những vụ việc bắt quả tang tại hiện trường đối tượng chỉ là cư dân các vạn chài được các ông chủ thuê làm công nên họ không có đủ tư cách pháp nhân. Mặt khác đây là một nghề sinh nhai của cư dân sông nước, nếu không đi làm thuê hút cát mỗi đêm kiếm gần 200.000 đồng thì lấy gì nuôi sống vợ con gia đình. Việc tịch thu phương tiện cũng khó thực hiện bởi đó là một tài sản lớn của chủ cát sạn, nên chỉ sử dụng biện pháp xử phạt để răn đe, giáo dục... Để đi đến chấm dứt tình trạng khai thác cát sạn trái phép, các địa phương cần tích cực phối hợp với các ngành hữu quan tăng cường công tác quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác. Tổ chức kiểm tra, đẩy đuổi các đối tượng hoạt động khai thác. Đặc biệt ngành Giao thông và Công an cần tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động trên sông, quản lý luồng lạch và kiên quyết xử phạt, tịch thu phương tiện khai thác cát sạn ở lòng sông. Có như vậy mới trả lại bình yên cho các dòng sông, tránh sự xói mòn, sạt lở gây nguy hại đến đời sống con người do hoạt động khai thác cát sạn trái phép gây ra... Bài và ảnh: Hồ Nguyên Kha