(QT) - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, những năm qua, huyện Gio Linh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ.
![]() |
Nhờ số vốn tích lũy được từ xuất khẩu lao động, nhiều gia đình ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã xây dựng được nhà cửa khang trang |
Được cán bộ chính sách thị trấn Cửa Việt dẫn đường, chúng tôi đến gặp chị Ngô Thị Thủy ở tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, một trong những gia đình có người thân đi XKLĐ hơn 10 năm tại Hàn Quốc. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang rộng gần 200 m2 được xây bằng tiền tiết kiệm được trong những năm đi XKLĐ, chị Thủy cho biết, trước đây, khi vừa ở riêng, gia đình chị thuộc diện nghèo. Hai vợ chồng chị phải xoay xở làm rất nhiều công việc, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu thốn. Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2007 chị động viên chồng tham gia XKLĐ làm nghề đóng tàu biển tại Hàn Quốc. Nhờ công việc phù hợp, lại chịu khó lao động nên mỗi tháng trừ các khoản chi phí cá nhân, chồng chị gửi về cho gia đình gần 30 triệu đồng. Với nguồn vốn dành dụm của người chồng đi XKLĐ, chị Thủy đã xây được ngôi nhà hai tầng khang trang, mua sắm những vật dụng gia đình như tivi, tủ lạnh, máy giặt… với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
“Từ khi chồng tôi đi XKLĐ, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Có vốn, tôi đầu tư làm nghề trang điểm cô dâu và chụp ảnh cưới để có thêm thu nhập phụ với chồng ổn định kinh tế gia đình. Tôi thấy việc XKLĐ thực sự tạo điều kiện để vượt nghèo và vươn lên làm giàu cho người dân. Người nào trong độ tuổi lao động mà không có việc làm thì nên tham gia XKLĐ”, chị Thủy chia sẻ.
Tại khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hoài Diệp. Gia đình ông Diệp có 4 người con đều đang lao động và du học ở nước ngoài. Ông Diệp kể, do cuộc sống khó khăn, khó tìm việc làm ổn định để đảm bảo cuộc sống nên ông đã hướng các con đi XKLĐ và du học theo diện vừa học vừa làm. Nay 2 người con lớn của ông đã lập gia đình và xây được nhà cửa khang trang, kinh tế khá hơn nhiều. Theo thống kê, thị trấn Cửa Việt là địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất ở huyện Gio Linh với gần 630 người đang lao động ở nước ngoài. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có 176 người tham gia XKLĐ. Các lao động chủ yếu đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Tương tự như gia đình chị Thủy, ông Diệp, hầu hết những những hộ gia đình có người đi XKLĐ khi về đều có một khoản vốn kha khá, giúp xây dựng nhà cửa khang trang và đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh hoặc đóng tàu đánh bắt xa bờ để khai thác thủy, hải sản… Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, nhiều người đi XKLĐ và có người thân đi XKLĐ còn tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động thông qua các công ty được cấp phép làm dịch vụ XKLĐ. Bên cạnh đó, những gia đình đã có người thân lao động ở nước ngoài thấy được điều kiện lao động tốt và mức thu nhập khá nên đã tư vấn thêm cho anh em, họ hàng cùng đi. Có người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước và đăng ký đi lần 2, lần 3 với mong muốn có thêm vốn lập nghiệp. Hàng năm, lượng tiền của lao động làm việc ở nước ngoài gửi về đã góp phần giúp người dân xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, mua sắm ngư lưới cụ, đầu tư sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Thời gian tới, để công tác XKLĐ của thị trấn đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp cho sự phát triển KT-XH địa phương, theo ông Cảm, UBND thị trấn Cửa Việt sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác XKLĐ thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, trong đó xác định phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất chính là “người thật, việc thật”. Bên cạnh đó, thị trấn cũng quan tâm hướng dẫn người dân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để được vay vốn XKLĐ theo chủ trương của nhà nước; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tư vấn tới các thôn, xóm, giúp người dân nắm rõ thông tin về thị trường lao động, doanh nghiệp được phép tuyển dụng, để họ hiểu và lựa chọn những đơn hàng phù hợp, tránh tình trạng bị lừa đảo khi tham gia XKLĐ.
Hiện trên địa bàn huyện Gio Linh có gần 1.900 người tham gia XKLĐ, trung bình mỗi năm lượng tiền gửi về địa phương đạt gần 400 tỷ đồng. Ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hiện nay người lao động còn tham gia làm việc ở các thị trường mới như Đức, Nga, Singapore… Từ việc đưa người tham gia XKLĐ đã giúp những địa phương này hoàn thành tốt chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo của huyện và thực hiện đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. UBND huyện đã ban hành Đề án giải quyết việc làm, XKLĐ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí của việc làm và XKLĐ trong việc phát triển kinh tế của địa phương; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường mở các hội nghị tư vấn để tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân mà trực tiếp là các lao động trong độ tuổi XKLĐ. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh giới thiệu các công ty làm ăn có uy tín trên thị trường để định hướng cho XKLĐ sang các thị trường tiềm năng; tổ chức các sàn giao dịch việc làm ở các vùng trọng tâm, trọng điểm của huyện, đặc biệt là các xã phía tây của huyện để mở rộng địa bàn XKLĐ ra toàn huyện. Đồng thời nghiên cứu phương án cân đối giữa cung và cầu để đảm bảo vấn đề lao động tại địa phương cũng như xuất khẩu lao động được hợp lý”.
Huyện Gio Linh là địa phương mà nguồn thu nhập chủ yếu của người dân dựa sản xuất nông nghiệp. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, có thể nói chủ trương XKLĐ là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế tại địa phương, góp phần làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương.
Thục Quyên